Trường đại học tự bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư: Xu thế và thời gian
Xung quanh việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP HCM) tự bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) có nhiều luồng ý kiến được Đại Đoàn Kết tiếp tục ghi nhận trong tuần qua. Trong giới khoa học và cả những thành viên của Hội đồng chức danh GS Nhà nước vẫn còn những tranh luận trái chiều, giữa một bên là luật hiện hành và xu thế tất yếu của nền giáo dục hiện đại.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Chưa có tiền lệ
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS.TSKH Đào Trí Úc - Giảng viên cao cấp khoa Luật (ĐHQG Hà Nội) cho biết, ông từng có hai nhiệm kỳ làm ủy viên của Hội đồng chức danh GS Nhà nước có hai quy trình rất rạch ròi theo quy định của các quy phạm pháp luật.
Đầu tiên, thẩm quyền là do Hội đồng chức danh GS Nhà nước xem xét công nhận một nhà giáo nào đó đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS trên cơ sở đề nghị của các Hội đồng cơ sở họ đề nghị lên.
Sau đó công đoạn thứ hai là các cơ sở giáo dục ĐH sẽ bổ nhiệm chức danh GS cho người ấy trên cơ sở nhu cầu và khả năng của trường đó. Nhưng, chỉ trong số những người trong danh sách của nhà trường và thứ hai là đã được Hội đồng chức danh GS Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn.
“Tôi không biết ở trường cụ thể nào, nhưng tôi nghĩ ở các trường đều làm như vậy cả, còn ai ký quyết định đó thì theo quy định của từng trường, nhưng nhất thiết là phải được Hội đồng chức danh GS Nhà nước xem xét công nhận tiêu chuẩn”, GS Úc nói.
Về trường hợp của trường ĐH Tôn Đức Thắng, GS.TS.NGƯT Mai Hồng Quỳ nêu quan điểm: “Chúng tôi cho rằng đây là xu thế tất yếu, nhưng cần phải rõ là để thực hiện hóa xu thế này thì cần thời gian nghiên cứu kinh nghiệm, đánh giá năng lực của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là của đội ngũ giáo viên và quan trọng nhất là phải căn cứ vào một văn bản có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Theo GS Mai Hồng Quỳ, tại thời điểm này thì văn bản pháp luật điều chỉnh việc công nhận đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm và miễn nhiệm GS, PGS ở Việt Nam vẫn có hiệu lực tuân theo quyết định số 174 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 20/QĐ/TTG sửa đổi bổ sung quyết định 174.
“Vì vậy, dù có ủng hộ cái mới, cái hay, ủng hộ việc giao quyền bổ nhiệm cho các trường thì chúng tôi vẫn phải khẳng định rằng trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng trường được làm những gì luật không cấm thì phải nói là trường đã hiểu không đúng về nguyên tắc pháp luật nêu trên”, bà Quỳ nêu quan điểm.
Một số ý kiến trích lại Điều 4 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận chỉ áp dụng đối với các cam kết thỏa thuận trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự. Việc phong hàm và bổ nhiệm vào chức danh GS, PGS không phải là một thỏa thuận dân sự mà là một hành vi hành chính.
Trường Tôn Đức Thắng là một đơn vị sự nghiệp, là một trường ĐH Công lập nên rõ ràng trong các hoạt động của mình cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có các quyết định 174 và quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ.
Quan điểm của GS Mai Hồng Quỳ về phương diện này thì “ngay cả nếu trong quyết định của Thủ tướng không quy định minh thị việc trường được giao quyền phong và bổ nhiệm chức danh GS, PGS thì trường cũng không có cơ sở pháp lý để làm việc này".
Về quy trình bổ nhiệm vào chức danh GS, PGS thì các quy định của các văn bản của Thủ tướng cũng thể hiện sự tiến hóa và từng bước thực hiện việc giao quyền cho các trường, các cơ sở đào tạo.
Cụ thể, thời điểm từ năm 2008 trở về trước thì văn bản áp dụng điều chỉnh việc này do Nghị định số 20 của Chính phủ quy định và giao quyền người có thẩm quyền ký quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS là Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Từ năm 2009 đến tháng 6/2012 thì văn bản áp dụng theo quyết định 174 và quy định Chủ tịch Hội đồng chức danh GS Nhà nước căn cứ trên nghị quyết của Hội đồng để ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các nhà giáo. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT căn cứ đề nghị của Thủ trưởng các cơ sở giáo dục ĐH để ra quyết định bổ nhiệm.
Cuối cùng, từ thời điểm 2012 đến nay Thủ tướng quy định người ký quyết định bổ nhiệm vào chức danh GS, PGS là Thủ trưởng cơ sở đào tạo.
Như vậy, ngay cả quá trình lịch sử ban hành luật nêu trên thì trường hợp của ĐH Tôn Đức Thắng vẫn “vượt rào” khi việc bổ nhiệm một người vào chức danh GS mà không có quyết định công nhận đạt chuẩn của Hội đồng Chức danh GS Nhà nước. Không bàn đến việc hay dở, mà cách thức làm và hành xử như vậy là một sự vi phạm pháp luật.
Với một vị trí như thế, học hàm họ phong có giá trị đến đâu? Nếu hiểu giáo sư chỉ là danh từ để chỉ người đi dạy học và ở mỗi trường đại học thì có một ý nghĩa và trình độ riêng thì trường đại học nào cũng có thể tự xét phong theo tiêu chí của riêng mình. Nhưng nếu hiểu giáo sư như một sự vinh danh theo tiêu chuẩn quốc gia thì chỉ nên phong với sự xét chọn của một hội đồng ở cấp quốc gia. Theo cá nhân tôi, trong cuộc tranh luận về việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng có được quyền tự phong danh hiệu giáo sư của riêng mình hay không, chúng ta chưa để ý tới một điều: Về thực chất, đẳng cấp của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang ở vị trí nào trong bảng xếp hạng chất lượng đào tạo của chúng ta? Và với một vị trí như thế, học hàm mà họ phong có giá trị đến đâu? Nếu muốn thử nghiệm, tại sao trước hết chúng ta không để cho những trường đại học hàng đầu quốc gia làm? Như thực tế cho thấy, những nhà giáo dục đích thực thường trước hết phấn đấu để tên tuổi của mình có giá trị thực chất hơn là đuổi theo những danh hiệu mang tính quy ước... Nhà báo Hồng Thanh Quang |
Có nên coi là xu thế của tương lai?
Dù cho rằng việc tự phong GS, PGS của ĐH Tôn Đức Thắng là thách thức pháp luật, GS Mai Hồng Quỳ vẫn nhìn nhận rằng đây là xu thế tất yếu, chỉ có điều để thực hiện hóa xu thế này thì cần thời gian nghiên cứu kinh nghiệm, đánh giá năng lực của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là của đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, trước hết phải nên đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và không thể theo kiểu “lẫn lộn đúng sai, ném đá vô tội vạ”.
Trong khi đó, ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng giải thích với chúng tôi rằng, một trường ĐH đúng nghĩa, đúng tiêu chuẩn và nguyên mẫu thì cần có đầy đủ thẩm quyền trong việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn của mình.
Đó là những chức vụ nghề nghiệp, mà dạy học và nghiên cứu là nghề nghiệp của trường ĐH. Trường ĐH đúng nghĩa nào cũng có thẩm quyền đó, chỉ có điều trong một thời gian rất rất dài, chúng ta tập trung thẩm quyền đó vào một hội đồng, còn các trường ĐH hiện đang bị tước mất thẩm quyền đó.
Vấn đề thứ hai là trong sự phát triển của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ở mỗi giai đoạn sẽ có một nguồn nhân lực ở một mặt bằng khác nhau. 10 năm trước, trường này cần đến TS là quá rồi, nhưng hiện nay GS, PGS cũng không đủ cho nhu cầu phát triển. Việc bổ nhiệm những người đủ tiêu chuẩn giúp trường có cơ sở để đãi ngộ tương xứng, không thể ứng xử như giảng viên bình thường.
Thứ ba, quyết định 158 của Thủ tướng ký ngày 29/1/2015 cho phép trường thí điểm toàn diện. Thí điểm là những thứ mà luật chưa có thì mới phải thí điểm, cho trường làm thử. Như vậy có nghĩa là có những điều mà luật hiện không có nhưng chúng tôi vẫn được quyền làm.
Tuy nhiên, trước dư luận xã hội băn khoăn tại sao ĐH Tôn Đức Thắng không kiến nghị thay đổi quy định hiện hành mà lại làm một cách được cho là vội vàng? Ông Lê Vinh Danh thừa nhận là trường có thể đã vội vàng khi không lường trước được dư luận.
“Thứ nhất, tại sao chúng tôi không đề xuất việc điều chỉnh các quy định hiện hành? Lý do là những quy định hiện hướng đến việc bổ nhiệm theo các tiêu chuẩn nhà nước quy định và được hưởng chế độ. Các học hàm đó vĩnh viễn gắn liền với người được phong, sau khi không còn làm tại trường đại học nữa vẫn được coi là GS”, ông Danh giải thích.
Một số luồng ý kiến ủng hộ việc nên có một thí điểm đi trước như ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng xu hướng giáo dục quốc tế hiện nay là trao quyền cho các trường tự quyết trong việc bổ nhiệm GS hay PGS của trường. Chẳng hạn, ở Mỹ có trên 3.000 trường ĐH và trường nào cũng có quyền bổ nhiệm GS, PGS của họ. Trường thấp thì đương nhiên họ không thể đặt ra một tiêu chuẩn quá cao được; ngược lại, trường cao thì tiêu chuẩn rất cao.
Các ý kiến này đề nghị, về lâu dài nên chấp nhận một sự phân tầm và một sự đa dạng, các GS không nhất thiết phải có một mặt bằng giống nhau. Điều cần làm là tạo môi trường để trường thấp vươn lên thành trường trung bình, trường trung bình vươn lên thành trường cao, như vậy xã hội mới tiến bộ.