Dũng cảm bỏ hủ tục
Xã vùng sâu Đạ Tế, huyện Đam Rông, Lâm Đồng với gần 100% dân cư là đồng bào dân tộc Cờ Ho. Xưa, nơi đây còn nhiều hủ tục như: thách cưới, bắt ma…Thế nhưng, nhờ sự tuyên truyền của cán bộ, bà con đã dũng cảm, kiên quyết từ bỏ hủ tục và vận động mọi người làm theo mình.
Buôn làng ấm no hơn nhờ bỏ các hủ tục
Bi hài bắt ma
Sau khi thấy đứa con lớn cứ ốm quặt quẹo, ông Y Hải, ở xã Đạ Tế đã chất đầy một đống củi giữa sân để mời già làng và nhiều người khác đến làm lễ bắt ma. Họ cho rằng, khi cơ thể con người không khỏe mạnh nghĩa là ma đã xâm nhập vào, cần làm lễ bắt nó ra ngay. Đợi lúc lửa cháy đượm nhất, ông Y Xoong kêu người bệnh đứng ra phía sau lưng mình và bắt đầu đọc: “Ơi! Con ma yếu ớt kia, mày hãy ra khỏi người, hãy ra ngay, ra ngay”. Vừa đọc Y Xoong vừa đập tay liên hồi vào người bệnh và bảo: “Ra rồi, ra rồi”.
Trong lúc già làng đang đọc bài chú, tất cả những người trong gia đình và họ hàng nội ngoại có người thân bị bệnh có mặt đều chắp tay và cầu cho người bệnh chiến thắng được con ma. Sau khi tuyên bố con ma đã ra khỏi cơ thể thì những người bệnh mới bắt đầu uống các loại thuốc khác mà các y sỹ cấp cho.
Ông Y Xoong bảo, nếu không bắt con ma ra thì thuốc uống vào con ma đó nó lấy hết và bệnh không thể khỏi. Mà lâu rồi, thói quen này vẫn thế. Bài chú đó tuy đơn giản thế nhưng không có con ma nào dám ở lại đâu. Không chỉ khi có người lâm bệnh, mà mỗi khi trong buôn làng diễn ra những sự cố bất thường hay những chuyện không hay, nhiều già làng ở Đạ Tế lại đứng ra tổ chức đêm lễ bắt ma. Họ cho rằng, không làm lễ thì khó thoát khỏi những xui xẻo ập đến. Có những đứa trẻ bị bệnh nặng quá, các già làng phải diễn cảnh bắt ma cộng với việc uống thuốc mới có thể khỏi bệnh. Và chỉ khi các già làng đọc xong bài chú những người bệnh mới chịu uống thuốc.
Lớp trẻ cũng dần dũng cảm bãi bỏ tục thách cưới
Chia cắt nhau bởi tục thách cưới
Bên cạnh lễ bắt ma ở Đạ Tế còn có một “con ma” khác nữa là tục thách cưới. Chị Y Siu tâm sự: “Dân tộc mình có tục thách cưới. Khi nhà trai thách bao nhiêu, nhà gái phải đáp ứng đủ, khổ nhất là gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì muốn con mình có chồng nên nhà nào cũng phải cố đáp ứng, sau đó còng lưng trả nợ. Như gia đình mình, quanh năm làm quần quật mà vẫn thiếu ăn, con 6 tuổi mà chưa được đến trường…”.
Nhiều người còn cho rằng, những con ma bệnh càng gan lì hơn, về quấy phá nhiều hơn nếu không thực hiện tốt tục thách cưới. Thực chất đây là một hủ tục. Cũng vì hủ tục này mà nhiều chàng trai, cô gái Cơ Ho, Chu Ru dù yêu nhau tha thiết, song không đến được với nhau. Cách đây 8 năm, Lơ Mu K’Phi, sinh năm 1987, đem lòng yêu say đắm chàng trai trong thôn tên là Kră Ranh Ha Huy. Hai người đã trải qua 5 năm yêu thương nhau với biết bao kỷ niệm và cả những lời thề non hẹn biển, nhưng oái oăm thay, gia đình K’Phi quá nghèo, không thể đáp ứng được các sính lễ do nhà trai đưa ra, nên dù Lơ Mu K’Phi và Kră Ranh Ha Huy có yêu nhau đến mấy vẫn đành ngậm ngùi chia tay trong nước mắt. Mấy năm đã trôi qua, mỗi khi nhớ về chuyện cũ, K’Phi vẫn đượm buồn kể: “Chúng mình rất yêu nhau, nhưng khi biết không vượt qua được hủ tục, mình đã bỏ xứ lang thang khắp nơi”. Sau mối tình tan vỡ, đến nay, K’Phi vẫn sống một mình, cô trở nên lạnh lùng trước nhiều chàng trai khác và chỉ mong hủ tục lạc hậu này sớm được xóa bỏ.
Sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đẩy lùi hủ tục
Câu chuyện của K’Nhim
“Hãy bỏ thuốc độc cho nó ăn để nó chết đi, hãy mang nó ra tế Yàng (trời) và đừng bao giờ cho nó bước chân về xã này nữa”, đó là những lời cay nghiệt của lũ làng dành cho K’Nhim, khi lần đầu tiên chị đề xuất và vận động bà con xóa bỏ tục thách cưới và lễ cúng bắt ma.
Dù vấp phải sự phản đối quyết liệt nhưng chị vẫn kiên trì phân tích cho từng người hiểu. Tại đám cưới đầu tiên không có tục thách cưới của K’Chung, nhiều người trong các buôn làng đã kéo nhau tới xem. Không phải vay tiền làm lễ cưới, gia đình K’Chung làm ăn khấm khá hơn, hạnh phúc hơn chứ không phải lụi bại dần như lời truyền miệng lâu nay.
Ngày đó, già làng A Minh đã bước tới cầm tay K’Nhim nói: “Hóa ra không có tục thách cưới, trai gái Cơ Ho lấy nhau làm ăn tốt hơn. Thế này là vui rồi, bỏ tục lệ này thôi”. Rồi già làng A Minh lại nói: “Mày giỏi thiệt đó, K’Nhim à. Mày đã làm cho cái đầu người Cơ Ho ở nơi tận cùng hẻo lánh này sáng ra. Hãy đưa cái sáng sủa này của mày cho nhiều người trong buôn, trong xã ta mượn nhé”. Nhận ra việc làm đầy ý nghĩa của K’Nhim, Hội Phụ nữ xã Đạ Tế đã mạnh dạn thành lập Câu lạc bộ (CLB) xóa tục thách cưới. Đây là CLB tiêu biểu ở Tây Nguyên tuyên chiến xóa bỏ hủ tục đã có từ nhiều đời nay với trên 30 thành viên, hội viên là những phụ nữ có kiến thức, nhanh nhẹn và nhiệt tình trong công việc. Mỗi thành viên phụ trách 5 - 10 gia đình để tuyên truyền, giúp đồng bào hiểu được tục thách cưới và lễ cúng bắt ma đã cản trở sự phát triển kinh tế và gây khó khăn cho nhiều gia đình, hệ lụy cho xã hội.
Đến nay, CLB xóa hủ tục thách cưới và bắt ma như một luồng gió mới lan ra nhiều xã lân cận, mang đến niềm vui cho không ít gia đình. Chị Kră Ranh K’ber- thành viên nòng cốt của CLB cho biết: “Từ khi CLB ra đời, nhận thức của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Thời gian gần đây, khi nhiều đôi lấy nhau, nhà trai không còn thách cưới nữa hoặc có cũng chỉ là lễ vật tượng trưng, bản thân tôi rất mừng. Lễ bắt ma cũng được dần dần bãi bỏ”.
Chị Kră Ranh K’ber nhớ lại nhiều đêm ròng đi khuyên các già làng và giải thích cặn kẽ về những sự phi lí của đêm hội bắt ma, nhiều phen bị mắng chửi và đuổi khỏi làng nhưng chị vẫn miệt mài làm công việc của mình. Và tấm lòng của chị đã đơm quả ngọt.