Bên dãy Kavkaz
Dãy núi Kavkaz là một hệ thống núi lục địa Á-Âu nằm, một đầu ở Sochi bên bờ biển Đen và đầu kia ở Baku bên bờ biển Caspi. Tuy cùng có tên là Kavkaz nhưng nó lại được kiến tạo từ hai hệ thống núi riêng biệt: rặng Đại Kavkaz và rặng Tiểu Kavkaz. Hai rặng núi này được nối liền bởi dãy núi Likhi.
Cảnh quan dãy núi Kavkaz nhìn từ Svaneti, Gruzia
Kavkaz hình thành khoảng gần 30 triệu năm trước, là sự nối dài của Himalaya. Nếu như ở Đại Kavkaz, sự đe dọa của động đất là thường xuyên thì ở Tiểu Kavkaz lại là núi lửa.
Cho tới nay, qua rất nhiều lần xác nhận thì người ta cũng không phân định rõ được Kavkaz phần nào là Âu phần nào là Á. Tuy nhiên, một xác định của viên sĩ quan quân đội và nhà địa lý người Thụy Điển- Philip Johan von Strahlenberg- được cho là “có lý” hơn cả. Strahlenberg cho rằng ranh giới này chạy theo các đỉnh của dãy núi Ural, sau đó chạy theo sông Emba và bờ biển Caspi, trước khi chạy qua vùng trũng Kuma-Manych, nằm cách dãy núi Kavkaz 300 km về phía bắc. Năm 1730, đường ranh giới này đã được Nga hoàng chấp thuận.
Cho dù thế nào chăng nữa, thì đây cũng là dãy núi hết sức nổi tiếng. Có những đỉnh cao trên 5000 mét thuộc về sở hữu của hai quốc gia là Nga/Gruzia. Khu vực này trong lịch sử từng diễn ra những chiến dịch quân sự khét tiếng.
Thời tiết khu vực này cũng rất khó chịu khi chúng chuyển từ khoảng 35 độ C ở sườn núi bên này bỗng tụt xuống -10 độ C ở sườn bên kia. Mưa ở đây cũng rất dữ dội, hầu như liên miên mà không theo quy luật của mùa trong năm. Vì thế, những cuộc hành binh trong lịch sử được mô tả trong văn học là rất thê lương. Đã thế, nơi đây tuyết rơi nhiều, tạo ra sự trơn trượt mà hầu hết các phương tiện vận tải đều gặp trở ngại, chỉ có những con ngựa gốc Á chịu đựng kham khổ mới có thể nhẫn nại đi lại trong ngày tuyết rơi. Các trận tuyết lở diễn ra bất ngờ trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm trước tới tháng 4 năm sau. Nhiều nơi tuyết dày tới 5 mét, dày nhất là tại khu vực đỉnh Achishkho: tuyết dày tới 7 mét. Khi tan chảy, chúng tạo thành những dòng sông băng cho dẫu có đẹp đến đâu đi chăng nữa thì cũng vô cùng nguy hiểm.
Do khí hậu khắc nghiệt, địa lý hiểm trở, các loài cây ở đây rất ít, chủ yếu là những cánh rừng sồi, phong và tần bì che phủ ở các cao độ nhỏ trong khi rừng bạch dương và thông che phủ tại các cao độ lớn hơn. Còn những cánh rừng vân sam và linh sam thì rất cô quạnh. Cũng vì thế mà động vật ở đây khá đơn điệu, chủ yếu chỉ là những con sói, gấu…, chúng là loài vật mạnh mẽ và dữ tợn.
7 năm trước, một nhóm các nhà nghiên cứu Gruzia đã mạo hiểm đi sâu vào khu vực Borjormi-Kharagauli, một trong những nơi hoang vắng nhất của dãy núi Tiểu Kavkaz để điều tra một tàn tích cổ đại nằm trên lưng chừng núi. Nơi đây có huyền thoại “khu mộ địa của những người khổng lồ”. Họ đã kinh hoàng khi phát hiện ra hai bộ xương người với kích thước khổng lồ ngồi gục ngay trên ghế, bên cạnh một chiếc bàn rất lớn.
Chúng tôi đã phải vượt qua những vùng địa hình hoang vu và cực kỳ hiểm trở của dãy Kavkaz, khi mà không ai dám tin rằng mình sẽ sống sót- một người trong đoàn thám hiểm kể lại. Khi vào căn hầm, trước mắt chúng tôi là một sự ngổn ngang. Cùng với việc tìm thấy hai bộ xương của “người khổng lồ”, chúng tôi còn tìm thấy nhiều mảnh xương rất dài, chứng tỏ họ có tầm vóc cao lớn hơn chúng ta rất nhiều, ít ra là gấp 1,5 lần.
Theo GS Vekua- một nhà khảo cổ hàng đầu, người nổi tiếng với việc phát hiện chứng tích 1,8 triệu năm tuổi của người vượn Homo Erectus của Gruzia- các mảnh xương đúng là của con người hiện đại, chỉ có điều cơ thể của những người này ít nhất cũng phải cao khoảng 2,5 mét trở lên.
Nếu đúng, thì rất có thể trong rặng Kavkaz tới nay vẫn có những người khổng lồ sinh sống.
Sự hiểm trở của Kavkaz là tiếng gọi bí ẩn với những người ưa mạo hiểm
Sau đó, một nhóm nghiên cứu khác gồm 4 nhà khảo cổ Gruzia cùng với đoàn làm phim đến từ kênh truyền hình khoa học nổi tiếng Science Channel (Mỹ) đã đến Borjomi-Kharagauli để tiếp tục khám phá những điều bí ẩn. Tham gia đoàn thám hiểm còn có Bruce Fenton- người rất nổi tiếng với công trình nghiên cứu về “Thành phố đã mất của người khổng lồ” được phát hiện trong rừng sâu Ecuador vào năm 2012.
Mô tả của Bruce, đây là khu rừng gần như nguyên thủy, với rất nhiều gấu, chó sói, mèo rừng, thậm chí là cả những tay săn trộm có vũ trang và manh động. Với những phiến đá đổ nát, người ta biết rằng đây là một con đường cổ xưa. Nhưng ai đã xây dựng nên những công trình quy mô đó tại nơi cực kỳ hiểm trở và khó tiếp cận này? Con đường xuyên qua hai bên dãy núi đá dựng đứng. “Có nghĩa là tại nơi tận cùng thế giới này đã từng có một nền văn minh, nhưng ắt hẳn phải là văn minh của những người khổng lồ vì chỉ có họ mới có thể tồn tại được”- theo Bruce.
Có những công trình to lớn đến bất thường- Bruce nói. Nếu không phải là những con người cực to lớn thì họ không cần phải làm những công trình to như vậy. Lại có một ngôi hầm rộng lớn mà không biết người ta chứa rượu hay thực phẩm, mà cũng có thể là một nơi thờ tự. Cho dù không tìm thêm được bộ hài cốt nào nhưng chúng tôi đã tìm thấy một nền văn minh rất khác so với con người nói chung.
Một đơn vị xe tăng Liên Xô tại Makhachkala trong Chiến dịch Kavkaz
Không những thế, Kavkaz còn vô cùng nổi danh với trận chiến kéo dài từ tháng 7 năm 1942 cho đến tháng 10 năm 1943 giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau những tháng ngày vô cùng gian khổ, những mất mát vô bờ bến, Hồng quân đã chặn được cuộc tiến công của quân địch ở hướng Đông Nam. Tiến sĩ sử học Aleksei Kilichenkov viết: “Vào năm 1942, quân đội Đức không còn đủ sức để tấn công trên tất cả các mặt trận, vì vậy Hitler đã chọn hướng Nam. Ở khu vực Kavkaz có nhiều mỏ dầu khí, có các loại khoáng sản. Quân lính Đức đã cố gắng đi theo hướng Tây quanh dãy núi Kavkaz. Nhưng, chính ở đây vào tháng 12 năm 1942 quân đội của nước Đức Quốc xã đã bị Hồng quân đánh bại”.
Chiến dịch gồm hai giai đoạn: Giai đoạn quân đội Đức Quốc xã tấn công (từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 năm 1942) và giai đoạn quân đội Liên Xô phản công (từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 9 tháng 10 năm 1943). Đây là một trong không nhiều trận chiến quan trọng nhất và cũng thương vong nhiều nhất trong chiến tranh thế giới thứ hai. Một lần nữa làm cho tên tuổi của dãy Kavkaz trở nên ghê gớm.