Nhân rộng mô hình trang bị tủ sách pháp luật cho các điểm chùa
(DDK) – Trang bị tủ sách pháp luật cho các điểm chùa nhằm phục vụ cho bà con đồng bào dân tộc Khmer đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, vừa mang lại kiến thức lại làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật. Cách làm hay này đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang…
Các sư chùa Pô Tum Vong Sây tìm hiểu kiến thức pháp luật.
Từ khi ngôi chùa Nam tông Khmer Pô Tum Vong Sây ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) được trang bị một tủ sách pháp luật, các tăng sinh, tín đồ phật tử ở khu vực này rất mừng, số lượng phật tử là người Khmer có cả người kinh ghé đọc sách ngày càng nhiều. Đặc biệt sách có liên quan đến chính sách pháp luật được bà con quan tâm nhiều hơn. Bà con Khmer nếu có thắc mắc về các thủ tục, chưa hiểu về chính sách đều ghé chùa để đọc sách và tìm hiểu thêm.
Hôm chúng tôi ghé chùa, Pô Tum Vong Sây quan sát thấy ông Lâm Riêng, nhà cách chùa vài trăm mét đang tìm sách ở phần dành cho mục pháp luật. Hỏi ra mới biết là ông đang tìm sách hướng dẫn về hộ tịch. Ông Lâm Riêng tâm sự: Mấy đứa cháu tính nhập khẩu với ông bà, tôi tính đi nhập khẩu cho chúng mà chưa hiểu mình cần phải làm gì, tự nhiên đi không ra chính quyền rồi họ hướng dẫn lại phải đi lần nữa, mà chỗ làm lại xa. Nghe nói chùa gần nhà có tủ sách pháp luật, tiện ghé nghiên cứu trước cho đỡ mất công đi lại. Đúng là tủ sách này không đơn giản à. Ở đây cũng nhiều sách báo, buồn buồn ghé đọc chơi cũng bổ ích…
Theo ghi nhận của các sư trong chùa, từ khi có tủ sách pháp luật, số lượng tín đồ phật tử ghé đọc ngày càng đông, số lượng người quan tâm tới sách nói về luật pháp và các chính sách ngày càng nhiều. Nếu người dân có nhu cầu mượn về nhà đọc chùa cũng sẵn sàng cho mượn, nhưng phải giữ kỹ càng…
Đại đức Lâm Út Hiền, Trụ trì Chùa Pô Tum Vong Sây, hồ hởi nói: Trước đây chúng tôi có ý tưởng đi các nơi gom sách báo về chùa để phật tử và tăng ni ở chùa có cái để đọc vừa có thêm kiến thức lại là nơi sinh hoạt văn hóa, nhưng chưa có điều kiện để thực hiện. Từ khi chùa được trang bị tủ sách pháp luật không chỉ chùa được đọc sách nghiên cứu mà người dân cũng thường xuyên đến để đọc sách. Các sư trong chùa cũng thường xuyên giải quyết các trường hợp mâu thuẫn trong gia đình, vợ chồng hay các vấn đề tranh chấp tài sản, nếu được trang bị thêm nhiều kiến thức sẽ dễ dàng thuyết phục bà con hiểu phân biệt được đúng, sai. Nhờ trang bị thêm kiến thức nên việc tuyên truyền cho bà con phật tử cũng dễ dàng hơn…
Ông Danh Oanh Na, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Thành A, cho biết: “Mới đây, Phòng Dân tộc đã phối hợp cùng Phòng Tư pháp tổ chức bàn giao tủ sách pháp luật cho Chùa Pô Tum Vong Sây, với trên 90 đầu sách chủ yếu về các luật hiện hành, gần gũi với đời sống người dân, như Luật Đất đai, Luật Hòa giải tại cơ sở, Luật Hôn nhân và gia đình… để các đại đức, a cha và bà con dân tộc nâng cao kiến thức pháp luật. Việc trang bị tủ sách pháp luật ngoài việc mang kiến thức về pháp luật cho bà con dân tộc, còn giúp cho công tác tuyên truyền của địa phương ngày càng hiệu quả hơn. Từ lâu các điểm chùa vừa là nơi tâm linh còn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho đồng bào…”.
Thị trấn Cái Tắc có trên 300 hộ dân tộc Khmer, địa bàn nằm cặp với quốc lộ 1A, đây là cửa ngõ đi vào trung tâm tỉnh Hậu Giang, thời gian qua tình hình an ninh trật tự tương đối phức tạp. Đây là địa bàn tương đối nhạy cảm rất dễ cho các đối tượng xấu lợi dụng làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Ngoài các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự, tuyên truyền pháp luật địa phương. Việc trang bị tủ sách pháp luật cho chùa là việc làm cần thiết, hiệu quả để người dân vùng này chủ động tiếp cận với các quy định của pháp luật.
Mặc dù hiện nay các phương tiện đơn giản nhất như ti vi hầu như nhà nào cũng có việc tiếp cận với thông tin không khó. Nhưng nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu về chính sách pháp luật nhất là đối với bà con đồng bào dân tộc Khmer ngày càng cao vì vậy việc trang bị các tu sách pháp luật cho các điểm chùa là việc cần làm và hợp lý. Theo Ban dân tộc tỉnh Hậu Giang kế hoạch trang bị các tủ sách pháp luật cho các điểm chùa mới được địa phương phát động gần đây, hiện nay mới chỉ có điểm chùa Pô Tum Vong Sây được trang bị tủ sách pháp luật. Tuy nhiên đây là nổ lực và quyết tâm tìm kiếm, tập hợp, thu gom sách, tài liệu từ khắp nơi của các cán bộ Phòng Dân tộc huyện Châu Thành A mà có được tủ sách tặng cho chùa.
Nhu cầu của các điểm chùa để được trang bị tủ sách pháp luật rất lớn, nhưng lại thiếu kinh phí, ông Lê Văn Kha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát các điểm chùa, chùa nào cũng có nhu cầu về tủ sách, nhưng do không có kinh phí nên còn gặp khó khăn. Cũng nhiều lần đề xuất lên Trung ương xin được hỗ trợ kinh phí để trang bị sách cho chùa nhưng vẫn chưa thấy phản hồi. Việc phát động để có đợt sách cho các chùa không khó, nhưng để thường xuyên cập nhật sách mới về kiến thức pháp luật, chính sách mới là vấn đề…
Thời gian qua, Hậu Giang rất quan tâm tới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài tổ chức các buổi tư vấn pháp luật tại địa phương, việc trang bị các tủ sách pháp luật tại các điểm chùa là việc làm thiết thực và có tác động rất hiệu quả, được các cấp chính quyền quan tâm. Tuy nhiên, việc trang bị tủ sách tại các chùa Khmer còn rất hạn chế, trong khi đây là nơi sinh hoạt cộng đồng rất gần gũi với người dân Khmer. Qua ghi nhận của chúng tôi hầu hết các điểm chùa Khmer đều có nhu cầu trang bị tủ sách nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho đồng bào Khmer…