Lãi suất tiền gửi USD xuống 0%/năm: Tăng sức hấp dẫn tiền đồng

Thúy Hằng 29/09/2015 09:03

Dư luận đang rất chú ý tới việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tiền gửi USD về mức thấp nhất 0%. Theo giới chuyên gia, đây là một mũi tên trúng nhiều đích, đủ mạnh để chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ, xóa bỏ lo ngại sóng tỷ giá cuối năm, tăng sức hấp dẫn của tiền đồng Việt Nam.   

Lãi suất tiền gửi USD xuống 0%/năm: Tăng sức hấp dẫn tiền đồng

Giao dịch ngân hàng đã nhộn nhịp trở lại. Ảnh:Hoàng Long.

Chặn tình trạng găm ngoại tệ

Ngày 28/9, ngay sau quyết định mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước lùi sâu lãi suất tiền gửi USD các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đã lên tiếng.

Cụ thể, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm theo đánh giá của các chuyên gia, chắc chắn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD, góp phần giữ ổn định tỷ giá.

Trước đó mức lãi suất tiền gửi USD tối đa của tổ chức là 0,25%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa của cá nhân là 0,75%/năm.

Theo NHNN, quyết định này đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015. Việc đưa ra quyết định này cũng trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Trong tháng 8-2015 thị trường tài chính chứng kiến nhiều cuộc biến động mạnh khi Trung Quốc quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ mạnh nhất trong lịch sử sau khi chứng khoán nước này lao dốc. Cùng với đó là cuộc chiến tranh tiền tệ, hàng loạt nước như Thái Lan, Malaisia… phá giá đồng nội tệ. Cũng ngay trong tháng 8 NHNN đã điều chỉnh mạnh tỷ giá với việc nới biên độ tổng cộng 2% và nâng tỷ giá liên ngân hàng thêm 1%. Tuy nhiên sóng ngầm tỷ giá vẫn chưa dứt. Việc tiếp tục đưa ra quyết định mới, hạ lãi suất tiền gửi đồng USD về mức thấp do vậy được nhìn nhận là quyết sách giảm sức hấp dẫn đồng USD, tăng hấp dẫn tiền đồng.

Tuy nhiên điều quan tâm nhất là với quyết định bất ngờ này, nguồn cung USD trên thị trường sẽ ra sao khi các tổ chức kinh tế vẫn có xu hướng “găm” USD trong tài khoản thanh toán để chuẩn bị nguồn thanh toán khi đến kỳ hạn, đồng thời để đề phòng rủi ro tỷ giá cuối năm.

Theo chuyên gia kinh tế TS.Cấn Văn Lực, việc giảm lãi suất huy động USD lần này chủ yếu nhằm hướng tới hai mục đích: Thực hiện lộ trình chống đô la hóa, giảm sức hấp dẫn của USD. Thứ hai, giảm một phần áp lực tỷ giá nếu có.

Một số lãnh đạo ngân hàng nhận định, việc hạ lãi suất đồng USD của NHNN ngoài mục tiêu chống đô la hóa, giảm áp lực lên tỷ giá còn nhằm đối phó với bài toán lãi suất. Vài tháng gần đây, lãi suất huy động tiền đồng có xu hướng tăng là hạ nhiệt áp lực lãi suất.

Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc ngân hàng ACB nói, áp lực tăng lãi suất huy động đã xuất hiện. Vì vậy, hạ lãi suất USD, làm tăng sức hấp dẫn của tiền đồng là một trong những cách để tăng huy động vốn bằng tiền đồng.

Cũng trong ngày 28/9, ông Lê Đức Thọ, tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Viettinbank) khẳng định, sau những cơ chế điều hành của NHNN, cân đối USD trong hệ thống ngân hàng nói chung đang ở trạng thái rất tốt. Tính thanh khoản bằng ngoại tệ cao, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ cũng được kiểm soát.

Ông Thọ nhấn mạnh, với những cân đối hiện nay của các ngân hàng thương mại nói chung và khả năng của Viettinbank nói riêng, có thể khai thác được nguồn cung ngoại tệ và đáp ứng được nhu cầu thị trường. “Với các dự báo hiện nay về thị trường tài chính tiền tệ, sự phối hợp đồng bộ của NHNN khẳng định giữ ổn định tỷ giá từ nay đến đầu năm 2016, chúng ta hoàn toàn tin tưởng tỷ giá sẽ xoay quanh mức điều hành” – ông Thọ nói.

Lãi suất tiền gửi USD xuống 0%/năm: Tăng sức hấp dẫn tiền đồng - 1

Hạ lãi suất USD là cách huy động vốn bằng VNĐ.

Đẩy dòng vốn ra nền kinh tế

Gần 50.000 tỷ đồng đã
được giải ngân

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, đến 31/8/2015, có 80 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cam kết cho vay 77.135 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã thực hiện giải ngân 48.184 tỷ đồng cho 2.586 lượt doanh nghiệp, tăng 65,42% so với cuối năm 2014.

Bà Nguyễn Thị Mai Sương – Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cho biết, tính đến cuối tháng 9 – 2015, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã tổ chức được khoảng 200 lượt lý kết trên địa bàn, trong dó có nhiều quận, huyện ký kết.

H.Hương

Rõ ràng bài toán lãi suất ngoại tệ NHNN đang áp dụng cùng với các chính sách điều hành tỷ giá sẽ tác động tới tâm lý của người dân và doanh nghiệp. Các chủ thể này buộc phải tính toán nắm đồng USD để gửi với lãi suất rất thấp hay là chuyển sang tiền đồng để gửi các kỳ hạn khác nhau với lãi suất cao hơn.

Và khi có sự chuyển đổi, đây sẽ là bước đệm để nâng cao vòng trung chuyển vốn của nền kinh tế.

Cụ thể các doanh nghiệp sẽ chuyển đổi thành tiền đồng để gửi với mức lãi suất trần là 5,5% cho kỳ hạn 6 tháng trở xuống và được thỏa thuận với các kỳ hạn dài hơn, tức lãi suất vào khoảng 6-7%.

Điều này cũng sẽ làm giảm áp lực cho việc các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền đồng để tăng cường vốn đầu vào, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn giá tốt, không lo lãi vay bị đẩy cao. Việc giảm lãi suất USD chắc chắn được NHNN tính toán cả việc hỗ trợ cho sự ổn định của lãi suất tiền đồng trong bối cảnh lãi suất này đã nhích nhẹ từ tháng 8 đến nay.

Cùng với đó, bức tranh nợ xấu cũng ngày càng mờ đi. Theo báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015, ở lĩnh vực ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 8-2015 đã giảm xuống còn 3,2%.

Các ngân hàng cũng đang ráo riết lên kế hoạch bán nhanh và bán mạnh nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC. Với những dữ liệu mới nhất này, mục đích kiểm soát nợ xấu ngành ngân hàng đề ra cuối năm nay 3% đã đạt được.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm nay ở mức cao vượt con số 10%, góp phần tăng nhanh dòng vốn ra nền kinh tế.

Thúy Hằng