Đầu tư ra nước ngoài: Được chuyển vốn nhưng thêm thủ tục

T.Dương 29/09/2015 07:05

“Như vậy, so với Luật Đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước thủ tục hơn và thời gian để cơ quan nhà nước xem xét và quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là dài hơn. Chính vì thế, để đảm bảo tính thống nhất, cần điều chỉnh quy định về thủ tục trên phù hợp với Luật Đầu tư”.

Đầu tư ra nước ngoài: Được chuyển vốn nhưng thêm thủ tục

Công nhân của Viettel triển khai dự án tại Mozambique.

Dự thảo Nghị định quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được coi là “chìa khóa” để hướng dẫn Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm tạo thông thoáng trong đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với Luật Đầu tư (sửa đổi) thì Dự thảo Nghị định cần rõ ràng, cụ thể, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng để đảm bảo sự thông suốt trong quá trình thực thi.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, các quy định cụ thể về hoạt động đầu tư ra nước ngoài trên thực tế đã được đề cập tại Luật Đầu tư (sửa đổi), từ các ngành nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài, đến ngành nghề có điều kiện khi đầu tư ra nước ngoài. Do đó Dự thảo Nghị định này chủ yếu hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục theo tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến quan tâm chính là quy định chuyển vốn ra nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư được chuyển vốn ra nước ngoài khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Vũ Văn Chung cho rằng, Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định cho phép chuyển vốn để thực hiện các phần việc liên quan trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Do vậy, Dự thảo hướng dẫn thực hiện quy định này theo hướng những dự án đầu tư ra nước ngoài nếu được cấp phép rồi thì đương nhiên được chuyển vốn ra nước ngoài theo nội dung được quy định. Còn đối với những dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị dự án thì nhà đầu tư được phép chuyển một phần vốn ra nước ngoài để thực hiện dự án.

Theo ông Chung, một quy định được cho là thông thoáng của Dự thảo Nghị định chính là các dự án có vốn đầu tư dưới 800 tỷ đồng sẽ được thực hiện đăng ký đầu tư, thay vì chỉ 15 tỷ đồng như quy định trước đây. Tuy nhiên, để giám sát chặt, thì Ban soạn thảo quy định, với những dự án đầu tư mà tiền mặt ngoại tệ chuyển ra nước ngoài từ 20 tỷ đồng, thì vẫn phải lấy ý kiến thống nhất với Ngân hàng Nhà nước trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Và theo ông thì, việc này là để tránh tình trạng nhà đầu tư lạm dụng quy định pháp luật thông thoáng để chuyển tiền ra nước ngoài. Cả các dự án sử dụng vốn nhà nước hay tư nhân đều phải tuân thủ quy định này.

Đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị định này hướng dẫn các quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài tại Luật Đầu tư 2014, vì vậy các quy định cần rõ ràng, cụ thể, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng để đảm bảo sự thông suốt trong quá trình thực thi đồng thời phải tuân thủ đầy đủ các quy định trong Luật Đầu tư 2014.

Đơn cử như Khoản 2 Điều 15 Dự thảo quy định “nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài ” là chưa thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Đầu tư, theo đó nhà đầu tư được chuyển “ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường ”.

Đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, theo VCCI, Dự thảo quy định về trình tự thủ tục các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho doanh nghiệp, tuy nhiên quy trình này là chưa phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư.

Cụ thể, theo quy định tại Luật Đầu tư (Điều 55), nhà đầu tư nộp hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thời gian để Bộ xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định là 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Trong khi đó, Dự thảo lại quy định nhà đầu tư phải thực hiện “đăng ký trực tuyến dự án đầu tư ra nước ngoài trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư” rồi mới tiến hành nộp hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký, sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét và thẩm định trong khoảng thời gian 30 ngày làm việc.

“Như vậy, so với Luật Đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước thủ tục hơn và thời gian để cơ quan nhà nước xem xét và quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là dài hơn. Chính vì thế, để đảm bảo tính thống nhất, cần điều chỉnh quy định về thủ tục trên phù hợp với Luật Đầu tư” - VCCI chỉ rõ.

T.Dương