Vinh danh nghệ nhân: Tránh máy móc khi nhìn nhận, đánh giá
Việc xây dựng, xét chọn hồ sơ nghệ nhân đã được ngành văn hóa thực hiện thời gian qua, sắp đi đến hồi kết với việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, trước một hoạt động trong công tác văn hóa, vẫn có thể có những quan điểm hoặc khác, hoặc trái chiều. Bởi vậy, đón nhận những ý kiến phản biện với tinh thần xây dựng là cần thiết.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc (bên trái) trình diễn tại
Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2006. Ảnh: Hoàng Thi.
Nên có hướng khác hiệu quả, thiết thực hơn để khai thác và tôn vinh nghệ nhân. Về điều này, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ đã đề xuất: Sớm tổ chức sưu tầm, lưu trữ bằng cách quay phim, ghi âm, lập dữ liệu các nghệ nhân hiện còn sống. Với các nghệ nhân kỳ cựu, người làm tư liệu cần trả tiền xứng đáng, có hợp đồng hẳn hoi... |
1. Trong việc xây dựng văn bản pháp lý cho việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân, cùng quy trình, cách thức thực hiện, danh từ “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được đưa ra, không khỏi gợi lên những băn khoăn.
Rõ ràng, so sánh một số quy định về tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu nghệ sĩ với nghệ nhân trong các văn bản pháp luật đã được áp dụng, dễ dàng nhận thấy sự máy móc khi cách đánh giá, nhìn nhận về đối tượng được xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân cũng “hao hao” cách nhìn nghệ sĩ.
Cũng một quãng thời gian nhất định trong nghề, cũng thành tích, giải thưởng qua các kỳ cuộc liên hoan, hội diễn, cũng đòi hỏi về uy tín trong một tập thể, cộng đồng nào đó ở phạm vi từ địa phương đến… vùng miền, toàn quốc. Bản thân cách “tham khảo” này đã cho thấy hạn chế khi áp dụng vào việc vinh danh những cá nhân có công lao trong việc lưu giữ, bảo tồn, trình diễn, truyền dạy… di sản phi vật thể.
2. Nhưng quan trọng hơn thế, là băn khoăn về việc cứ nhất thiết phải có danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và mai kia, sẽ tiến tới “Nghệ nhân nhân dân”. Liên quan đến điều này, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng: Trong văn hóa nghệ thuật truyền thống, “Nghệ nhân” vốn là danh xưng được xã hội mặc nhiên công nhận đối với những tài năng hoạt động gìn giữ di sản.
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ - Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cũng cho biết, về phía cộng đồng, người ta đã gọi các cụ là nghệ nhân trước khi các cơ quan nhà nước, cơ quan chuyên môn công nhận rồi. Không phải đến bây giờ, mà từ nhiều năm trước, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ đã đưa ra ý kiến: Đừng làm kiểu công nhận nghệ nhân, rất phù phiếm! Chúng ta nên gọi chung những con người đó là “Nghệ nhân”.
Có lẽ không phải hôm nay, khi “sự” sắp “đã rồi”, thì việc sử dụng hai danh hiệu “ưu tú” và “nhân dân” không cần đón nhận thêm những lo lắng. Và thực tế thời gian qua đã cho thấy những ý kiến không mấy đề cao, không mấy tin tưởng của nhiều nhà nghiên cứu, được thể hiện thường xuyên trên nhiều trang báo.
Hoặc về các tiêu chí đánh giá nghệ nhân bất hợp lý, hoặc về quy trình xây dựng hồ sơ và các bước xét chọn cồng kềnh, hay dự kiến về chế độ đãi ngộ được đưa ra còn sơ sài, hình thức…
Có thể thấy, việc hai từ “ưu tú” và “nhân dân” được “ghép” với “nghệ nhân” đã và đang kéo theo nhiều những phiền lụy, tốn kém về tâm sức, chi phí, thời gian... Và rồi mai kia, rất có thể, những hạn chế, chậm trễ trong việc khai thác, hỗ trợ, đồng hành với các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu, các nghệ nhân nói chung, sẽ tiếp tục là những đề tài tốn giấy mực.