Giai đoạn nước rút năm kinh tế 2015: Doanh nghiệp muốn trợ lực
Giai đoạn nước rút của năm kinh tế 2015 chính thức vào guồng quay, bắt đầu bằng những biểu hiện mạnh mẽ khi số lượng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp tăng. Doanh nghiệp kinh doanh cũng tin rằng trong quý còn lại của năm tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn và giữ ổn định.
Ngày 30/9, tại phiên thảo luận của Diễn đàn đầu tư toàn cầu diễn ra tại Hà Nội, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Đến nay, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, GDP mục tiêu năm nay là 6,2% thì 9 tháng tăng trường GDP Việt Nam đạt 6,5%, dự báo cả năm 215 đạt ít nhất 6,53%.Nếu không có gì đặc biệt, tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay chắc chắn vượt 6,53%. Có thể kết luận mục tiêu VN đặt ra hoàn toàn đạt được. Năm 2016, dự kiến mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 6,7%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy, trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế có nhiều bứt phá. Và nếu xét riêng từng quý thì nền kinh tế càng ngày càng tiến bộ. Nếu như quý I-2015, tốc độ tăng trưởng chỉ là 6,12%, thì sang quý II tăng 6,47%, quý III tăng 6,81%.
Về khối lượng sản xuất, doanh nghiệp đa phần cho biết quý cuối năm sẽ tốt hơn. Quý IV cũng là thời điểm doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, xuất khẩu để hoàn thành mục tiêu sản xuất của năm.
Dù nền kinh tế chịu nhiều biến động ảnh hưởng từ các sự cố tài chính kinh tế thế giới, đó là đợt phá giá kỷ lục của đồng nhân dân tệ hay giá dầu thô giảm nhưng doanh nghiệp vẫn không chùn bước. Một tín hiệu tốt lành chỉ trong tháng 9 đã có 1.515 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,5% so với tháng trước.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói, những kết quả mà nền kinh tế đạt được là đáng ghi nhận. Đặc biệt chú ý là chỉ số công nghiệp tăng đến 9,5% so với cùng kỳ. Bằng chứng là một số ngành như dệt may, da giày, máy tính, điện thoại di động… sản xuất khá ổn định do có đơn hàng và thị trường xuất khẩu.
Sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế, được nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Cao Viết Sinh đánh giá chủ yếu là do sự phục hồi của khu vực công nghiệp - xây dựng.
Và điều này cũng được phản ánh vào kỳ vọng của chính doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới khả quan hơn trong quý IV-2015 tăng lên 87,3%. Còn với đơn hàng xuất khẩu, 80,2% doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu trong quý III/2015 tăng và ổn định; con số dự báo trong quý IV là 86,9%...
Về những khó khăn của doanh nghiệp ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên mong muốn, lãi suất cho vay của Việt Nam là 7% cộng với các loại phí khác là gần 10%. Vậy doanh nghiệp nào có thể tồn tại được với lãi suất 10%/năm? Làm sao doanh nghiệp có thể làm được để trả ngân hàng? Vì vậy, ông Dương kiến nghị nếu hạ được lãi suất càng sớm doanh nghiệp đỡ khổ.
Bà Hoàng Nghi Trang, kế toán trưởng Công ty cổ phần cơ điện toàn cầu, xuất hàng đi Australia, Mỹ, Nhật, EU… cho rằng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần công khai hơn về thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn này, đồng thời quy trình đánh giá doanh nghiệp xuất khẩu khi tiếp cận cần tinh giản hơn nữa.
Phần lớn doanh nghiệp khi được hỏi đều trả lời, họ muốn được trợ lực thêm vốn và đặc biệt là cần các chính sách kinh tế ổn định để có thể an tâm lên kế hoạch kinh doanh sản xuất trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, cần phải có những cơ chế nhất định cho việc sản xuất các mặt hàng thiết yếu và cho xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Sức khỏe của doanh nghiệp là hàn biểu thử của nền kinh tế, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì nền kinh tế mới mạnh được.