Phí nặng, sức cạnh tranh còn yếu
Gánh nặng thuế phí vẫn đang đè lên vai người nông dân, khiến cho các sản phẩm nông sản Việt không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập. Mặc dù cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực trong việc loại bỏ một số loại thuế, phí, song, việc tiết giảm đó vẫn không đáng kể so với hàng trăm loại phí hiện nay.
Mở mắt đã thấy phí
“Nếu tính từ khi bắt đầu mua một con lợn giống, cho đến khi xuất chuồng, qua mỗi công đoạn đều có phí. Nào là phí kiểm dịch, phí tiêu độc cho đến phí kiểm soát giết mổ, phí môi trường, kể cả phí sát trùng phương tiện… Rồi vận chuyển cũng bị thu phí… Mở mắt đã thấy phí” - ông Lương Thế Khải, chủ một trang trại lợn ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nêu thực tế và chia sẻ: Là nông dân, sản phẩm của chúng tôi là con lợn, con gà, cây lúa, nhưng ngoài mối lo về thiên tai, địch họa, thì việc phải lo hàng loạt các chi phí đầu vào, các loại thuế, phí là những mối lo thường trực của bà con nông dân chúng tôi. Chính bởi thực tế này, mức sống, thu nhập của nông dân chẳng thể nào khá lên được”.
Câu chuyện thuế phí từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với ngành nông nghiệp nước ta. Người nông dân không chỉ nghèo vì các sản phẩm của họ luôn bị động đầu ra mà còn nghèo phải còng lưng gánh vô vàn các loại thuế phí.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực. Đây là con số nhức nhối và cũng là lời giải cho câu hỏi tồn tại lâu nay: Tại sao các sản phẩm nông sản Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập?
Mặc dù, thời gian qua, nhà quản lý đã có những động thái trong việc giảm bớt các thủ tục, loại bỏ khá nhiều loại phí, lệ phí… Trong đó, riêng ngành thú y đã loại bỏ đến 35 loại phí, lệ phí, tuy nhiên, hiện vẫn còn đến hàng chục, thậm chí cả trăm loại phí và lệ phí đang còn hiện hữu dồn trên vai bà con nông dân: Các loại phí thông qua thức ăn chăn nuôi, qua thuốc thú y, qua giết mổ, qua vận chuyển…
Áp lực phí đè nặng trên vai người nông dân.
Nhẹ gánh phí để nâng sức cạnh tranh
Theo ông Hoàng Triệu, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam, lâu nay, bà con nông dân đã phải chịu cảnh chi phí đầu vào cao do cái gì cũng nhập cho chăn nuôi, thuốc thú y cũng nhập, thức ăn chăn nuôi cũng nhập nguyên liệu đầu vào…
Đã vậy, còn chịu vô vàn các loại thuế, phí. Mỗi gia đình nông dân mà cũng cõng đến mấy chục loại phí khác nhau. Riêng các loại chi phí cho thuốc thú y, cho thức ăn chăn nuôi đã chiếm 60% giá thành sản phẩm, chưa kể các loại phí, lệ phí… vậy thử hỏi các sản phẩm nông sản còn “cửa” nào để mà cạnh tranh?
“Bà con nông dân lâu nay khổ vì chính sách thuế phí, vì chính các chính sách này khiến cho giá thành sản phẩm nông sản của nông dân bị đẩy lên cao, từ đó khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập” - ông Triệu nhận định.
Vvà để minh chứng cho nhận định này, ông Triệu nêu lên thực tế: Lấy ví dụ, một kg gà Mỹ có giá thành chỉ khoảng 20.000 đồng nhưng một kg gà ta, giá thành lên tới 85.000 đồng, vậy thì đương nhiên, khi sản phẩm gà Mỹ có mặt ở thị trường, đó sẽ là sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn. Các sản phẩm nông sản của chúng ta đang phải chịu các chi phí đầu vào quá cao, trong đó có vấn đề về phí và lệ phí.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản, theo ông Triệu, một trong những yêu cầu ngành nông nghiệp phải hướng tới đó là trút bỏ gánh nặng thuế phí trên vai bà con nông dân. “Thời gian qua, nhà quản lý cũng đã đưa ra những giải pháp trong đó có việc loại bỏ bớt một số loại phí và lệ phí, song vẫn còn đó vô vàn các loại phí “trời ơi” đè đầu DN, bà con nông dân vẫn cần phải tiếp tục xem xét để loại bỏ” – ông Triệu nói.
Theo ông Hoàng Đình Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Ban Kinh tế trung ương), thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản xóa bỏ một số phí và lệ phí trong ngành chăn nuôi.
“Đó là một trong những giải pháp tốt để hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, để xem xét và giảm thêm nữa, cũng cần phải có một lộ trình đánh giá và rà soát kỹ để có thể đưa ra những quyết định nên giữ loại phí nào, nên bỏ loại phí nào” - ông Vinh nhận định.
Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản, nỗ lực từ phía bà con nông dân, DN là chưa đủ, bản thân các chính sách mà nhà quản lý đưa ra cần phải trở thành công cụ để hỗ trợ phát triển, chứ không nên trở thành rào cản như vấn đề phí và lệ phí hiện nay.