TP Hồ Chí Minh: Muốn chống ngập phải chấp nhận đầm lầy

Thành Luân 01/10/2015 07:10

Sức ép đô thị hóa cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng ngập úng kinh niên đã khiến các phương án chống ngập của TP HCM bất lực suốt hàng chục năm qua. Tuy nhiên, phương án chấp nhận đầm lầy đang được các chuyên gia đặt ra nghiêm túc.

TP Hồ Chí Minh: Muốn chống ngập phải chấp nhận đầm lầy

Sức ép đô thị hóa dẫn đến tình trạng ngập úng kinh niên tại TP HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Ngập kinh niên

Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đã công bố những con số: Nếu trong 40 năm (1962 – 2001) thành phố chỉ xuất hiện khoảng 9 cơn mưa lớn (hơn 3 tiếng/trận mưa), đạt vũ lượng trên 100mm, với trung bình 4 năm xuất hiện 1 lần thì chỉ tính trong hơn 10 năm gần đây tần xuất đã tăng vọt và diễn biến phức tạp.

Cụ thể, từ năm 2002 đến nay đã xuất hiện đến 29 trận mưa, trong đó có 3 trận mưa lớn trong 2 năm (2013 – 2014) đã đạt đến lượng mưa 100 - 122mm. Viện này đưa ra một so sánh: Trong giai đoạn 1980 – 2007 đỉnh triều tại trạm Phú Án ở mức dưới 1,50m thì từ 2008 đến nay đã vượt trên mức này, có thời điểm chạm mức lịch sử là 1,68m.

Ở góc độ quản lý, kiểm soát tình trạng ngập, hiện nay Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP phụ trách quản lý điểm ngập trên các trục đường chính còn các quận, huyện quản lý, kiểm soát ngập các tuyến đường hẻm, nội vi,…Do đó, đây cũng là bất cập dẫn đến các báo cáo có thể chưa được tổng hợp đầy đủ để phản ánh đúng tình trạng ngập hiện nay tại TP HCM.

Hiện có hai quy hoạch về chống ngập tại thành phố đã và đang thực hiện gồm quy hoạch 1547 do Bộ NN&PTNT lập và quy hoạch 752 do JICA - Nhật Bản lập cũng đang bộc lộ nhiều điểm yếu.

Cụ thể, quy hoạch 752 (lập năm 2002) chưa đề cập đến biến đổi khí hậu và dự báo dân số thấp hơn thực tế. Trong khi đó, quy hoạch 1547 (lập năm 2008) yếu trong công tác dự báo nên chưa lường hết mực nước thực tế.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng với lưu lượng mưa bình thường và đỉnh triều vượt 1,32m đã dẫn đến úng ngập tại nhiều khu vực trên địa bàn. Mới nhất là trận mưa khoảng 100mm vào đầu tháng 9-2015 đã khiến nhiều khu ngập nặng dù đã được đầu tư lắp đặt cống thoát nước.

Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP cũng chưa thể thống kê chính xác được các điểm ngập phát sinh mới, cũng như lý do thực sự. Các chuyên gia quốc tế cảnh báo, TP HCM phải tính tới tình huống xấu nhất là hơn 500 doanh nghiệp quy mô lớn và vừa, cùng 24.000 công xưởng quy mô nhỏ chịu ảnh hưởng.

Ngoài ra, cảnh báo cũng cho rằng: Khoảng 12% dân số thành phố chịu thiệt hại thiên tai, 23% đất đai bị xói mòn không thể sử dụng được, thậm chí GDP có thể bị thụt lùi nhiều năm nếu phát sinh ngập úng lớn.

Quá trình đô thị hóa nhanh được mở ra khu vực ngoại thành đang khiến hệ thống thoát nước (vốn chưa được đầu tư đúng mức) không đủ khả năng thoát nước cho các khu vực này khi mưa lớn kết hợp triều cường. Trường hợp phát triển vùng đầm lầy tại Q.7 thành đô thị Phú Mỹ Hưng là một thí dụ điển hình của hệ quả của quá trình đô thị hóa quá nhanh và tình trạng ngập úng đô thị.

Phương án đầm lầy trong đô thị

Nhiều chuyên gia tìm cách lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng kinh niên tại TP HCM. Có ý kiến chỉ ra nguyên nhân hệ thống cống ngầm còn sử dụng lại hạ tầng cống ngầm thời Pháp thuộc và hệ thống thoát nước thời chế độ cũ vốn chỉ có thể đáp ứng cho quy mô dân số vài trăm ngàn người, trong khi quy mô hiện đã gấp hàng chục lần.

Tuy nhiên, một nguyên nhân mà chính quyền TP HCM chưa đánh giá xác đáng là tình trạng bê tông hóa, đô thị hóa “nóng” đang gây sức ép lên hệ thống thoát nước, vốn được cho là chưa được đầu tư xứng đáng. Việc phát triển tràn lan không tuân thủ nguyên tắc bền vững và các chuẩn mực về đô thị khiến nước mưa, triều cường dâng không còn chỗ rút nước tự nhiên xuống lòng đất.

Cụ thể, nghiên cứu từ 1989 – 2006 cho thấy diện tích bê tông hóa tăng từ 6.000 ha lên 24.500 ha. Trong khi từ 2007 đến nay đã tăng lên đến hàng chục lần.

Từ trường hợp đô thị Phú Mỹ Hưng, các chuyên gia cho rằng nên rút kinh nghiệm khi đô thị hóa tại các khu vực ngoại vi, trong đó cân nhắc việc để lại một khoảng không gian “đầm lầy” tự nhiên, hoặc cải tạo thành các hồ điều tiết để đảm bảo khả năng thoát nước hữu hiệu.

Thực ra TP HCM đã nghiên cứu đưa vào quy hoạch xây dựng là 103 hồ điều tiết, trong đó trước mắt sẽ xây 3 hồ điều tiết. Cụ thể là các hồ điều tiết tại khu vực Bàu Cát (Q.Tân Bình), khu vực Gò Dưa (Q.Thủ Đức) và hồ Khánh Hội (Q.4). Nhiều chuyên gia phân tích, hồ Khánh Hội (Q.4) như một giải pháp chống ngập úng thay thế cho “việc đã rồi” là khu vực đô thị Phú Mỹ Hưng hiện nay đã hoàn thiện về cơ sở hạ tầng.

Ông Kondo Kensaku, chuyên gia Nhật Bản đưa ra khuyến nghị thành phố nên xây dựng các kênh xả ngầm, khu chứa lũ, xây dựng hệ thống cảnh báo và chia sẻ thông tin về lũ.

Ông OlafJueHner, một chuyên gia chống ngập của Đức cũng dẫn giải: TP Hamburg của Đức có một nét tương đồng với TP HCM là cùng bị tác động của triều cường. Nhưng, Hamburg đã nhanh chóng tạo không gian dành cho nước, chấp nhận quy luật của tự nhiên bởi chống lại thiên nhiên có khi sẽ nhận lấy thất bại.

Đa số các ý kiến chuyên gia đồng tình về một giải pháp tối ưu cho TP HCM hiện nay là nên có các giải pháp tăng lưu lượng thoát nước thông qua tăng tiết diện của hệ thống thoát nước; quy hoạch các khu vực thoát nước, lưu trữ nước bằng hồ, hầm, ống tiêu, trữ tạm thời. Ngoài ra cũng cần tính các công trình lâu dài với tầm nhìn đến năm 2050 và 2065.

Thành Luân