Đừng ôm đồm từ A-Z
Bộ Y tế đang lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT). Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, nội dung Nghị định quá rộng, liên quan tới trên dưới hơn 10 Luật. Đặc biệt sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế không phải là chức năng của ngành y tế, quan trọng là quản lý trang thiết bị nhập về đảm bảo chất lượng chứ không nên ôm từ A-Z.
Trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện đã được hiện đại hóa. Ảnh: T.L.
Lý do được Chính phủ đưa ra cần xây dựng Nghị định này chính là việc, trang thiết bị y tế (TTBYT) là một loại hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ cho thầy thuốc trong chẩn đoán và điều trị bệnh được chính xác, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, TTBYT lại có đặc thù là chủng loại đa dạng, luôn được cập nhật ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, thế hệ công nghệ luôn thay đổi. Do vậy, TTBYT phải được quản lý chặt chẽ theo chu trình vòng đời của sản phẩm, từ giai đoạn sản xuất, thử nghiệm, lưu thông trên thị trường đến quá trình sử dụng và bảo hành, bảo dưỡng đối với sản phẩm. Hiện nay, chưa có văn bản nào mang tính đồng bộ, thống nhất để quản lý tất cả các vấn đề liên quan đến TTBYT.
Cho rằng cần thiết phải xây dựng Nghị định này, song Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng TTBYT tại các cơ sở y tế; bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế hoặc của Hội đồng bệnh viện trong việc kiểm soát, bảo đảm chất lượng, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn TTBYT. Đặc biệt là quyền, trách nhiệm của cơ sở y tế, cán bộ y tế khi sử dụng TTBYT cho người bệnh, nhất là trách nhiệm khi xảy ra tai biến gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Bên cạnh đó, theo bà Mai cần bổ sung hẳn một chương quy định về quản lý, sử dụng TTBYT tại các cơ sở y tế công bởi hiện nay giá trị của TTBYT ở các bệnh viện công chiếm khoảng 40% tổng tài sản) do đó quản lý TTBYT ở các cơ sở y tế công phải được quản lý như công sản vì liên quan đến sử dụng nguồn vốn từ ngân sách và quỹ BHYT.
Dẫn chứng theo quy định của Luật Thương mại, các loại TTBYT cũ, cả loại đơn giản như giường bệnh đến những loại phức tạp như máy chụp X-quang, máy cộng hưởng từ đều không được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, các bộ ngành đang xin ý kiến về việc cho phép nhập khẩu TTBYT cũ còn giá trị sử dụng từ 70% hoặc 80%, chính vì thế theo bà Mai, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về vấn đề này, giới hạn trong phạm vi các loại TTBYT cũ chỉ phục vụ đào tạo, triển lãm và tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế, không sử dụng cho người bệnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, dự thảo Nghị định quá hoành tráng và ôm đồm nhiều thứ như một Luật với 11 chương, 71 điều, đặc biệt trong đó có khoảng 44 điều đề cập xung quanh thủ tục hành chính giấy tờ. “Mục đích ban hành Nghị định là để quản lý chất lượng trang thiết bị y tế vì liên quan đến khám chữa bệnh, điều trị, sức khoẻ của người dân nên nội dung quy định cần tập trung, tránh tình trạng gây thêm phiền hà về thủ tục hành chính mà cũng không quản lý được”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đánh giá nội dung Nghị định quá rộng, liên quan tới trên dưới hơn 10 Luật. Ông Phước phân tích: “Một Nghị định ảnh hưởng tới 10 Luật thì không biết như thế nào? Vì vậy ngành y tế nên tập trung quản lý những cái đã có, đừng nói tới sản xuất, kinh doanh”.
Nêu thực tế hiện nay bác sĩ khám bệnh chủ yếu dựa vào kết quả xét nghiệm nên trang thiết bị y tế có vai trò vô cùng quan trọng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế không phải là chức năng của ngành y tế, quan trọng là quản lý trang thiết bị nhập về đảm bảo chất lượng chứ không nên ôm từ A-Z.