Yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đang trong quá trình lấy ý kiến. Về cơ bản qua 9 lần tổ chức lấy ý kiến, cơ quan thẩm tra Dự án Luật là Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban) bày tỏ đồng tình với sự cần thiết của Luật. Song Ủy ban này đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật của Ủy ban cho rằng, về cơ bản Dự thảo Luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời nhất trí với việc cần thiết sửa đổi Luật Báo chí, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, khắc phục những hạn chế bất cập trong thực tiễn thi hành luật; tạo khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra 12 nội dung về: Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí; những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí; nhà báo; cung cấp thông tin cho báo chí; họp báo; giấy phép hoạt động báo chí cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh.
Về Khoản 3, Điều 37 Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo.
Trong khi đó, thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như Dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, Ủy ban đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Bộ Tư pháp bày tỏ quan điểm cho rằng, để cụ thể hóa quyền tự do báo chí được hiến định thì nội dung cơ bản của Dự thảo Luật cần quy định cụ thể nội hàm của quyền tự do báo chí của công dân cũng như nguyên tắc giới hạn quyền theo tinh thần Hiến pháp 2013, quyền bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Theo Bộ Tư pháp, nội dung quy định về quyền tự do báo chí còn quá ít, trong khi đó Dự thảo Luật lại tập trung quy định về tiêu chuẩn người đứng đầu, điều kiện phóng viên thường trú nên không bảo đảm sự cân đối giữa các nội dung của Luật. Đặc biệt, quy định về bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình chưa giải quyết được tình trạng xâm phạm bí mật riêng tư trên các báo, nhất là báo điện tử hiện nay.
Giải trình trước các vấn đề mà Ủy ban nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này là quyền tự do báo chí được thể hiện rất rõ. Nếu trước đây chỉ nói đến tự do báo chí đối với nhà báo, cơ quan báo chí và tự do ngôn luận của công dân trên báo chí thì trong lần Dự thảo này đã nói rõ và sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến các đại biểu để làm rõ phạm trù nội hàm công dân.
Chính vì thế Bộ sẽ tiếp thu, làm rõ thêm nữa nội hàm về công dân, vì nhà báo cũng là công dân, để làm sao có thể thấy rõ công dân có quyền tự do báo chí.
Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tự do báo chí không phải là vô hạn. Quyền tự do đó phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc, không xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Ngày 30/9, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã “chốt” và biểu quyết nhất trí thông qua về nguyên tắc Dự thảo Báo cáo thẩm tra Luật Báo chí (sửa đổi). Và sắp tới Báo cáo thẩm tra của Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được thông qua tại phiên họp toàn thể của Ủy ban này trước khi trình ra cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 tới.