Đưa 'Hồ thiên nga' vào nghệ thuật rối nước Việt Nam

Minh Quân (thực hiện) 02/10/2015 10:22

Là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, được khách du lịch nước ngoài thích thú đón nhận, nhưng có một thực tế lâu nay nghệ thuật múa rối đã không còn đã không còn nhận được sự quan tâm của chính khán giả trong nước. Trước thềm Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ 4 với chủ đề Kết nối các di sản thế giới sắp diễn ra, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Chu Lượng - Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, một trong những đại diện của Việt Nam tham gia Liên hoan Múa rối Quốc

NSƯT Chu Lượng bên các con rối do ông tạo ra.

PV: Thưa ông! Với tư cách là đơn vị chủ nhà, sắp tới đây tại Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ 4, Nhà hát Múa rối Thăng Long sẽ trình làng những vở diễn nào để tranh tài với bạn bè quốc tế?

NSƯT Chu Lượng: Năm nay, Nhà hát Múa rối Thăng Long sẽ mang 3 tiết mục tham dự Liên hoan gồm 2 vở múa rối cạn vở là “Hào quang quá khứ”, “Trái tim người mẹ” và 1 vở rối nước mang tên “Hồ thiên nga”. Trong đó, vở diễn múa rối cạn “Trái tim người mẹ” đã từng được đoàn múa rối Hà Tây biểu diễn cách đây mấy chục năm và có nội dung lấy câu chuyện “Hai cây phong”. Tuy nhiên, ở lần này các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long đã làm lại hoàn toàn mới.

Đó là các diễn viên biểu diễn và tất cả những con rối sẽ hát opera. Để thực hiện kế hoạch này, trước khi vở diễn được dàn dựng thì những diễn viên của nhà hát đã dành ra 2 năm đi học hát opera, để làm sao có được kỹ thuật biểu diễn về opera tốt nhất.

Bên cạnh đó, nhà hát cũng mang đến một phong cách rối nước mới. Theo đó, vở diễn múa rối nước “Hồ thiên nga” ngoài phần kết hợp âm nhạc giao hưởng các diễn viên phải biểu diễn múa ba lê bằng con rối. Đây cũng là một thử thách không nhỏ đối với diễn viên cũng như nhà hát trong suốt 2 năm qua. Với những đột phá này, hi vọng là bạn bè quốc tế sẽ thích thú bởi khi mình đã biết đưa đỉnh cao “Hồ thiên nga” trên thế giới vào nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam.

Nhà hát Múa rối Thăng Long “đỏ đèn” 365 ngày/năm nhưng có một nghịch lý phần là khán giả hầu hết là người nước ngoài, thưa ông?

- Việc khách nước ngoài thích thú đến xem nghệ thuật múa rối nhiều, theo tôi nghĩ là bởi sự độc đáo của loại hình nghệ thuật truyền thống này mang lại sự thích thú đến với họ. Tuy nhiên, độc đáo chỉ là thứ yếu, quan trọng nghệ thuật múa rối đã chạm được đến khát vọng của những nước văn minh khi họ đang hướng đến đó chính là những bản sắc.

Còn với khán giả Việt Nam không đến xem nhiều không phải họ thờ ơ chỉ là họ chưa quan tâm đến múa rối. Tôi thấy các cháu nhỏ hay người Việt mình đến xem cũng rất thích thú và vỗ tay liên tục. Thậm chí nhiều cháu xem xong còn chạy ra tận nơi các diễn viên biểu diễn để đặt câu hỏi như tại sao con rồng chui ở dưới nước lên mà phun lửa, hay con cáo vồ con vịt và cheo lên được cây cau...

Đặc biệt, khi xem rối nước làm cho người ta quên được tất cả mọi mệt mỏi, lo toan trong cuộc sống bởi với với múa rối luôn mang đến sực bất ngờ và thích thú lôi cuốn được người xem. Sự trong sáng, thuần khiết và hồn nhiên trong những vở diễn chính là những điều đáng quý mà múa rối nước mang lại.

Cảnh trong vở rối “Hồ thiên nga”.

Cũng như bao ngành đạo sân khấu truyền thống khác, nỗi lo về lực lượng kế tục luôn trăn trở của người làm nghề. Được biết ông cũng tham gia giảng dạy ở Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội về bộ môn Múa rối nước, ông đánh giá sao về chất lượng đào tạo các môn nghệ thuật truyền thống của chúng ta hiện nay, đặc biệt là bộ môn rối?

- Có một câu nói nổi tiếng mà tôi tôi nói với các thế hệ học trò của mình: “Còn một hạt thóc thì còn một cánh đồng”, và dạy các em hiểu được giá trị cũng như nuôi dưỡng và theo đuổi được nghề mình đang học. Không chỉ rối nước mà những loại hình nghệ thuật truyền thống nói chúng hiện nay có một thực trạng đáng buồn đó là ngay đợt tuyển sinh vừa qua, giới trẻ đã không còn quan tâm và họ chạy theo kinh tế thị trường. Cái nào mạnh thì họ làm, kiếm ra nhiều tiền họ sẽ theo đuổi.

Nhưng theo tôi được biết, rối nước hiện nay đang có nhiều dự án tài trợ cho các đơn vị biểu diễn ở khắp nơi trên cả nước. Đấy cũng là tín hiệu đáng mừng và tôi mong điều này sẽ được làm thường xuyên, liên tục và được khuyến khích nhiều hơn.

Ở lần “tranh tài” này, rối nước Việt Nam có đủ tự tin không, theo ông?

- Trong mỗi kỳ liên hoan quốc tế đều mời ban giám khảo là người nước ngoài tham gia để có những đánh giá khách quan. Tuy nhiên, nếu xét về mặt bằng chung các đơn vị tham gia của Việt Nam thì đơn vị nào cũng nỗ lực. Mấy năm mới có một kỳ liên hoan nên tất cả ai cũng đều phải cố gắng. Vẫn biết thành công còn phụ thuộc vào trình độ, tuy nhiên không có một có cơ cấu nào ngăn cản sự sáng tạo. Quan trọng nhất vẫn là sự sáng tạo, đeo đuổi và đam mê nếu không có thì không làm được gì cả.

Xin cảm ơn ông!

Minh Quân (thực hiện)