Nghề truyền thống đang ngày càng 'thiếu chuyên nghiệp'
Theo thống kê, hiện Hà Nội có khoảng trên 1.300 làng nghề, trong đó có gần 300 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, với nhiều loại hình nghề nghiệp như gốm sứ, sơn mài, đúc đồng, mây tre đan, khảm trai, đồ gỗ mỹ nghệ…Năm 2015 cũng là năm thứ 3 Hà Nội tổ chức Liên hoan làng nghề nhằm hướng tới mục tiêu bảo tồn, tôn vinh giá trị di sản văn hóa của các làng nghề truyền thống tại Hà Nội; góp phần khai thác giá trị của làng nghề để phát triển du lịch.
Ảnh minh họa.
Nhưng trên thực tế, ai cũng biết Liên hoan chỉ là hoạt động bề nổi. Để làng nghề truyền thống thực sự là nơi gìn giữ bản sắc văn hóa Việt và trở thành điểm đến lý tưởng, vẫn còn quá nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Trong đó băn khoăn lớn nhất là hiện nay không ít sản phẩm bày bán ngay tại các làng nghề thủ công truyền thống ở Hà Nội, lại là hàng của nước ngoài. Hỏi người làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm)… họ xác nhận đúng là có hàng của Trung Quốc bày bán trà trộn. Bởi hàng Trung Quốc mẫu mã đa dạng, màu sắc bắt mắt, và đặc biệt là giá cả rẻ hơn hẳn so với hàng thủ công sản xuất trong nước.
Còn người tiêu dùng, trước hết họ rất tin tưởng rằng họ đã đến tận làng nghề đề mua sản phẩm, ắt đó là hàng chuẩn; hơn thế không phải ai cũng là người tiêu dùng thông thái để phân biệt đâu là hàng Việt, đâu là hàng không thuần Việt. Sự pha trộn ấy khiến cho sản phẩm truyền thống của mỗi làng nghề mất dần bản sắc. Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài đi đến vùng miền nào cũng mua được những món quà lưu niệm na ná như nhau (quạt giấy, mũ nan, vòng gỗ, quần áo lụa, hàng gốm sứ…), họ quay sang hỏi hướng dẫn viên: cơ sở sản xuất của những làng nghề ấy đặt ở khắp nơi phải không?
Chỉ riêng điều ấy đã chứng tỏ là không ít làng nghề mải chạy theo xu thế thị trường, không trọng lắm việc giữ nghề truyền thống. Nhà thiết kế Minh Hạnh, người vừa được Nhật Bản trao tặng giải thưởng Fukuoka 2015 (ở hạng mục Nghệ thuật và Văn hóa) chia sẻ rằng, chị rất buồn vì nhiều làng nghề truyền thống, đặc biệt là nghề dệt của Việt Nam hiện nay đang dần mai một. Cùng với đó là trang phục truyền thống của các dân tộc cũng ít được sử dụng trong xã hội hiện đại. Trong khi, ở thành phố Fukuoka hiện còn nhiều ngôi làng vẫn giữ được nghề dệt vải truyền thống. Những nghệ nhân lớn tuổi vẫn đau đáu giữ nghề, trao truyền bí quyết dệt vải từ đời này sang đời khác.
Lại có những ngôi làng khác ở thành phố Fukuoka duy trì nghề sản xuất ra giấy gói áo Kimono bằng vỏ cây. Theo những nghệ nhân trong làng làm nghề giấy gói áo, giá thành của một sản phẩm thủ công “hand made” rất cao, do mọi chi phí từ nguyên liệu, nhân công… đều lớn. Họ ao ước rằng nếu nguyên liệu sản xuất giấy gói Kimono được thay bằng tre thì sẽ tốt biết bao nhiêu. Trong khi đặc trưng của làng quê Việt Nam là tre xanh, nhưng chúng ta chưa trân trọng cũng như tận dụng hết thế mạnh của nguồn nguyên liệu sẵn có này.
Trong chuyến đi tới nước Nhật vừa rồi NTK Minh Hạnh đã được các nghệ nhân người Nhật tặng 3 chiếc áo kimono được may cách đây từ hơn 100 năm trở về trước. Và trong lễ thông báo giải thưởng Fukuoka 2015, chị đã mặc 1 trong số 3 chiếc Kimono có tuổi đời hơn 1 thế kỷ đó. NTK Minh Hạnh muốn gửi tới công chúng một thông điệp rằng: Nghệ thuật chân chính, bản sắc chân chính không bao giờ phai nhạt theo thời gian và không gian. Bản sắc văn hóa không bao giờ là cũ, là lỗi mốt cả.
Trở lại việc gắn kết du lịch với phát triển làng nghề. Từ rất sớm Hà Nội đã đặt mục tiêu khai thác giá trị của các làng nghề, khai thác tiềm năng của làng nghề trong phát triển du lịch. Dẫu vậy, đến nay mới chỉ có làng nghề lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng được quảng bá rộng rãi và được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Còn nhiều làng nghề khác, dù đã được đặt biển “điểm du lịch làng nghề” như mây tre đan Phú Vinh, thêu Quất Động... nhưng hầu như chẳng mấy khi khách du lịch ghé thăm. Đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chỉ ra nguyên nhân là do tình trạng đô thị hóa quá nhanh; người làm nghề truyền thống bị mai một và thiếu chuyên nghiệp.
Hướng phát triển du lịch làng nghề, từ lâu cũng đã được ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, nhưng cho đến nay, du lịch và làng nghề vẫn gần như là hai lĩnh vực hoạt động độc lập. Ngành du lịch thì ít đầu tư trở lại cho làng nghề; người làng nghề chú trọng tới doanh thu nhiều hơn là việc truyền nghề cho con cháu; cùng với đó, đầu tư từ chính quyền địa phương để nghệ nhân gìn giữ nghề truyền thống chưa thỏa đáng…Tất cả những nút thắt ấy khiến người làng nghề chưa giàu lên bằng nghề truyền thống trong tay.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường du lịch Phạm Trung Lương phân tích, hầu hết làng nghề hiện nay đều gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông yếu kém. Mặt khác, người làng nghề chưa được tập huấn cách làm du lịch, chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại nên sự tham gia của họ vào sự phát triển du lịch chưa cao…
Âu cũng là điều dễ hiểu vì sao lâu nay sản phẩm làng nghề truyền thống nghèo nàn, dù có quảng bá cũng chưa đủ sức níu chân du khách.