Giữ lửa đồ chơi truyền thống
Tết Trung thu, giữa những đồ chơi ngoại nhập đắt tiền, những siêu nhân, ô tô, súng nhựa sặc sỡ bày bán khắp nơi, người Hà Nội vẫn tự hào với các đồ chơi truyền thống như ông tiến sĩ giấy, tò he, tàu thủy sắt, mặt nạ giấy bồi… Trong dòng đời sôi động, vẫn có những con người thầm lặng, giữ lửa nghề để thắp lên niềm hy vọng: những nghề truyền thống lâu năm sẽ hồi sinh rực rỡ trong một tương lai gần.
Mặt nạ giấy bồi
Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù
Ngựa giấy í a voi giấy,tít mù nó
mới lại vòng quanh ớ ơ
bao giờ ta mới bắt cho kịp nhau
Ngựa giấy ới a voi giấy vòng quanh ới a tít mù, tít mù là
Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù
Bài dân ca xưa đến nay vẫn được nhiều người nhớ, nhất là khi thấy thấp thoáng hình ảnh chiếc đèn kéo quân được thắp sáng trong mùa Tết Trung thu.
Đèn kéo quân còn được gọi là đèn Cù, mỗi năm chỉ bừng sángvào mùa trăng tháng Tám. Xưa, những dịp thế này làng trên, xóm dưới nơi nào cũng có đèn kéo quân. Nhưng nay, loại đèn này kén người chơi, ít xuất hiện trong đời sống. Thay vào đó là nhiều loại đèn chơi trăng chạy bằng pin hiện đại. Chỉ có đèn ông sao là còn được duy trì sản xuất hàng loạt, và có mặt ở nhiều nơi.
Bây giờ, nhiều người muốn tìm mua đèn kéo quân cũng không dễ. Bởi ít nơi bày bán, ít người làm đèn. Vòng vèo hỏi mãi, chúng tôi cũng biết được có mấy gia đình nghệ nhân vẫn giữ lửa nghề bằng việc làm đèn kéo quân vào mỗi mùa trăng tháng Tám.
Đó là gia đình ông Vũ Văn Sinh và ông Nguyễn Văn Quyền ở thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội). Ông Sinh cho biết, từ năm 7-8 tuổi, ông đã biết tự làm đèn cho các em và các bạn cùng chơi. Lớn lên trong ngôi làng Đàn Viên có nghề làm đèn lồng, đèn Trung thu, ông Sinh thấy yêu và gắn bó với công việc này. Mươi năm nay, để giữ gìn nghề truyền thống, đặc biệt là mong muốn thế hệ con cháu không quên lịch sử dân tộc, nên cứ tầm giữa tháng 7 âm lịch hàng năm là gia đình ông lại bắt tay làm đèn kéo quân. “Sắp tới Trung thu, nếu không làm thì nhớ lắm”, ông Sinh nói. Vì vậy, việc làm những chiếc đèn truyền thống này ông không nặng về kinh doanh, cũng không sợ bị tồn bị ế. Ông Sinh còn là nghệ nhân nổi tiếng với chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam được trao kỷ lục vào năm 2006.
Ông Sinh đang làm đèn kéo quân tại nhà
Cũng như nhiều nghề truyền thống khác, làm đèn kéo quân phải làm thủ công, tỉ mẩn với từng sợi nan, rồi chăm chút dán từng tờ giấy pơluya, và thắp nến để đèn quay. Theo ông Sinh, khó nhất trong nghề làm đèn kéo quân là trục và tán quay cho đèn. Trục làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để có thể quay, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ…
Một niềm vui nho nhỏ là mấy năm nay, có nhiều người tìm mua đèn kéo quân nên các nghệ nhân cũng làm nhiều đèn hơn, thậm chí còn cho ra đời loại đèn kéo quân cải tiến (lắp thêm bằng quạt thổi gió 6V và thắp sáng bằng bóng đèn điện loại nhỏ…) để người chơi thuận tiện hơn khi sử dụng.
Mấy năm nay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cứ đến Trung thu lại tổ chức các buổi sinh hoạt, mời nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đến dạy các em học sinh làm đèn kéo quân. Ở tuổi 77, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn đau đáu mong muốn: “Dạy được thật nhiều em nhỏ biết làm đèn kéo quân”. Ngoài ra, ông cũng hy vọng ngày càng có nhiều người đam mê, nhiệt huyết với nghề hơn nữa để bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh chiếc đèn kéo quân, ngày trước, món đồ chơi ông tiến sĩ giấy cũng rất được ưa chuộng vào dịp Trung thu, được bày trong mâm cỗ trông trăng với mong muốn các em nhỏ học hành chăm chỉ, thành đạt và ngoan ngoãn. Đến nay, một số bậc phụ huynh vẫn tìm mua những ông tiến sĩ giấy như một cách giáo dục con cháu mình với truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam.
Tiến sĩ giấy
Nhưng lượng người mua không nhiều, vì thế, người làm ông tiến sĩ giấy cũng ngày càng thưa vắng. Đến nay, chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) là bền bỉ nuôi đam mê với công việc này. Suốt những năm qua, dù lúc thăng lúc trầm, trong căn phòng nhỏ, la liệt những giấy, hồ dán, khung tre… chị vẫn tỉ mẩn ngồi làm tay từng ông tiến sĩ giấy.
Cũng như nghệ nhân làm đèn kéo quân, chị Tuyến đến với nghề làm đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy từ lúc 7-8 tuổi. Chị Tuyến kể, gia đình chị có truyền thống 4 đời làm đồ chơi trung thu, ngay từ thời thơ ấu, chị đã say mê đặc biệt với những món đồ chơi mà cả năm trẻ con mới được chơi một lần. Theo chị Tuyến, phải chuẩn bị đầy đủ các vật liệu mới có thể bắt tay vào làm. Dù trông hết sức đơn giản và bé nhỏ, nhưng để hoàn thiện một sản phẩm phải thực hiện nhiều công đoạn, trong đó tốn thời gian hơn cả là tạo nên khuôn mặt của ông tiến sĩ giấy. Để mặt ông tiến sĩ giấy có hồn, đất sét nhào nặn mặt phải thật mịn, không có gợn. Với hơn 40 năm giữ lửa nghề, đến nay chị Tuyến đã có nhiều bí quyết trong việc chọn lựa đất để làm. Cũng may là làng Hậu Ái cũng có thể tìm được loại đất này nên việc làm ông tiến sĩ giấy của chị cũng bớt một phần khó khăn, đồng thời không bị “đội chi phí”. Khi hoàn thiện, các mặt ông tiến sĩ giấy sẽ được phơi thô, sau đó mới tiến hành tô sơn và vẽ mặt.
Vợ chồng ông Hòa đang làm mặt nạ giấy bồi
Đã mang lấy nghiệp vào thân, giờ thì chị Tuyến đã thật sự “phải lòng” với cái nghề góp vui cho con trẻ mỗi dịp Trung thu về. Chị tâm niệm sẽ theo nghề tới hơi thở cuối cùng, bất kể trong những năm tới việc bán buôn thế nào.
Còn một món đồ chơi nữa cũng rất hấp dẫn, đó là những chiếc mặt nạ giấy bồi. Bây giờ ít trẻ nhỏ biết mặt nạ giấy bồi, bởi có quá nhiều chiếc mặ nạ bằng nhựa rẻ tiền và thuận tiện. Tuy nhiên, giữa lòng phố cổ Hà Nội, vẫn có gia đình nghề nhân bền bỉ làm nghề. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Hòa - bà Đặng Hương Lan ở 73 Hàng Than. Mỗi dịp Trung thu, ông bà lại mang những chiếc mặt nạ giấy ra 81 Hàng Lược (Hà Nội) để bán.
“Xưởng” làm mặt nạ giấy của gia đình bà Lan tít trên tầng 3. Tận dụng mọi diện tích có thể, từ lan can cầu thang, tới mái tôn, rồi chỗ nghỉ giữa cầu thang bà Lan phơi kín những chiếc mặt nạ đủ hình sắc mới tô xong.
Khi tôi đến, ông Hòa đang miệt mài tô sơn cho từng chiếc mặt nạ Thị Nở. Nhìn ông tô vẽ khéo léo như nhắm mắt cũng làm. Bà Lan cho biết thêm, nghề này cần cả lòng kiên trì và yêu trẻ nữa. Mặt nạ nào cũng để trống hai con mắt, để trẻ đeo vào còn nhìn thấy được mọi vật xung quanh, vì thế, nhất thiết người vẽ phải nhìn mọi thứ bằng con mắt trẻ thơ thì nét vẽ mới hồn nhiên tươi vui, trẻ con mới yêu thích sản phẩm của mình.
Thoạt nhìn những chiếc mặt nạ cứ tưởng đơn giản, nhưng kỳ thực, các công đoạn rất cầu kỳ và tốn thời gian. Sau Tết Trung thu, gia đình nghỉ ngơi chừng một tháng, rồi lại bắt tay làm “cốt” – tức là bồi những mặt nạ được làm trên khuôn đúc sẵn bằng xi măng. Bồi 5 - 6 lượt thì mới hoàn thiện “cốt”. “Cốt” làm xong được để cho khô tự nhiên rồi cẩn thận cất đi. Trước Trung thu khoảng 3 tháng, ông bà bắt đầu tiến hành công việc sơn màu sắc cho mặt nạ với những nét vẽ thật hồn nhiên, màu sắc thật sặc sỡ. Sự kỳ công của loại mặt nạ này còn ở chỗ, mỗi lần sơn chỉ được một màu, càng nhiều màu càng nhiều lần sơn để đảm bảo màu sắc được đẹp, không bị lem nhem. Cần mẫn như ong thợ, nhưng mỗi năm vợ chồng bà Lan cũng chỉ làm được khoảng 3.000 chiếc mặt nạ giấy, với chừng 20 mẫu như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, chú Tễu, Thị Nở, Chí Phèo…
Cũng như chiếc đèn kéo quân và ông tiến sĩ giấy, chiếc mặt nạ giấy bồi tuy không quá “hot” đến mức tạo thành “cơn sốt” trong đám trẻ hiếu động ngày nay nhưng nhiều người cứ đợi khi phố cổ vào mùa trăng lại mua một vài chiếc mặt nạ giấy về làm quà trung thu cho con, cho cháu. Như một cách để nối gần hơn sợi dây truyền thống với các thế hệ mai hậu. Mong sao, ngày càng nhiều người sử dụng những thứ đồ chơi truyền thống, “made in Vietnam” để nghề truyền thống phát triển, mang lại niềm vui cho những người “giữ lửa”.