Những vùng đất khô cằn

LÃ THẾ TUẤN     (Nguồn: Science et Vie National Geographic) 02/10/2015 18:52

Trái đất có những vùng băng giá lạnh lẽo, nhưng cũng có những vùng đất cực kì khô cằn, nóng bức- đó là những hoang mạc, nơi hầu như không có cuộc sống con người. Đáng chú ý, do sự biến đổi khí hậu, diện tích hoang mạc đang có xu hướng lan rộng.


Những vùng đất  khô cằn

Voi hoang dã trong sa mạc Kalahari

Hiệp hội Địa chất toàn cầu không chỉ thống kê mà còn đưa ra những cảnh báo khá bi quan về những hoang mạc “khủng”. Nơi đó, dù đã tốn nhiều tiền của nhưng người ta không cải tạo được chúng, ngược lại chúng ngày càng đe dọa cuộc sống con người khi mà hàng ngày chúng thầm lặng tiến dần tới cả những nơi đô thị.

Sa mạc Kalahari bao phủ một vùng rộng lớn của Nam Phi, Botswana và Namibia. Năm 1991, khi tiến hành nghiên cứu về môi trường ở đây, các nhà khoa học địa chất châu Phi đã nhận ra rằng, lượng mưa trung bình trên sa mạc này là quá ít. “Ít đến độ không tưởng”- nói như TS M’burga, thì với lượng “nước trời” như vậy không một loại cây nào sinh trưởng được, chưa nói đến động vật.

- Ngay cả dưới lòng đất thì thật hiếm tìm được một nguồn nước nào - TS M’burga cho biết. Chúng tôi đã khoan thăm dò 19 lỗ ở những địa điểm khác nhau. Mỗi lỗ khoan sâu 100 mét nhưng đều không thấy có nước.

Hoang mạc Kalahari bị bao phủ bởi cát, đã được hình thành từ 2,6 triệu năm về trước. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trong quá trình tìm kiếm, khai quật, người ta đã tìm thấy dấu vết của con người khoảng 1 triệu năm trước.

- Họ là những người tiền sử sống theo lối công xã nguyên thủy- theo TS M’burga. Trong hang động Wonderwerk thuộc Nam Phi, chúng tôi đã tìm thấy một số đồ chế tác dùng cho việc cúng tế. Điều đó cho thấy trước đây khu vực này không phải là hoang mạc. Do một sự biến động dữ dội nào đó mà nơi đây đã biến thành vùng đất chết, và rất có thê đã chôn vùi cả một nền văn minh.

Tương tự, sa mạc Gobi rộng tới 1,3 triệu km vuông, bao trùm cả một khu vực lớn của Trung Quốc và Mông Cổ. Đáng chú ý, không phải nơi nào ơ sa mạc này cũng khô cằn, nhiều nới còn có dạng thời tiết chia ra hai mùa mưa và mùa khô. Tại đây, người ta đã tìm thấy những hóa thạch khủng long, kể cả khủng long bạo chúa (con T.Rex). Vào năm 1992, bộ xương hóa thạch đó được đấu giá 15 triệu USD, nhưng sau đó nó đã không được bán mà đưa vào viện bảo tàng thiên nhiên.

Với sa mạc Arab, diện tích còn lớn hơn: khoảng 2,3 triệu km vuông. Nó bao phủ Arab Saudi, Oman và một phần của Iraq. Trung tâm sa mạc, nhiệt độ trung bình lên tới 54 độ C (vào giữa trưa). Một đặc điểm riêng biệt là ở đây trước khi mặt trời mọc xuất hiện những đám sương mù với nhiều hơi ẩm. Không ai dám đi trong sa mạc Arab vào buổi sáng vì sẽ bị mất phương hướng. Để lấy đất canh tác, người ta đã tìm nước dưới tầng sâu của sa mạc. Tuy nhiên, nếu với cách khai thác như hiện nay, các nhà khoa học cho rằng trong vòng 50 năm nữa là nguồn nước ngầm sẽ cạn kiệt. Lúc đó, sa mạc sẽ trở nên hoang vu thực sự.

Những vùng đất  khô cằn - 1

Băng qua sa mạc Arab

Khi nói đến sa mạc, không thể không kể tới sa mạc Sahara, với diện tích lên tới 8,6 triệu km vuông. Không một vùng đất nào ít mưa như Sahara, với lượng mưa có năm xuống tới mức còn 5mm- như không hề mưa. Ban ngày trời nóng bức, khô khát nhưng đêm xuống lập tức Sahara lại trở nên lạnh lẽo. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa ngày và đêm tạo ra những lớp sương mù dày đặc.

Tại Sahara, không chỉ có ngọn núi lửa Emi Koussi nằm ở độ cao 3.415 mét so với mực nước biển là danh giá, mà còn một khu vực nữa được gọi là “mắt Sahara”- một trong những kiến tạo địa lý kỳ lạ nhất thế giới. Nó được hình thành từ đá với nhiều đường tròn đồng tâm, với đường tròn ngoài cùng có đường kính lên tới 45km. Từ trên cao nhìn xuống, cấu trúc này mang hình dáng của một con mắt. Có thời kỳ, ngưới ta cho rằng “con mắt” này hình thành do sự va chạm của một thiên thạch lớn vào vỏ trái đất. Nhưng không ai tìm thấy dấu vết thiên thạch. Vậy chúng từ đâu mà có? Câu hỏi ấy tới nay vẫn không có lời giải.

Cũng còn có thể kể thêm nhiều hoang mạc khác, trong đó có Chihuahua. Sa mạc này không lớn (khoảng 282.000km vuông), nằm dọc theo biên giới Mexico - Mỹ. Đây cũng là vùng đất ít mưa, bởi nó được bao bọc bởi dãy núi Sierre Madre Occidental ở phía Tây và dãy Sierra Madre Oriental ở phía Đông, ngăn hơi nước từ Thái Bình Dương và vịnh Mexico vào sâu trong đất liền. Bên dưới sa mạc và dãy núi Guadalupe thuộc New Mexico có tới hơn 300 hang động. Đây là nơi được coi là “lãnh địa” của những băng nhóm buôn lậu xuyên quốc gia. Những kẻ sống ngoài vòng pháp luật này thường xuyên di chuyển trong sa mạc, có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khiến cảnh sát Mỹ lẫn Mexico đều khó có thể săn lùng.Cuối cùng, có thể nói đến sa mạc Syria, với diện tích khoảng 518.000km vuông. Nơi đây, trong quá khứ người ta gọi là “vùng đất chết” bởi sự khô cằn. Hoang tàn, đó là cảm giác của bất kỳ ai khi đến đây. Sa mạc này chiếm một phàn đất của Iraq, Jordan, Arab Saudi và Syria.

Những vùng đất  khô cằn - 2

Loài cây lá kim mới có thể tồn tại được ở hoang mạc Chihuahua

Trước thế kỷ XX, chưa bao giờ người ta nghĩ tới việc cải tạo nó. Chỉ từ cách đây 30 năm, sa mạc này mới có những con đường bêtông chạy qua, rồi là sự hiện diện của những đường ống dẫn dầu.

Tuy thế, phương tiện đi lại quan trọng vẫn là những đoàn lạc đà. Và như vậy, hoang mạc vẫn là thách thức chinh phục của con người.

Lạc đà là hình ảnh đặc trưng của các sa mạc. Hiện trong các sa mạc, có khoảng 15 triệu con lạc đà làm phương tiện vận chuyển. Người ta tin rằng, chúng được thuần hóa từ khoảng trước năm 2500 trước Công nguyên. Khi có người dẫn dắt, chúng có thể đi được từ 13-14,5 km/h. Thời gian mang thai của lạc đà kéo dài khoảng 12 tháng, chỉ sinh một con và con non bú mẹ trong khoảng 18 tháng. Tuổi thọ trung bình của chúng vào khoang 25 năm. Trước kia, người ta nghĩ rằng bướu của lạc đà là kho dự trữ nước để giúp nó vượt qua sa mạc nóng bỏng, nhưng điều đó không đúng. Bướu không chứa nước mà chứa chất béo lạc đà tích lũy được khi ăn cỏ, có nghĩa là nơi dự trữ năng lượng, giúp chúng chống chọi lại được điều kiện khắc nghiệt của sa mạc.

Những vùng đất  khô cằn - 3

LÃ THẾ TUẤN     (Nguồn: Science et Vie National Geographic)