Thảm họa cháy rừng ở Indonesia
Vụ cháy rừng gây nên tình trạng khói bụi dày đặc bao phủ khu vực Đông Nam Á đang dần trở thành một thảm họa được ghi danh vào lịch sử thế giới; giới khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 2/10 cảnh báo.
Khói mù mịt gây nên bởi đám cháy rừng ở Indonesia
ảnh hưởng đến một số nước láng giềng. Nguồn: CNA.
Malaysia, Singapore và một phần lãnh thổ rộng lớn của Indonesia trong suốt nhiều tuần qua đang phải hứng chịu tình trạng khói mù từ đám cháy rừng ở Indonesia, gây nên bởi hành động đốt rừng lấy đất canh tác trái phép ở một số đồn điền.
Tình trạng khói mù mịt này xảy ra gần như hàng năm trong mùa khô, gây nên bất đồng ngoại giao giữa một số nước láng giềng trong khu vực. Tuy nhiên, đợt cháy rừng lần này lại được coi là tồi tệ và tồn tại lâu nhất trong nhiều năm qua, khi hiện tượng El Nino càng khiến khí hậu khô hạn hơn bình thường, ít mưa.
Điều đó khiến giới khoa học ở NASA phải đưa cảnh báo đợt cháy rừng năm nay ở Indonesia có thể sẽ trở thành thảm họa tương tự như vụ cháy rừng năm 1997 khi các đám cháy rừng vượt ngoài khả năng kiểm soát đã gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng với các chỉ số được ghi nhận ở mức cao.
“Tình trạng tại Singapore và khu vực Đông nam Sumatra của Indonesia đang gần giống với thảm họa cháy rừng năm 1997” – Robert Field, nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA, nhận định – “Nếu những dự báo về một mùa khô kéo dài vẫn được đưa ra thì nạn cháy rừng năm 2015 sẽ trở thành một trong những sự kiện kinh khủng nhất được ghi nhận”.
Hiện nay, Indonesia đã triển khai hơn 20.000 binh sĩ, cảnh sát và các lực lượng khác đến Sumatra và Kalimantan để đối phó với đám cháy rừng bằng ném bom nước, tạo mưa bằng chất hóa học… và hy vọng rằng cơn mưa thực sự sẽ đến trong vòng một tháng tới để dập tắt hoàn toàn đám cháy.
Chính quyền một số nước trong khu vực cho hay hàng chục nghìn người dân ở Singapore, Malaysia và Indonesia đã buộc phải nhập viện hoặc điều trị các vấn đề đường hô hấp do khói từ đám cháy trên.