Những chính sách có hiệu lực trong tháng 10

L.H. 03/10/2015 08:59

Hộ nghèo được vay đến 25 triệu đồng để xây, sửa nhà ở; Lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng; Giảm lệ phí cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư còn 400.000 đồng/hồ sơ… là những chính sách sẽ có hiệu lực trong tháng 10 tới đây.

Những chính sách có hiệu lực trong tháng 10

Từ ngày 1/10 hộ nghèo sẽ được vay tối đa 25 triệu để sửa, xây dựng mới nhà ở.

Hộ nghèo được vay vốn để sửa chữa, xây mới nhà ở

Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.

Theo đó từ ngày 1/10/2015, hộ gia đình thuộc hộ nghèo, chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở; chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội khác… sẽ được vay vốn với mức tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở với mức lãi suất 3%/năm và thời hạn vay là 15 năm. Trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ tối thiểu mỗi năm là 10% trên tổng số vốn đã vay.

Quyết định nêu rõ, sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được nhà mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đang có, đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 24m².

Lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung hàng loạt mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, phá sản doanh nghiệp..., trong đó Nghị định quy định phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ.

Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Nghị định có hiệu lực từ 1/10/2015.

Người Việt Nam định cư tại nước ngoài được rút trước tài khoản bảo hiểm hưu trí

Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Thông tư số 130/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 115/2013/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm (BH) hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện, có hiệu lực từ 10/10/2015. Cụ thể, ngoài người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên, người được bảo hiểm là công dân Việt Nam được yêu cầu rút trước một phần hoặc toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí khi định cư hợp pháp tại nước ngoài.

Đáng chú ý, theo quy định hiện hành để triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ sử dụng các đại lý bảo hiểm đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có chứng chỉ đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo được Bộ Tài chính chấp thuận cấp; Không vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian hành nghề đại lý; Có ít nhất 6 tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ liên tục hoặc 6 tháng làm việc liên tục trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

L.H.