Sách giáo khoa Tiếng Việt thực nghiệm: Có quá sức trẻ?
Chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK là chủ trương đúng; nhưng cũng cần cân nhắc kỹ khi đưa vào chương trình học những khái niệm, những bài tập sao cho vừa sức của trẻ - như vậy các em mới có thể tiếp thu bài học tốt hơn.
Gần đây dư luận quan tâm nhiều đến vấn đề về bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 - chương trình Giáo dục công nghệ do GS Hồ Ngọc Đại biên soạn. Đây là bộ SGK được chính thức đưa vào các trường tiểu học với vai trò là một phương án dạy học thay vì chỉ thí điểm như trước. Đã có hơn nửa số địa phương trên cả nước sử dụng bộ sách này.
Đánh giá về cuốn sách này, PGS.TS Nguyễn Kế Hào từng cho rằng: “Tính ưu việt của sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục (CGD) có được không chỉ thể hiện ở tính hàn lâm và tính hành dụng (vừa học vừa hành, hành trên cơ sở có lý luận, hành để học và đế sử dụng trong cuộc sống)”.
Nhưng, sau một thời gian sử dụng bộ sách này ở một số tỉnh thành, chúng tôi muốn tìm hiểu xem: Liệu đâu là mặt được, đâu là điểm còn hạn chế của cuốn sách; nhất là sau khi có ý kiến cho rằng, với cách dạy của GS Hồ Ngọc Đại khi sử dụng nhiều từ đồng nghĩa trong cùng một câu, sử dụng từ ngữ khó hiểu... sẽ khiến học sinh lớp 1 không thể tiếp thu được hết.
Nói về điều này, ông Cao Văn Tư - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Lào Cai, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai - một trong những địa phương quyết định thử nghiệm việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số bằng SGK Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Ông Tư cho rằng, tinh thần của GS Hồ Ngọc Đại với việc tổ chức trường thực nghiệm ở Hà Nội và biên soạn SGK Tiểu học đã đem đến một phương pháp giáo dục mới. Trong phương pháp mới đó, học sinh được hoạt động, suy nghĩ và phát huy trí tuệ. Đặc biệt, các em được đóng vai trò quan trọng trong lớp học, giáo viên chỉ là người hướng dẫn cho các em.
Cái hay của bộ sách này là phương pháp giáo dục được cụ thể hóa trong cuốn sách và thiết kế giảng dạy chứ không phải những lý thuyết, lời hô hào sáo rỗng. Ông Tư đánh giá, bộ sách này tốt nhất là chương trình lớp 1. “Đó là sách học Tiếng Việt và sau đó là sách Toán”.
Vậy còn với những lớp cao hơn thì sao? Trả lời câu hỏi này, ông Cao Văn Tư thẳng thắn: Ở những lớp trên, việc phát huy tác dụng của bộ sách ở mức độ vừa phải hơn. Thực ra, hiện nay phương pháp giáo dục này cũng đã được áp dụng và sử dụng với mức độ khác nhau trong các SGK mới và phương pháp giảng dạy mới.
Còn đối với riêng tỉnh Lào Cai, cùng với việc phát triển giáo dục mầm non, các em học sinh dân tộc thiểu số biết tiếng Việt nên việc áp dụng bộ sách dạy Tiếng Việt 1 CGD của GS Đại đã phát huy hiệu quả. Theo đó, bộ SGK của GS Đại được thử nghiệm thành công ở đây đã giúp cho việc dạy tiếng Việt tốt hơn. Các em học sinh, nhất là những học sinh dân tộc thiểu số biết đọc biết viết sớm hơn, cũng như nắm được quy luật phát âm và quy luật chính tả. Bởi phương pháp thể hiện trong SGK giúp các em dễ tiếp thu hơn.
Đó là, với các học sinh ở một tỉnh xa Hà Nội. Còn ở ngay mái trường thực nghiệm tại Hà Nội thì sao. PV Báo Đại Đoàn kết đã làm một cuộc “điều tra” nho nhỏ với một số học sinh. Nhiều phụ huynh cho biết với chương trình SGK Tiếng Việt lớp 1, học theo chương trình đại trà thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, lên đến lớp 2 thì chương trình đã trở nên quá tầm của các cháu. Có những vấn đề đến người lớn cũng còn “mướt mồ hôi” để nghĩ chứ nói gì đến các con mới chỉ học lớp 2.
Chị Nguyễn Ngân ở Cầu Giấy, có con theo học lớp 2 tại trường thực nghiệm chia sẻ. Lớp 2 con chị đã học về đồng dao và kết cấu của đồng dao. “Bài tập về nhà, cô giáo chỉ cho một đề bài về “con chim vành khuyên” các cháu phải hoàn thiện nốt 9 câu tiếp theo. Kết quả, con tôi không biết phải làm sao hoàn thành bài cô giáo và tôi phải ngồi nghĩ bài làm cho cháu. Còn với chương trình của sách Toán thì tương đối ổn hơn” - chị Ngân chia sẻ.
Nói như vậy, cũng có nghĩa một bộ sách dù đã được thử nghiệm trong thời gian dài cũng không hẳn không còn “sạn”. Vấn đề là, chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK là chủ trương đúng; nhưng cũng cần cân nhắc kỹ khi đưa vào chương trình học những khái niệm, những bài tập sao cho vừa sức của trẻ - như vậy các em mới có thể tiếp thu bài học tốt hơn.