Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII

Dạ Yến- Vũ Mạnh Ảnh: Hoàng Long 03/10/2015 14:41

Chiều 3/10, tại Hà Nội, Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ sáu (khóa VIII) góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim và các vị trong Ban Thường trực chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị còn có nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm, các vị trong Đoàn Chủ tịch và đại diện các cơ quan, ban ngành của trung ương.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó chủ tịch – Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim khẳng định, thực hiện Chủ trương của Bộ Chính trị, Chương trình toàn khóa của Đoàn Chủ tịch UBTư MTTQ Việt Nam khóa VIII, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ sáu đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Theo Phó chủ tịch – Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đại hội có nhiệm vụ nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016), tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm sắp tới (2016 - 2021).

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII - 1

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký
UBTƯ
MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim phát biểu tại hội nghị

“Để văn kiện trở thành sản phẩm kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Bộ Chính trị đã công bố dự thảo các văn kiện Đại hội để lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân từ ngày 15/9 đến ngày 25/10/2015. Các văn bản dự thảo văn kiện xin ý kiến các tầng lớp nhân dân gồm có Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011- 2015) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới; Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng” Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII - 2

Các vị đại biểu tham gia hội nghị

Phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đối với Đảng, thực hiện chức năng đại diện cho các tầng lớp nhân dân, Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Vũ Trọng Kim cho biết, Ban Thường trực trân trọng đề nghị các cụ, các vị và các đồng chí phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, trách nhiệm và tâm huyết của mình, bám sát vào những nội dung Trung ương đã gợi ý và bám sát tình hình thực tiễn của đất nước để tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đại hội. Ngoài những vấn đề chung, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Vũ Trọng Kim đề nghị các cụ, các vị và các đồng chí quan tâm sâu hơn tới những nội dung về đại đoàn kết toàn dân tộc, về MTTQ Việt Nam, sao cho những ý kiến đóng góp của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thể hiện được ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII - 3

Ông Phùng Hữu Phú – Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Tổ phó
tổ biên tập các tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Tại Hội nghị ông Phùng Hữu Phú – Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Tổ phó tổ biên tập các tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thay mặt Tiểu ban Văn kiện giới thiệu những nội dung cơ bản của các dự thảo các văn kiện Đại hội, giúp cho Đoàn Chủ tịch có thêm cơ sở để nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Hội nghị Đoàn chủ tịch góp ý cho các dự thảo văn kiện đại hội Đảng lần thứ XII được xem là một hội nghị đặc biệt. Theo ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Tổ phó tổ biên tập các tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, vì Mặt trận là nơi tập hợp tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung nhấn mạnh tới đầu tiên là vấn đề đại đoàn kết. Đại đoàn kết trong Đảng, đại đoàn kết trong dân. Đại đoàn kết luôn là sức mạnh to lớn nhất để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn trong mọi thời điểm.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII - 4

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh, đại đoàn kết là vấn đề chiến lược, Nghị quyết Đại hội 10, 11 của Đảng khẳng định, đại đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của cách mạng nước ta, tạo ra sức mạnh để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chính vì vậy ông Huỳnh Đảm đề nghị dự thảo văn kiện cần bổ sung lại cho rõ trên cơ sở quán triệt cương lĩnh của Đảng.

Theo nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, việc tăng cường đại đoàn kết, trước hết Đảng phải là hạt nhân lãnh đạo. Muốn có đoàn kết trong toàn dân thì trong Đảng phải đoàn kết, nêu gương đoàn kết. Nếu trong Đảng không đoàn kết thì sẽ có những “phân tâm” trong xã hội.

“Chúng ta kêu gọi đoàn kết nhưng có một bộ phận không nhỏ suy thoái biến chất chính vì vậy phải giải quyết hài hòa lợi ích để việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết không chỉ động viên nghĩa vụ một chiều mà phải đem lại lợi ích, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân” nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm khẳng định.

Bên cạnh đó, theo nguyên Chủ tịch Huỳnh Đảm, cần bổ sung tăng cường đội ngũ cán bộ cho Mặt trận để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với Mặt trận để cụ thể hóa việc Đảng làm tốt vai trò vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo.

Cùng với đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, các đại biểu cũng cho rằng, Đảng phải tăng cường lãnh đạo đổi mới về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc. Đất nước ta đã có 30 năm đổi mới, trong đó công tác dân tộc cũng đã có đổi mới, góp phần vào những thành tựu to lớn của đất nước, cuộc sống của đồng bào các dân tộc có nhiều tiến bộ.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII - 5

Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam​ Lù Văn Que

Nhưng theo ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, kết quả đổi mới chưa đáp ứng yêu cầu, vùng dân tộc và miền núi vẫn là vùng có nhiều khó khăn và nghèo nhất nước… Một trong những nguyên nhân là việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta ở các vùng dân tộc và miền núi còn nhiều yếu kém, khuyết điểm.

Do vậy theo ông Lù Văn Que, trong yêu cầu đổi mới sự lãnh đạo của Đảng cần có lý luận – tư duy mới về dân tộc. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc cần có Luật Dân tộc Việt Nam. Và việc làm có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng cho từng dân tộc có một số cán bộ cốt cán.

“Đây là “cái gốc của mọi công việc” thành công hay thất bại ở vùng dân tộc, đều do cán bộ và đảng viên – người đại diện cho dân tộc họ tốt hay kém. Vì người dân tộc họ quan niệm “ nhỏ như con ong, con kiến cũng có con đầu đàn của nó, huống chi là con người ”. Không có đội ngũ cán bộ dân tộc để làm việc đó thì không ai làm thay được và dẫu có người làm thay cũng chưa chắc đã làm tốt hơn họ”, ông Lù Văn Que nhấn mạnh.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII - 6

Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Hoàng Thám

Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Hoàng Thám nhận xét, dự thảo xác định 4 nguy cơ trước đây vẫn còn, đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, oan sai chưa hết…Đó là do hệ thống chính trị của chúng ta chậm đổi mới, nhận thức về đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng với đổi mới nền kinh tế.

“Đại hội lần này cần xác định rõ những gì có thể đổi mới được về hệ thống chính trị thì triển khai, còn những gì chưa rõ thì đưa ra định hướng để tiếp tục nghiên cứu cho nhiệm kỳ sau. Nếu không nhìn nhận, đặt đúng vấn đề đổi mới hệ thống chính trị thì những tồn tại sẽ còn, 4 nguy cơ vẫn chưa thể giải quyết”, ông Trần Hoàng Thám đề nghị.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII - 7

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt

Đối với nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, hội nghị góp ý dự thảo văn kiện đại hội Đảng không phải là hội thảo mà là Mặt trận thay mặt nhân dân đóng góp với Đảng, thì bên cạnh những phần việc của Mặt trận, với những việc nhân dân quan tâm, Mặt trận cần phải có chính kiến.

Đồng tình với ý kiến của ông Trần Hoàng Thám, theo nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, nội bộ Đảng phải hết sức chú ý khắc phục 4 nguy cơ, vì đó là những yếu tố làm cho Đảng trở nên khó khăn.

Sau 30 năm đổi mới, đại hội lần này nên có dấu ấn để khẳng định với nhân dân tin tưởng bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để chứng minh với nhân dân, thế giới rằng Đảng ta không chỉ có vai trò lãnh đạo trong lịch sử, mà trong giai đoạn đổi mới Đảng đã thể hiện được vai trò, dấu ấn của mình.

“Cần khẳng định được việc tới đây chúng ta sẽ xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, hội nhập quốc tế. Dân ta vẫn mong muốn và tin Đảng ta sẽ có những đổi mới mạnh mẽ” ông Phạm Thế Duyệt khẳng định.

Ông Phạm Thế Duyệt cũng cho rằng, dự thảo văn kiện cần làm rõ vấn đề xây dựng Đảng, những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 5 năm tới. Cùng với đó, cần làm rõ tinh thần kiểm điểm của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với việc triển khai nhiệm vụ trong nhiệm kỳ qua. Nội dung kiểm điểm cần đưa vào báo cáo của Đại hội để toàn dân được biết Đảng đang lãnh đạo như thế nào.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII - 8

Các vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam
cùng trao đổi bên lề hội nghị

“Đây là đại hội Đảng 5 năm một lần, nên Đảng cần chú trọng sự kiểm điểm đúng và chưa đúng, được và chưa được như vậy sẽ thể hiện được tinh thần phê và tự phê của Đảng. Bởi sự thật là không chỉ toàn dân ta mà cả thế giới họ cũng đang rất quan tâm” ông Duyệt nêu ý kiến.

Ông Phạm Thế Duyệt cũng cho rằng, cần chú trọng nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng cần coi trọng thực sự vấn đề giám sát và phản biện xã hội.

“Không có dân thì làm sao chống được tham nhũng, hạn chế được sự suy thoái trong Đảng? Vì vậy, chúng ta cần coi trọng sự vào cuộc của người dân, cần phải khen thưởng thỏa đáng những người dân dũng cảm trong chống tham nhũng và suy thoái, thực sự coi trọng và phát huy vai trò của người dân”, ông Phạm Thế Duyệt góp ý.

Đặc biệt, theo ông Duyệt, nên có kênh để nhân dân đóng góp ý kiến, thể hiện chính kiến về công tác nhân sự, chỉ có như vậy chúng ta mới có đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm, có trình độ được nhân dân tin tưởng, mong muốn. Vai trò của Mặt trận đại diện cho nhân dân đối với công tác nhân sự là rất quan trong, không nên chỉ thể hiện ở việc hiệp thương bầu đại biểu quốc hội của Mặt trận sau đại hội, mà cần thể hiện ý kiến trước đại hội.

“Tôi mong đại hội XII sẽ là một đại hội thể hiện được nhiều dấu ấn sâu sắc với nhân dân”, ông Phạm Thế Duyệt kỳ vọng.

Hội nghị sẽ tiếp tục đóng góp các ý kiến góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào ngày mai, 4-10. Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị

Dạ Yến- Vũ Mạnh Ảnh: Hoàng Long