Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn: Cần tìm giải pháp xử lý những vấn đề về nhân cách con người trong xã hội hiện nay
“Một lái xe chở hàng không may bị lật xe, hàng hóa đổ tung tóe trên đường, hàng trăm người không mảy may quan tâm đến tính mạng của người lái xe, sự lo âu vì hàng hóa thất thoát không được đền bù,…Ngược lại, họ lao vào tranh giành nhau để hôi của, mặc cho lái xe van lạy xin được giúp đỡ”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn
Đó là bày tỏ chua xót được ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) lấy dẫn chứng tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức khai mạc vào ngày 3/10 tại Hội trường T78 – TP.HCM.
Dẫn chứng cho sự xuống cấp của đạo đức xã hội ngày càng trầm trọng, ông Doãn đã điểm lại một loạt những vụ án giết người thảm khốc xảy ra liên tục gần đây ở miền tây Nghệ An, Bình Phước, Hướng Hóa (Quảng Trị), Yên Bái, Gia Lai,…, mà kẻ thủ ác là những người rất trẻ, chưa có tiền án tiền sự, nhưng hành động giết người vô cùng lạnh lùng, man rợ, phi nhân tính. Có nhiều vụ, một lúc hành vi tội ác đã giết chết nhiều mạng người không một chút run tay. “Có thể nói, đó là điển hình của sự xuống cấp, sự băng hoại tột cùng của nhân cách. Nếu như, những con người đó còn một chút tính người dẫu chỉ nhỏ như hạt cát thì khi ra tay sát hại một, hai người và nghe lời cầu xin và ánh mắt sợ hãi, vô vọng của nạn nhân, biết đâu kẻ thủ ác chững lại trong tích tắc và khoảnh khắc đó có khi cứu những nạn nhân tiếp theo thoát khỏi cái chết”, ông Doãn bình luận. Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT cũng chỉ ra các hiện tượng con cái ngược đãi bố mẹ, bố mẹ hành hạ con cái, vợ chồng đối xử tàn bạo với nhau, con người độc ác với con người vẫn diễn ra ở các vùng miền đất nước.
Gia đình đã vậy, ngoài xã hội còn bất an hơn, ông Doãn chia sẻ: “Chúng ta chắc ai cũng phải giật mình khi đọc, nghe thông tin trên các phương tiện truyền thông rằng chỉ có mấy ngày tết năm 2015, cả nước có gần 6.000 người phải nhập viện do đánh nhau bị trọng thương, trong đó có hàng trăm người bị chết”. Ông Doãn phân tích: biểu hiện dễ thấy trong các hành vi tội ác nêu trên là sự thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau, mất mát với đồng loại. “Một lái xe chở hàng không may bị lật xe, hàng hóa đổ tung tóe trên đường, hàng trăm người không mảy may quan tâm đến tính mạng của người lái xe, sự lo âu vì hàng hóa thất thoát không được đền bù,….Họ lao vào tranh giành nhau để hôi của mặc cho người lái xe van lạy xin được giúp đỡ, sẻ chia,…”, ông Doãn nêu dẫn chứng cụ thể.
Từng làm lãnh đạo trong công tác quản lý báo chí, ông Doãn cho rằng: Chúng ta sẵn sàng dành thời gian, tiền của, trí tuệ để bàn bạc, tìm giải pháp xử lý trước những vấn đề về nhân cách con người trong xã hội hiện nay. Vấn đề là phải suy nghĩ ra cách thức phù hợp. Theo ông Doãn, văn học – nghệ thuật (VH-NT) có thể là một giải pháp tốt để xây dựng và định hướng nhân cách con người.
Chẳng hạn về sách văn học, hiện cả nước có 63 Nxb cùng hàng trăm công ty nhà sách cho tham gia vào hoạt động xuất bản. Mỗi năm, cả nước xuất bản gần 300.000 đầu sách, với khoảng trên 300 triệu bản sách. Trong đó, sách văn học tuy chiếm tỷ lệ khiêm tốn (khoảng 18%) nhưng là mảng rất quan trọng để định hướng nhân cách, lối sống. “Tôi nghĩ chúng ta nên coi trọng việc xây tủ sách gia đình, cũng như các phong trào đọc sách ở cộng đồng, trong đó định hướng các tác phẩm có giá trị. Rồi bên cạnh đó cũng cần xây dựng một đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác xuất bản đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn để hoàn thành công tác”.
Bên cạnh đề xuất nêu trên, ông Đỗ Quý Doãn cũng cho rằng, công tác tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là sai phạm trong việc để “lọt” các tác phẩm sai trái, làm ảnh hưởng đến đạo đức, nhân cách con người trong xã hội.
“Thời gian qua, mỗi năm cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản đã xử lý 45 – 50 trường hợp sai phạm trong lĩnh vực xuất bản từ hình thức xử phạt vi phạm hành chính đến đình chỉ phát hành, thu hồi, tiêu hủy”, ông Doãn cho hay.