Làng chữ ở hạ lưu sông Hương

Trang Hạ 04/10/2015 07:05

Bắt nguồn từ giọt nước của “đá mẹ” Trường Sơn trải qua bao thác ghềnh để mang hạt phù sa bồi đắp cho biền bãi Hương Giang. Ở cuối nguồn dòng sông thơ mộng ấy, có một ngôi làng nằm nép mình bên cửa sông chuẩn bị đổ ra đầm phá, cũng được hun đúc bởi truyền thống hiếu học, lặng lẽ mà bền bỉ như những mạch nguồn của đất vậy…

Làng chữ ở hạ lưu sông Hương

Ông Thạnh, bà Tất tự hào với truyền thống hiếu học của gia đình mình.

Mẹ già gom gánh rạ rơm

Nhớ có lần ngồi trò chuyện cùng Chủ tịch UBND xã Hương Phong (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) Trần Viết Én, ông bảo: “Hương Phong còn nghèo lắm, nghèo nhưng việc học của con em luôn được bà con chú trọng, nó đã trở thành một “đặc sản” của xứ này rồi. “Đặc sản” không mang ra mời mọc cùng ai nhưng cũng được người dân trong xã tự hào, phấn khởi lắm”.

Không phải ông bông đùa cho vui, ông giở cuốn sổ ghi chép danh sách những người con đổ đạt trong vài năm trở lại đây rồi nói: “Chỉ tính riêng hai thôn Thuận Hòa, Văn Quật Đông trong vòng 2 năm trở lại đây đã có hơn 40 em thi đỗ vào các trường ĐH, còn CĐ, trung cấp của các ngành thì chưa tính. Có gia đình có 8 người con thì đã có 6 em thi đỗ”.

Đến thôn Thuận Hòa giữa trưa, cái nắng hanh hao những ngày đầu thu vẫn không ngăn được bước chân của những nông dân cần mẫn ra thăm đồng. Hạt lúa hiếm hoi trên vùng đất sát cửa đầm phá nhiễm mặn quanh năm sẽ là hành trang cho những người con nhọc nhằn tìm con chữ nơi xứ người.

Đứng từ đầu thôn, bà Cao Thị Nết với chiếc nón lá trên tay thấp thỏm ra vào. Hỏi ra mới biết, bà đợi đứa con trai đầu là anh Nguyễn Mẫn vừa tốt nghiệp ra trường, đã xin được việc ở Bình Thuận, hôm nay tranh thủ ngày hè về thăm nhà. Bà Nết có 4 người con thì tất thảy đều đổ vào các trường đại học lớn. Chỉ con trai đầu đã ra trường, 3 người con còn lại vẫn đang theo học ĐH Kinh tế và ĐH Nông lâm Huế.

Bà tâm sự: “Mình làm nông cả đời rồi, cực thì cũng cực rồi giờ quyết tâm cho con ăn học thôi. 3 sào ruộng bị nhiễm mặn, 3 ha tôm cá nuôi xen ghép, đói thì không đói nhưng được mấy đều tập trung nuôi con học cả. Bọn nó không được học rồi cũng sẽ như mình, tay lấm chân bùn trên ruộng mà thôi”.

Trong mấy năm qua, để nuôi được cả “đội quân” ĐH xa nhà, bà Nết cùng chồng phải làm lụng quần quật. Từ việc gieo cấy mướn, đan lưới thuê rồi xin đi bạn thuyền làm tôm cá. Nhiều lúc trong nhà gặp khó khăn, không xoay đâu ra tiền để nộp học phí cho con bà lại chạy lên kêu hội phụ nữ xã hay vay nóng tiền của bà con. Chờ mớ tôm cá thu hoạch cuối vụ rồi tất tả mang đi trả. Cứ mỗi lần những đứa con về nghỉ tết, nghỉ hè, bà Nết lại bắt đôi gà về gầy giống, như “bỏ ống” niềm tin vậy. Để ra năm, có cái bán kiếm ít tiền giắt lưng làm hành trang cho những đứa con vất vả tìm con chữ nơi xứ người.

Thấy mái tóc của cha ngày một sương muối theo từng năm con cắp sách đến giảng đường, những đứa con ông Tân, bà Nết luôn cố gắng học giỏi, chi tiêu dè xẻn để không phụ lòng cha mẹ. Em Nguyễn Văn Phi (học ngành thủy sản, ĐH Nông lâm Huế) tâm sự: “Bố mẹ đã vất vả một đời rồi giờ chúng em chỉ biết cố gắng học thôi. Tranh thủ những ngày hè về quê giúp mẹ làm ruộng, canh cá. Em chỉ mong mau sớm ra trường, kiếm được việc làm đỡ đần vì bố ngày một già đi rồi”.

Nuôi con ăn học để thơm tiếng đời…

Rời thôn Thuận Hòa, men theo con đường ven sông Hương, thôn Vân Quật Đông hiện ra với những căn nhà mái ngói cũ kỹ. Là vùng đất thấp trũng, chỉ cần mưa lớn là đã có lũ, nhưng đổi lại, nói như lời trưởng thôn Lê Lộc, trời lấy mất cái này thì cho cái kia.

Thôn Vân Quật Đông là một địa chỉ sáng danh về truyền thống hiếu học của tỉnh. Những ngày truyền thống hay lễ hội cúng ngài khai khẩn, lễ “truyền lô” luôn được long trọng tổ chức cùng với những món quà do Hội khuyến học xã trao tặng cho những sỹ tử đổ kỳ thi vinh quy bái tổ.

Ông Lê Lộc - Trưởng thôn Vân Quật Đông bảo: “Nếu tính toàn bộ số em đỗ ĐH, CĐ trong thôn thì e… không xuể. Nhưng ở đây có gia đình có 8 người con thì đỗ ĐH hết 6, duy chỉ 2 đứa còn lại học trung cấp mà thôi”.

Theo chân trưởng thôn Lộc, chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Thạnh của Hương Phong. Thuyết phục mãi ông Thạnh mới tiếp chuyện với chúng tôi, vì ông không muốn “đụng” đến báo đài. Ông Thạnh bảo: “Nuôi con ăn học là trách nhiệm, nghĩa vụ cả cuộc đời của bậc làm cha làm mẹ. Kể lể làm chi cho nó phiền phức…”.

Ông Thạnh có 8 người con thì có 5 đứa đang theo học trường ĐH Bách khoa, y dược và 1 đứa học CĐ. Người con trai đầu đã tốt nghiệp, giờ đã trở thành một bác sĩ giỏi công tác tại bệnh viện lớn ở TP HCM. Mấy hôm nay gia đình ông Thạnh vui lên hẳn bởi người con gái út là Trần Thị Trang, học CĐ kinh tế- kế hoạch Đà Nẵng vừa tốt nghiệp.

Để nuôi con ăn học, trong mấy chục năm qua, cả hai vợ chồng ông Thạnh phải một nắng hai sương trên đồng ruộng, thức khuya dậy sớm cùng nghề chài lưới.

Bà Trần Thị Tất, vợ ông Thạnh tâm sự: “Mấy năm trước, có sắm thuyền đánh cá, nhưng các ngư trường ở trong tỉnh cứ làm rồi thua lổ dần, không đủ tiền xăng dầu. Trong khi các ngư trường ở ngoài bắc thì đi xa, không đủ chi phí. Đến năm 2004, gia đình bán thuyền trở lại với nghề làm lưới lừ trên đầm phá kiếm cá tôm đắp đổi qua ngày. Không có ruộng nên nhiều khi gia đình cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn. May nhờ 3 đứa con đầu (1 bác sĩ, 2 kỹ sư - NV) của gia đình đã ra trường, có việc làm nên cũng đỡ đần phần nào cho bố mẹ”.

Để lo được học phí cho các con, nhiều khi bà Tất phải xoay nợ “mướt mồ hôi”! Hết chạy lên vay phụ nữ xã lại quay sang vay tín dụng học sinh, sinh viên. Đến cuối vụ, tích lũy tiền rồi trả dần dần. Đến nay, riêng số nợ vay nóng của bà con trong thôn vẫn chưa trả hết. Dù vất vả nhưng nhắc đến việc học hành của những người con, đôi mắt bà sáng lên nỗi tự hào khôn tả. Đó cũng là niềm vui lớn lao mà rất nhiều người mẹ, người chị ở Hương Phong có được sau những tháng năm dãi dầu trên ruộng đồng.

Trang Hạ