Bình Định: Mỗi năm hộ nghèo giảm khoảng 4%
Bình Định có 3 huyện thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ là Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão, qua 6 năm thực hiện những chính sách đặc thù, tình hình kinh tế xã hội tại các địa phương có bước chuyển biến đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 2%, đối với các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo khoảng 4%...
Người dân ở Bình Định chăn nuôi bò thoát nghèo
Hoàn thiện qui hoạch sản xuất
Trước tiên là về hỗ trợ để phát triển sản xuất, tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2009-2014 trên 129,9 tỷ đồng, trong đó riêng chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập đã thực hiện giao khoán 51.395 ha cho 4.404 hộ dân với số tiền gần 25 tỷ đồng; thực hiện quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho 23 xã trên địa bàn 3 huyện nghèo (Vân Canh 6 xã, Vĩnh Thạnh 8 xã và An Lão 9 xã) cơ bản đã hoàn thành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ lương thực cho 422 hộ nghèo (1.497 khẩu trong thời gian 3 tháng) với 87.615 kg lương thực để thực hiện khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực; hỗ trợ khai hoang tạo ruộng lúa nước làng ĐakChum, xã Vĩnh Hảo, khai hoang tạo đất sản xuất xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh và khai hoang 4.573 ha cho 85 hộ hưởng lợi tại huyện An Lão, kinh phí thực hiện 305,7 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: giống cây lâm nghiệp, giống trâu, bò, dê… cho gần 14.000 hộ, kinh phí thực hiện trên 64,6 tỷ đồng.
Các huyện cũng đã triển khai và thực hiện nhân rộng 92 mô hình khuyến nông-lâm-ngư xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ cho 115 cán bộ khuyến nông, lâm, ngư ở thôn làng với kinh phí 843,8 triệu đồng; thực hiện chính sách khuyến công và phát triển thương mại với việc hỗ trợ dạy nghề dệt thổ cẩm cho khoảng 150 đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Hà Văn Trên xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tổ chức trình diễn mô hình dệt thổ cẩm bằng khung dệt cải tiến cho đồng bào Ba Na và chuyển giao cho làng Hà Ri 40 khung dệt cải tiến qua đó từng bước giúp đồng bào tăng năng suất và chất lượng sản phẩm với kinh phí thực hiện 159 triệu đồng… Hỗ trợ 926,4 đồng cho công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong đó huyện Vân Canh 345 triệu đồng, huyện Vĩnh Thạnh 281,45 triệu đồng và huyện An Lão 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các huyện nghèo cũng tổ chức đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng, giải quyết hồ sơ, giấy tờ hành chính, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn từ ngân hàng CSXH cho người lao động trước khi tham gia xuất khẩu lao động. Qua 5 năm thực hiện đã có 250 người đi xuất khẩu lao động, trong đó: Vân Canh 40 người, Vĩnh Thạnh 72 người, An Lão 138 người.
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 8%
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh, đến hết năm 2015, Bình Định đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 8% với nhiều chính sách ưu tiên đảm bảo người ngèo có cơ hội và điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội công…
Để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trên, Bình Định sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, khắc phục tình trạng có quá nhiều chính sách tín dụng với nhiều mức lãi suất. Áp dụng chung mức lãi suất ưu đãi, ưu tiên hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, chủ hộ là người khuyết tật khi vay vốn sản xuất, kinh doanh, học nghề, vay làm nhà ở. Từng bước giảm dần ưu đãi thông qua lãi suất, tiến tới cho vay theo lãi suất thương mại, đơn giản về điều kiện, thủ tục hồ sơ để người nghèo dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Áp dụng linh hoạt phương thức cho vay, chủ yếu là ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị xã hội trên cơ sở hình thành các nhóm tín dụng-tiết kiệm của các tổ chức (như phụ nữ, nông dân, thanh niên…). Gắn vay vốn tạo việc làm tại chỗ với dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956, lồng ghép về đối tượng, địa bàn, nguồn lực với các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, dạy nghề cho người nghèo, lao động xuất khẩu, bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật…, ưu tiên nguồn lực, đầu tư cơ sở, trường, lớp, thiết bị dạy nghề, đào tạo giáo viên dạy nghề, gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo cho các huyện nghèo, vùng khó khăn; vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Mở rộng diện áp dụng chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với lao động nghèo trên địa bàn 3 huyện nghèo của tỉnh theo Nghị quyết 30a.
Cung cấp dịch vụ khuyến nông-lâm-ngư-công, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề cho người nghèo làm nông nghiệp, triển khai các dự án phải sát thực, phù hợp với yêu cầu của người nghèo và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi người nghèo cư trú sao cho phù hợp với trình độ hiểu biết để người nghèo dễ tiếp thu và áp dụng. Phát triển các hình thức dạy nghề ngắn hạn tại chỗ cho người nghèo, tạo điều kiện để họ tự tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Xây dựng và chuyển giao các mô hình mẫu về hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề, chăn nuôi, kinh tế vườn đồi, cải tạo vườn tạp, nuôi trồng thủy sản. Tỉnh cũng sẽ triển khai các dự án khuyến công, ưu tiên đầu tư phát triển ở địa bàn xã nghèo, xã, đặc biệt khó khăn và 3 huyện nghèo. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện vấn đề xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm đặc trưng ở các vùng nghèo, các làng nghề truyền thống để giúp phát triển kinh tế-xã hội giảm nghèo bền vững cho các địa phương trên địa bàn.
Đối với chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, Bình Định sẽ ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để nâng cấp cơ sở y tế nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, đáp ứng yêu cầu thiết yếu cho người dân ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Thực hiện cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và nhân dân sinh sống tại xã đảo Nhơn Châu. Có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp huy động nguồn lực cộng đồng trong việc xây dựng quỹ khám chữa bệnh miễn phí, khám chữa bệnh nhân đạo, khuyến khích các đội y tế lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân thuộc hộ nghèo khi chuyển lên tuyến trên.
Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với học sinh nghèo học ở các trường dân lập do không có điều kiện học trong các trường công lập; ưu tiên hơn đối với con em hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh nghèo khuyết tật. Thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút đối với giáo viên công tác ở địa bàn khó khăn; khuyến khích xây dựng “Quỹ khuyến học”; ưu tiên đầu tư trước để đạt chuẩn cơ sở trường, lớp học ở các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, chủ động, tích cực huy động nguồn lực của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ cùng với nguồn cho vay vốn tín dụng ưu đãi để hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở. Ưu tiên giải quyết trước đối tượng hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ di dân, chủ hộ là người cao tuổi, phụ nữ, người khuyết tật.
Bên cạnh đó, Bình Định cũng chú trọng đến những chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin cũng như một chính sách đặc thù cho địa bàn khó khăn nhất. Trong đó ưu tiên tập trung nguồn đầu tư trước để hoàn thành và đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới đối với cơ sở trường lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc...