Những nước thành công trong kiểm soát súng đạn
Hôm 1/10, sau vụ xả súng ở Trường Đại học Cộng đồng Umpqua, Tổng thống Mỹ Barack Obama - người đã từng có 14 bài phát biểu về 9 vụ xả súng ở trường học trong vòng 7 năm làm lãnh đạo nước Mỹ đã thúc đẩy việc thắt chặt kiểm soát súng đạn khi nói trước báo giới về vụ việc.
Số súng mà chính phủ Australia từng thu lại được trong chương trình
mua lại súng từ người dân. (Nguồn: Reuters).
“Bằng cách nào đó những sự việc thế này đã trở thành thường lệ. Và cả việc báo cáo nó cũng trở thành thường lệ. Kể cả phản ứng của tôi ngay tại đây cũng trở thành thường lệ, hay những tranh cãi sau khi sự việc xảy ra. Chúng ta đã bị tê liệt vì điều này” - ông Obama nói.
“Sự đồng cảm và những lời cầu nguyện của chúng ta là không đủ. Không đủ. Nó không thể làm vơi đi nỗi đau và sự tức giận của chúng ta, và nó không thể ngăn chặn những việc tương tự có thể sẽ xảy ra ở đâu đó trên nước Mỹ, có thể là tuần tới, hoặc vài tháng tới” – ông Obama nói.
Cuộc tranh luận về kiểm soát súng đạn ở Mỹ chưa từng chấm dứt. Và trong khi giới lãnh đạo Mỹ còn đang loay hoay, thì thực tế trên thế giới cũng từng có nhiều nước chứng kiến các thảm kịch xả súng tương tự và họ đã đưa ra sự thay đổi cần thiết để ngăn chặn những vụ việc như vậy.
Australia
Một trong những hành động đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng Australia của ông John Howard chính là tuyên bố một cuộc cải cách lớn về luật quản lý súng đạn ở nước này. Tuyên bố được đưa ra chỉ 12 ngày sau khi 35 người chết do dính đạn từ khẩu súng trường quân dụng của một tay súng điên cuồng tại một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tasmania ngày 28/4/1996.
Vụ việc được biết đến với cái tên “Vụ thảm sát ở Cảng Arthur” đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng, kêu gọi chính quyền có biện pháp quản lý súng đạn chặt chẽ hơn. Bởi vậy, Thủ tướng Howard đã triển khai hẳn một chiến dịch bài trừ súng đạn trên khắp đất nước Australia. Ông còn thực hiện thành công chương trình mua lại súng, nhờ đó thu hồi được 650.000 khẩu súng từ người dân.
Các loại súng trường có đạn cỡ lớn và súng săn đều bị cấm, việc cấp phép sử dụng súng cũng nghiêm ngặt hơn. Và kể từ đó, Australia thường được người ta đem ra so sánh như “tấm gương” cho nước Mỹ noi theo. Chỉ vài năm sau khi vụ thảm sát ở cảng Arthur, mức độ rủi ro thiệt mạng vì bị súng bắn ở Australia đã giảm hơn 50% và đến nay vẫn duy trì ở mức này.
Anh
Vào ngày 19/8/1987, một tay súng 27 tuổi đã thực hiện một vụ tấn công đẫm máu trong suốt vài giờ đồng hồ ở thị trấn Hungerford, thuộc thành phố Berkshire miền Nam nước Anh. Cầm một khẩu súng ngắn, một quả lựu đạn cùng một súng trường tự động, tay súng này đã bắn chết 16 người và làm bị thương hàng chục người khác.
Sau vụ thảm sát ở Hungerford, chính phủ Anh đã lập tức đưa ra một bộ luật mới – Đạo luật súng đạn 1988, trong đó bắt buộc người dân phải đăng ký với chính quyền các loại súng săn, đồng thời cấm các loại vũ khí bán tự động.
9 năm sau đó, một tay súng khác tên Thomas Hamilton, 43 tuổi, lao vào một trường học ở thị trấn Dunbane, miền Trung Scotland và xả đạn điên cuồng khiến 16 trẻ em ở độ tuổi từ 5-6 cùng một giáo viên thiệt mạng. Đến năm sau đó, một bộ luật khác được chính phủ Anh thông qua, trong đó cấm hoàn toàn việc sở hữu súng lục ở nước này sau một chiến dịch vận động thành công.
Tuy nhiên, nước Anh lại một lần nữa rúng động vì một vụ thảm sát khác xảy ra vào tháng 6/2010, khi một tay súng tên Derrick Byrd bắn chết 12 người và làm 30 người khác bị thương sau khi nã đạn điên cuồng trong 4 giờ đồng hồ ở khu vực Cumbria, miền Bắc nước Anh. Gã tài xế taxi 52 tuổi này sau đó bị bắn chết khi đang mang theo 2 khẩu súng trường, một trong số đó có gắn ống ngắm.
Vụ việc một lần nữa lại đặt ra nhiều câu hỏi về tính hiệu quả của các bộ luật kiểm soát súng đạn ở nước Anh; và sau đó chính phủ lại bổ sung thêm điều luật mới, trong đó yêu cầu người dùng súng phải được cảnh sát và một bác sỹ tâm lý đánh giá là phù hợp.
Phần Lan
Ngày 7/11/2007, một thanh niên bất ngờ dùng khẩu súng lục nã đạn vào chính ngôi trường trung học của cậu ở thị trấn Tuusula, miền Nam Phần Lan, khiến 8 người chết; sau đó tự sát. Cảnh sát đã tìm thấy 69 viên đạn ghém cùng 320 viên đạn súng lục chưa được sử dụng ở hiện trường vụ thảm sát.
Chỉ 1 năm sau, chính quyền Phần Lan tiếp tục hứng chịu phản ứng từ người dân sau khi xảy ra một số vụ xả súng tương tự, như vụ xả súng ở Kahajoki. Chính phủ sau đó bắt đầu ra thông báo về hướng dẫn mới đối với việc sử dụng súng, đặc biệt là đối với các loại súng lục.
Những người dân muốn sở hữu súng bắt buộc phải là thành viên một câu lạc bộ súng trong ít nhất 1 năm, và phải được đánh giá bởi cảnh sát và một bác sỹ tâm lý.
Độ tuổi tối thiểu để sở hữu súng được nâng lên 20, thay vì 18. Vào năm 2013, Phần Lan chỉ phát ra 59.324 giấy phép sử dụng súng, giảm 30% so với năm 2007.
Na Uy
Ngày 22/7/2011 sẽ mãi là vết thương không thể lành trong ký ức người dân Na Uy, sau khi một quả bom phát nổ ngay bên ngoài văn phòng Thủ tướng ở Oslo, khiến 8 người thiệt mạng. Kẻ thủ ác Anders Behring Breivik sau đó bắt chuyến phà tới đảo Utoya và xả súng vào người dân, khiến 69 người trong một trại thanh niên thiệt mạng. Kẻ này sau đó chịu án 21 năm tù.
Dù đã có bộ luật thắt chặt quyền sở hữu súng đạn, nhưng một báo cáo độc lập đã chỉ trích chúng là chưa đủ và chưa hiệu quả. Báo cáo này còn kêu gọi chính phủ cấm các loại vũ khí bán tự động.