Cầu tài, đúng người đúng việc
Có thể nói cho đến thời điểm hiện nay, nhận thức về xây dựng nguồn nhân lực đã khá rõ ràng và đầy đủ. Gần đây nhất, được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một bước tiến mới, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) coi nhân tố con người là trọng tâm của xây dựng và phát triển văn hóa, mà văn hóa là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước. Nói rộng ra, lịch sử phát triển mỗi quốc gia đều cho thấy nhân tố con người quyết định sự thành bại.
Ảnh minh họa.
Trong vấn đề con người, lịch sử Việt Nam còn lưu giữ nhiều câu nói, nhiều tấm gương về thuật dùng người. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước vững. Có người tài và sử dụng đúng khả năng người tài vào việc dân, việc nước mãi mãi là vấn đề thời sự với mọi thời đại.
Sử sách còn ghi câu chuyện Tô Hiến Thành - vị đại thần phụ chính tài năng và đức độ cuối cùng của nhà Lý – trước khi lâm chung nhất định tiến cử quan gián nghị đại phu Trần Trung Tá - người có thực tài – thay mình phụ chính Nhà vua, chứ không tiến cử quan tham tri chính sự Vũ Tán Đường - người mà trong thời gian quan đại thần phụ chính ốm nặng đã hết lòng hầu cận. Lý do được vị đại thần chính trực đưa ra là nếu cần một người giúp vua trị nước thì cần Trần Trung Tá còn nếu cần một người hầu hạ phụng dưỡng thì mới cần Vũ Tán Đường.
Sử thần Ngô Sĩ Liên sau này có lời bình rằng: “Tô Hiến Thành nhận việc kí thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi có biến cố, tuy bị gió lay sóng dập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yêu dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần ngày xưa. Huống chi, đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không hề vì ơn riêng. Thái hậu không dùng lời nói này của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”.
Có hiền tài mà lại phải dùng đúng người đúng việc. Câu chuyện về thuật dùng người ngay từ xa xưa đã luôn luôn là việc rất khó. Tô Hiến Thành chọn đúng người tiến cử mà Thái hậu và Vua có nghe theo hay không lại là việc khác. Bài học của nhà Lý nói theo sử gia Ngô Sĩ Liên đã trở thành việc “không may”.
Gần hơn, ở thời đại của chúng ta, báo Cứu Quốc ngày 20/11/1946 đã đăng “chiếu cầu tài” – bài viết “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó Người nêu rõ: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó”. Cầu tài và đặt người đúng chỗ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tập hợp một lực lượng trí thức lớn gánh vác trọng trách quốc gia…”
Trong những ngày qua, dư luận nhân dân đồng tình với nhiều ý kiến kiến nghị tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 6 của Ủy ban TW MTTQ VN về những vấn đề liên quan đến nhân sự và con người. Nguyên Chủ tịch MTTQ VN Phạm Thế Duyệt và nhiều Ủy viên Đoàn Chủ tịch băn khoăn đề nghị cần có kênh để nhân dân góp ý nhân sự cho Đảng, qua đó chọn được cán bộ tốt cho đất nước.
Đề nghị này theo các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, là bởi xuất phát từ đánh giá của Đảng về “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái biến chất đã qua nhiều thời gian vẫn chưa thấy “được gọi tên” . Nếu tiếp tục để kéo dài nữa tình trạng “một bộ phận không nhỏ” thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển đất nước, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Chọn người tài và dùng người đúng việc, đâu hợp với vai một quan “phụ chính” và đâu là vai của người hết lòng phục vụ sự vụ, từ bài học của người xưa, vẫn có ý nghĩa thời sự vào thời điểm này.
Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những dẫn chứng cho thấy yếu tố con người quyết định quan trọng đến sự phát triển. Cũng con người ấy trước đây sản xuất không đủ gạo ăn mà sau khoán 10 ruộng đất vẫn vậy mà năng suất thì khác. Ở đây có vấn đề của động lực phát triển mà nếu chúng ta vào thời điểm này không tìm ra xung lực mới thì sẽ kìm hãm sự phát triển.
TS Phạm Quang Long từng đưa ra ví dụ: “Ở một đơn vị hành chính hay sản xuất, nếu ban lãnh đạo đổi mới cơ chế quản lý, sắp xếp lại nhân lực, người vào việc đúng với năng lực, sở trường của họ, người nào cũng được đánh giá đúng về lao động, hưởng thụ... hiệu quả công việc sẽ thay đổi trông thấy. Việc này bắt đầu từ nhân tố con người mà nói rộng ra ở tầm vĩ mô cũng thế”.
Tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Đảng nhận định về một “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái biến chất. Tới Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) Đảng thẳng thắn chỉ ra sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự đảo lộn các giá trị sống đang ở mức nghiêm trọng. Những thực tế này có lẽ có cả nguyên nhân từ việc dùng người và đặt người vào những vị trí quản lý nhà nước chưa đúng và chưa sàng lọc cho kỹ. Từ thực tế này có thể thấy một sự cần kíp để xây dựng nguồn nhân lực, lựa chọn nhân tố con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Gần đây có nhiều trường hợp đề bạt ở tỉnh này, huyện kia gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Điều này đòi hỏi việc giám sát trong công tác nhân sự càng phải chặt chẽ hơn, để tránh những sự phân tâm trong xã hội.