EU tẩy chay sản phẩm biến đổi gen
Nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã tăng nhiệt làn sóng phản đối sản phẩm nông sản biến đổi gen, kêu gọi sử dụng quyền được rút khỏi danh sách các nước nuôi trồng các sản phẩm này mà Ủy ban châu Âu (EC) từng tuyên bố từ hồi tháng Ba năm nay.
Sản phẩm ngô chống chịu thuốc diệt cỏ của Monsanto bị nhiều nước EU tẩy chay.
Theo một thông cáo của EC hôm 5/10, hiện nay đã có đến 19 trong tổng số 28 thành viên của EU đã yêu cầu loại bỏ hoàn toàn việc nuôi trồng cây, con giống biến đổi gen (GMO).
Một quy định của EC, được thông qua hồi tháng Ba, đã cho phép 28 quốc gia thành viên được quyền từ chối tiếp nhận các sản phẩm biến đổi gen, ngay cả khi một số giống GMO đã được EC chính thức cho phép được nhập vào khối này. Kể cả trong trường hợp một số chủng loại GMO được Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) dán nhãn an toàn và hiện đang được phép lưu hành và nuôi trồng ở EU, các nước thành viên vẫn có khả năng từ chối tiếp nhận chúng.
Hãng Reuters ngày 5-10 dẫn một tuyên bố từ Người phát ngôn của EC, Enrico Brivio, cho biết 19 quốc gia nói trên đã quyết định nói “không” với các sản phẩm ngô biến đổi gen – có số hiệu MON 810 – của Nhà sản xuất Monsanto. Tính đến thời điểm hiện tại thì MON 810 vẫn là loại cây biến đổi gen được chính thức sử dụng trên diện rộng ở EU, chủ yếu là ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Bỉ và Anh trước đó đã sử dụng cơ chế “tự loại” của EC trong việc chấp nhận các giống cây và con giống biến đổi gen, trong đó yêu cầu áp dụng cơ chế này đối với một phần trên lãnh thổ của họ. Trong khi, nước Đức cũng có yêu cầu tương tự để có thời gian nghiên cứu thêm về sự an toàn của các chủng loại GMO.
Ngoài ra, nhiều nước thành viên EU khác gồm Áo, Bulgaria, Croatia, đảo Síp, Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Italy, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan và Slovenia đã chính thức yêu cầu cơ chế “tự loại” được áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ của họ.
Cộng đồng các nước phản đối các sản phẩm biến đổi gen ngày càng tỏ rõ phản ứng của họ. Rất nhiều trong số 19 quốc gia này hiện đang yêu cầu các công ty công nghệ sinh học loại bỏ các vùng lãnh thổ của họ ra khỏi danh sách bán các sản phẩm biến đổi gen. Hiện yêu cầu này đang được các công ty sinh học xem xét và sẽ có câu trả lời trong vòng một tháng tới.
Quyết định của châu Âu, và đặc biệt trong khối EU, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất cây trồng và con giống biến đổi gen lớn trên thế giới, mà trong đó phải kể đến Monsanto, DuPont Pioneer và Dow Chemical – có điểm chung là phát triển giống ngô có khả năng chống thuốc diệt cỏ. Đây cũng là các công ty lớn đã từng nhận được giấy phép xây dựng các nhà máy chuyên sản xuất các cây trồng và con giống biến đổi gen từ EC.
Từ lâu, việc nuôi trồng và sử dụng các sản phẩm biến đổi gen ở châu Âu đã trở thành một đề tài gây nhiều tranh cãi kể từ sau khi nhiều chuyên gia môi trường nói rằng GMO sẽ chỉ gây tổn hại đến sự đa dạng sinh học của thế giới.
Kể từ khi luật cấm GMO được đưa ra bàn thảo từ năm 2010, các bên liên quan đã không thể đi đến thống nhất chung. Bên ủng hộ lo ngại các sản phẩm biến đổi gen có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tới uy tín và chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp địa phương truyền thống.
Trong khi bên phản đối lại cho rằng biến đổi gen là công nghệ cần thiết giúp đáp ứng nhu cầu thực phẩm khi dân số toàn cầu gia tăng không ngừng. Điều này buộc các lãnh đạo EU phải đưa ra quyết định để các quốc gia tự lựa chọn có tham gia lệnh cấm hay không.
Ngay trước thời hạn chót được ấn định vào ngày 3-10 để các nước EU đưa ra quyết định nói “có” hay “không” với GMO, Tổ chức Hòa bình Xanh đã nói rằng làn sóng người dân châu Âu phản đối các sản phẩm đột biến gen ngày càng tăng cao bắt nguồn từ chính những lời quảng cáo dối trá về các sản phẩm này, và từ sự mất lòng tin của họ đối với các đánh giá an toàn của EU.
“Người dân không còn tin tưởng các đánh giá về độ an toàn thực phẩm của EU nữa và thấy rằng cần phải có hành động để bảo vệ nền nông nghiệp và thực phẩm” – Franziska Achteberg, một thành viên thuộc Tổ chức Hòa bình Xanh, nói.
Monsanto từng tung ra sản phẩm thuốc diệt cỏ với nhãn hiệu Roundup, và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là “có chứa chất gây ung thư”. Sự việc đã khuấy động cả một chiến dịch phản đối của các nhà hoạt động môi trường, trong đó kêu gọi tẩy chay sản phẩm này và yêu cầu rút nhãn sản phẩm.