Làm giàu từ cây bưởi

Nguyễn Minh 06/10/2015 15:25

Chỉ vào vườn bưởi, ông Vũ Xuân Oanh, xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, Hòa Bình cho chúng tôi biết, vụ vừa rồi mảnh vườn hơn 200 gốc bưởi này đã cho gia đình tôi thu nhập gần 200 triệu đồng. Một thu nhập đáng mơ ước của người dân ở vùng sơn cước còn nhiều khó khăn như nơi đây. 

Làm giàu từ cây bưởi

Những trái bưởi trĩu cành hứa hẹn vụ mùa bội thu

Thu nhập 200 triệu/vụ

Giữa cái nắng hanh vàng của tháng 9, cái nắng khiến cho những cánh đồng ruộng khô héo nứt nẻ, khiến cho gốc mạ vàng hoe xác xơ gió xé... chúng tôi tìm về bóng mát đầy hương thơm của làng bưởi diễn trên đất Ngọc Lương lúc này dường như là chốn dừng chân đầy lý thú. Về đây vào đúng thời điểm những trái bưởi trĩu cành, bắt đầu ngả màu vàng óng giữa vụ, được mục sở thị vườn quả xum xuê trải rộng khiến bất kể ai cũng có một cảm giác thích thú, tin tưởng về một sự thịnh vượng, no đủ đang về nơi đây...

Bên ấm trà ướp hương bưởi, ông Vũ Xuân Oanh tâm sự: ông mua giống bưởi Diễn về trồng tại vườn nhà từ năm 2000, từ đó mỗi năm ông trồng thêm vài chục gốc, đến nay gia đình đã có hơn 500 gốc bưởi, trong đó có hơn 200 gốc đã cho quả.

Nhớ lại quyết định trồng bưởi, ông Oanh không khỏi ngậm ngùi: đây là vùng thiếu nước, khí hậu tương đối khắc nghiệt, trồng cây rau màu không đủ chi phí, một vụ chỉ cho thu nhập vài triệu đồng, được anh em mách lối, tôi quyết định về Diễn mua giống, mỗi năm trồng một ít, kinh nghiệm cũng dần dần học, tự mình rút ra được, rất may là điều kiện thổ nhưỡng ở đây phù hợp với giống bưởi này.

Từ một vài người trồng bưởi, đến nay xã Ngọc Lương đã hình thành nên Tổ hợp tác với 87 thành viên, người trồng nhiều nhất 500 gốc bưởi, ít cũng có 100– 200 gốc. Trồng bưởi không yêu cầu cao về kỹ thuật, trồng 3 năm thì bắt đầu bói quả, chi phí chăm bón cũng không đòi hỏi nhiều. Trưởng phòng NN và PTNT huyện Yên Thủy Bùi Huyên cho biết, việc thành lập tổ hợp tác đã giúp cho các hộ dân hỗ trợ nhau về cây giống.

Trước đây, chúng tôi phải mua cây giống từ nơi khác với giá khoảng 50.000 đồng/cây nhưng hiện nay, hội viên đã sản xuất được cây giống tại chỗ với giá 20.000 đồng/cây. Ngoài ra, hội viên còn trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau nhiều về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi sao cho bảo đảm năng suất và chất lượng. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền xã, sự vào cuộc kịp thời của phòng nông nghiệp huyện đã nhân rộng đưa cây bưởi diễn vào quy hoạch, chuyển đổi giống cây trồng. Chỉ sau một thời gian ngắn xóm Đại Đồng nhân rộng được 20ha trồng bưởi.
Chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc cây bưởi, nên gia đình anh Lưu Hồ Lan ở xóm Trường Sơn, xã Ngọc Lương, hội viên của Tổ hợp tác, chỉ trồng 210 cây bưởi nhưng mỗi năm cũng thu về từ 160 - 180 triệu đồng. Anh cho biết, gia đình cũng được vay lãi suất ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam. Với mục tiêu mở rộng diện tích cây bưởi Diễn tại xã Ngọc Lương, UBND huyện đã hỗ trợ hệ thống nước tưới, bảo đảm đủ cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích bưởi đã trồng.

Qua thực tế cho thấy, nếu đầu tư theo đúng quy trình kỹ thuật, bình quân năm thứ 3 cho thu hoạch khoảng 10 quả/cây, 5.000 quả/ha; từ năm thứ 4 trở đi bình quân năng suất khoảng 50 quả/cây, 25.000 quả/ha. Đây là loại cây có hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật chăm sóc không phức tạp như trồng cam, rất phù hợp để cải tạo diện tích vườn tạp, diện tích trồng lúa 1 vụ khó khăn về nước tưới kém hiệu quả.

Ông Vũ Xuân Oanh cho biết, vườn bưởi của ông đến tháng 10 là đã có chủ, người ta mua cả vườn, to nhỏ, tính ra được khoảng 15.000 đồng/quả, trừ hết chi phí cũng để ra được một món. Nếu để giáp Tết bán theo quả thì được 28.000 – 30.000 đồng/ quả, nhưng ông thật thà, mình làm nông quen rồi, cầm đồng tiền trong tay trước cho nó yên tâm, bán bên ngoài tuy được cao hơn nhưng cũng vất vả, mình không quen với thị trường cũng không biết thế nào...

Cần hướng tới tính bền vững

Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển cây bưởi Diễn trên đất Yên Thủy, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Bùi Huyên trăn trở: là một huyện miền núi nghèo nên khi xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn, chính vì thế chính quyền các cấp đã tìm mọi hướng, huy động lồng ghép các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ và cũng thử nhiều giống cây trồng, từ những cây có thế mạnh của địa phương, đến những giống cây có giá trị trên thị trường.

Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với hình thành các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác giai đoạn 2015 - 2020 huyện Yên Thủy được xây dựng từ những ý tưởng, cũng như sự đúc kết từ thực tiễn của chính cán bộ khuyến nông và những người nông dân dám nghĩ dám làm. Cán bộ khuyến nông ban đầu phải cầm tay chỉ việc, thậm chí động viên bà con, cứ mạnh dạn trồng, giống Nhà nước hỗ trợ 100 %, phân bón 50 %, và cử cán bộ khuyến nông giúp.

Khi bà con mạnh dạn làm, thì thực tiễn có ngay câu trả lời, đúng/ sai, phù hợp hay không phù hợp, nhưng cũng không ít lần bị thất bại do không làm chủ được thị trường, khi người dân chưa ý thức được sự ràng buộc với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, khi doanh nghiệp bị tác động bởi những biến động khó lường của thị trường. Chính vì thế nhiều cách làm của cán bộ khuyến nông nơi đây cũng là một kinh nghiệm hay, chẳng hạn như không đào tạo khuyến nông, kỹ thuật đại trà nữa, chỉ chọn lọc người dân tiêu biểu, dám nghĩ dám làm, rồi chính những người đó hướng dẫn cho bà con. Không bài học nào bằng thực tế là kinh tế nhà bác khấm khá hơn sau vụ trồng mía, trồng bưởi, từ đó bà con chia sẻ với nhau kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách mặc cả với thương lái khi bị họ ép giá.

Như vậy, đã có đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đã có thực tế triển khai bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, để phát triển bền vững về lâu dài không chỉ là khoanh vùng sản xuất, không phát triển đại trà dẫn đến không làm chủ thị trường, mà huyện Yên Thủy cần hướng tới việc trồng bưởi theo tiêu chuẩn VGAP, và lâu dài hơn cần có chỉ dẫn địa lý, cũng như thương hiệu riêng của bưởi Ngọc Lương.

Nguyễn Minh