Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận: Phân bón của Cty Thuận Phong là hàng giả

Tuấn Việt 07/10/2015 00:31

Trước dấu hỏi lớn có hay không việc Công ty cổ phần sản xuất thương mại và dịch vụ Thuận Phong (gọi tắt là Cty Thuận Phong) sản xuất phân bón giả, là nguồn cơn của việc chưa thể xử lý dứt điểm của các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai trong thời gian rất dài vừa qua, mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kết luận rõ ràng: Phân bón của Cty Thuận Phong là hàng giả.

Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận: Phân bón của Cty Thuận Phong là hàng giả

Theo công văn số 3645/BKHCN-TĐC của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc xử lý vi phạm tại Cty Thuận Phong gửi Văn phòng Chính phủ, thì sau khi nhận được Công văn số 7118/VPCP-VT ngày 10/9/2015 về việc lấy ý kiến xử lý sai phạm tại Công ty Thuận Phong; Sau khi xem xét công văn số 82/BT-BCT ngày 1/9/2015 của Bộ Công thương; Báo cáo số 2111 số 6792/BC-CAT (PC46) ngày 4/9/2015 của công an tỉnh Đồng Nai; Hồ sơ kèm theo Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, là thành viên tham gia Đoàn công tác Ban 389 Quốc gia làm việc tại Đồng Nai, Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến như sau:

Về số phân bón do Công ty Thuận Phong nhập khẩu, chiểu theo quy định của pháp luật tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ và tại Thông tư số 09/2007/TT- BKHCN ngày 6/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ, thì hợp đồng phân phối độc quyền BIO HUMA NETICS – Thuận Phong, do Cty Thuận Phong cung cấp không có chữ ký của hai bên, do đó theo quy định của Luật Doanh nghiệp, hợp đồng này không có giá trị pháp lý tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc Cty Thuận Phong đóng chai dãn nhãn chính bằng tiếng Anh là nhãn gốc nhập khẩu tại Hoa Kỳ, dãn nhãn phụ bằng tiếng Việt là hành vi giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác, giả mạo nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa. Bên cạnh đó, tại Điểm đ, Điểm e, Khoản 8, Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ Quy định Xử phạt hành chính hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì hàng hóa của nhãn vi phạm như trên là hàng giả”.

Như vậy, hành vi sản xuất phân bón của Cty Thuận Phong là rõ ràng, mặc dù trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai xác định không đủ căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Khiếu Mạnh Tường- Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật của Cty Thuận Phong, về hành vi kinh doanh trái phép.

Cũng trước đó, tại thời điểm kiểm kê lượng hàng hoá có trong nhà máy, lực lượng kiểm tra đã phát hiện trong kho có 3.224 chai phân bón mang nhãn hàng hoá ghi xuất xứ “Made in USA” (sản xuất tại Mỹ), tương đương 4.045,39 kg, cùng 148 kg nhãn hàng hoá ghi xuất xứ “Made in USA” và 95,18 kg nhãn phụ các loại và 1.500 tem niêm phong nhãn hiệu Huma Gro.

Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận: Phân bón của Cty Thuận Phong là hàng giả - 1

Kết quả thống kê tại kho nhà máy cho thấy, cơ sở này đã làm giả hàng loạt sản phẩm phân bón nhập khẩu, cụ thể lực lượng kiểm tra đã thu giữ 800 chai mang nhãn hiệu BREAKOUT loại 1,3 kg/chai; 871 chai mang nhãn JACKPOT loại 1,3 kg/chai; 360 chai mang nhãn hiệu HONEY PROUND loại 1,03 kg/chai; 140 chai phân bón nhãn AGAVE PROMAX loại 1,07 kg/chai; 260 chai mang nhãn hiệu BORON loại 1,18 kg/chai; 60 chai ZAP loại 1,18 kg/chai… Ngoài số lượng phân bón giả mạo nhãn hiệu nêu trên, trong kho của Cty Thuận Phong còn chứa rất nhiều các mặt hàng phân bón các loại.

Kiểm tra sổ sách chứng từ, lực lượng chức năng phát hiện bên trong nhà máy đang chứa hơn 1.021 tấn thành phẩm phân bón cùng hơn 2.272 tấn nguyên liệu sản xuất phân bón cùng hơn 242 tấn hóa chất thương mại và hơn 13.504 lít phân bón dạng nước chưa đóng chai. Đồng thời, tại khu vực lò hơi đoàn kiểm tra phát hiện công nhân đốt lò đang đốt màng co mang nhãn hiệu Tico của Cty cổ phần Tico.

Kiểm tra sổ sách từ ngày 1/1/2014, Cty Thuận Phong đã sản xuất và bán ra thị trường trên 40.000 chai phân bón nhãn hiệu USA các loại, tương đương trên 23.000 lít phân bón dạng nước.

Xác minh tại cơ quan hải quan cho thấy, trong năm 2014, Cty Thuận Phong còn nhập khẩu số lượng trị giá hơn 17,5 tỷ đồng, hàng hóa chủ yếu là phân bón đã pha chế và chưa pha chế có xuất xứ từ Trung Quốc. Mặt hàng phân bón của Cty Thuận Phong có khoảng 50 mã hàng các loại, gồm phân bón NPK, phân bón vi lượng, phân bón nhập khẩu từ Mỹ….

Tuấn Việt