Lúng túng xử lý rác thải

Đoàn Xá 07/10/2015 05:12

TP Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu cả nước về lượng rác thải phát sinh hàng ngày với hơn 7.000 tấn, nhưng theo thống kê của các chuyên gia môi trường, 90% số rác thải ở thành phố  được  xử lý bằng cách chôn lấp. 

Lúng túng xử lý rác thải

Ảnh minh họa. Nguồn: nld.com.vn.

Đây là phương pháp xử lý thiếu an toàn và rất lạc hậu, ảnh hưởng nhiều đến môi trường, nhất là khi các bãi rác đều nằm liền kề với nguồn nước. Vì vậy, việc ứng dụng những công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, có tính bền vững, thân thiện với môi trường là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, việc xử lý rác không đúng quy trình không chỉ gây nguy hại cho môi trường hiện tại mà còn ảnh hưởng lớn về sau này. Khi rác thải được tập trung về một địa điểm nhưng tại chính địa điểm đó, quy trình xử lý rác lại không an toàn, chỉ chôn lấp sơ sài sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng lớn về môi trường sinh thái, và sau đó là sức khỏe của con người. Ở góc độ quản lý, xem ra vấn đề xử lý rác thải nhiều năm qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo anh Tiến, một nhân viên thu gom rác thải ở huyện Củ Chi thì hiện nay, phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt rắn vẫn chủ yếu là chôn lấp.

“Khi rác sinh hoạt được thu gom về, các công ty sẽ sử dụng các phương tiện đào hồ chôn lấp xuống đất, cách ly chúng với môi trường. Mặc dù có nhiều công nghệ xử lý rác tiên tiến nhưng giá cả đều vượt ngoài khả năng, lên đến nhiều tỷ đồng. Có một số phương pháp khác là biến rác thải thành vật liệu xây dựng, thành phân vi sinh, thành các hỗn hợp khác nhưng kinh phí đều rất cao, doanh nghiệp chưa áp dụng được”, anh Tiến cho biết thêm.

Ông Chu Vân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP HCM cho biết, nhiều năm qua, khi số lượng rác thải liên tục tăng nhưng phương pháp xử lý thì vẫn như cũ. Vì thế, rất dễ nhận ra nguy cơ quá tải ở các bãi rác bởi không cần đến tương lai mà hiện nay, hầu hết các bãi rác ở TP. HCM cũng đang chạm ngưỡng. Nhiều bãi rác còn đang bị người dân xung quanh phản ánh là gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Việc thay đổi công nghệ xử lý rác thải hiện nay là điều vô cùng cần thiết, nhưng áp dụng công nghệ nào lại là một vấn đề với các doanh nghiệp thu gom rác. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu có thể thì sử dụng phương pháp đốt rác thải bằng nhiệt độ cao là an toàn là bền vững nhất, cả đối với môi trường và sức khỏe của con người. Tuy nhiên, công nghệ để đầu tư một nhà máy đốt rác thải hiện nay có thể lên đến hàng triệu USD, nằm ngoài khả năng của nhiều doanh nghiệp thu gom rác.

Ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa (TP HCM) cho rằng, nếu các doanh nghiệp rác liên minh cùng nhau để đầu tư công nghệ thì có thể sẽ phát triển bền vững. Hiện nay công ty Tâm Sinh Nghĩa có 7 lò đốt rác với công suất 130 tấn/ngày nhưng vẫn quá nhỏ so với lượng rác thu gom được.

Ngoài ông Tiệc, nhiều doanh nghiệp xử lý rác thải cũng đồng tình với việc thay đổi phương pháp xử lý rác, đặc biệt là cần loại bỏ hình thức chôn lấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng cho rằng, cần có một lộ trình thích hợp để các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ xử lý rác mới.
Việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xử lý rác thải thì nhiệm vụ của cơ quan chức năng là giám sát, có những chế tài thích hợp để đảm bảo rác thải được xử lý theo đúng quy định, tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho hiện nay và cả tương lai.

Đoàn Xá