Phát triển giống cây lâm nghiệp và dược liệu trên địa bàn Quảng Nam

TẤN THÀNH 07/10/2015 17:17

Sáng ngày 7-10, tại Sở NN&PTNT Quảng Nam đã diễn ra Hội nghị chuyên đề về phát triển giống cây lâm nghiệp và dược liệu trên địa bàn Quảng Nam, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì.

Phát triển giống cây lâm nghiệp và dược liệu trên địa bàn Quảng Nam

Trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.

Quảng Nam hiện có gần 720.000ha đất lâm nghiệp, chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên. Diện tích rừng trồng tăng từ 37 ngàn ha năm 1997 lên hơn 140.000 ha năm 2014. Quảng Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, thiết lập được những khu rừng trồng nguyên liệu có năng suất, chất lượng cao, đưa tổng sản lượng gỗ rừng khai thác lên 1 triệu m3/năm. Về cây dược liệu, Quảng Nam có tới 832 loài, 593 chi và 190 họ thực vật dùng làm thuốc. Trong đó quý hiếm như: sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, quế, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, hoàng đắng...

Phát triển giống cây lâm nghiệp và dược liệu trên địa bàn Quảng Nam - 1

Tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng, tuy có nhiều lợi thế nhưng hiện nay các địa phương chưa căn cứ quy hoạch của tỉnh để triển khai lập quy hoạch cho địa phương mình, tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng vẫn xảy ra; chưa có cơ chế khuyến khích người dân tham gia trồng rừng bằng loại giống năng suất, chất lượng cao. Quảng Nam cần có kế hoạch xây dựng cơ chế khuyến khích để bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu quý.

Trước mắt từ nay đến năm 2020 tập trung quy hoạch bảo tồn và phát triển 5 loài cây: ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, đương quy tại các huyện miền núi với tổng diện tích 6.830ha; xây dựng được mô hình đầu tư, bảo tồn và phát triển cho từng loài cây từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm.

TẤN THÀNH