Giá dứa tăng cao kỷ lục
Hiện nay, sản lượng dứa (khóm) tại vùng đất phèn thuộc huyện Tân Phước (Tiền Giang) khan hiếm, trong khi nhu cầu thị trường tăng cao nên giá dứa đang ở mức cao kỷ lục.
Nông dân phấn khởi vì dứa thu hoạch được giá.
Ông Nguyễn Văn Vạn, nông dân trồng dứa ở xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước cho biết, hiện nay giá dứa được các thương lái đẩy lên cao tới mức 8.700 – 9.000 đồng/kg, đây là mức cao nhất trong vòng 10 năm nay. Dứa cũng không bị các thương lái phân làm nhiều loại, nhiều giá thời điểm dứa rẻ mà chỉ có những trái bị dị tật hay sâu bệnh thì mới bị loại. Chính vì vậy, mấy ngày nay thương lái từ các nơi vào tận vườn nài nỉ chủ vườn bán dứa nếu thấy vườn dứa nào còn trái chưa thu hoạch.
Theo ông Vạn, nguyên nhân khiến giá dứa tăng cao chưa từng có như hiện nay là do nhiều vườn dứa xử lý khóm trái mùa không mang lại hiệu quả cao, nhiều diện tích dứa già cỗi phải trồng lại nên năng suất dứa chưa cao khiến cho sản lượng dứa cung cấp cho thị trường giảm mạnh. Trong khi đó sức tiêu thụ dứa trên thị trường đang tăng do nhu cầu tiêu dùng trong nước và dứa nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu tăng.
Nhiều nông dân trồng dứa có kinh nghiệm cho biết, với giá dứa thời điểm này và năng suất dứa bình quân khoảng 15 - 20 tấn/ha, sau khi trừ chi phí chăm sóc, phân bón…, nông dân có dứa thu hoạch có thể lãi 100 - 130 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, không có nhiều nông dân được hưởng lợi từ giá dứa cao thời điểm này do phần lớn các vườn dứa cho lưa thưa trái, sản lượng dứa thấp. Dự báo trong thời gian tới giá khóm còn có thể tiếp tục tăng do nguồn cung dứa chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Do hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, từ lâu cây dứa Tân Phước đã được tỉnh xác định là cây ăn trái chính để phát triển kinh tế và đã được tỉnh đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý, nhờ vậy diện tích trồng dứa ở địa phương này gia tăng theo từng năm. Theo Phòng NN và PTNT huyện Tân Phước, hiện nay tổng diện tích trồng dứa của huyện đạt trên 14.500 ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Hưng Thạnh, Thạnh Tân, Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông, Tân Lập 1, Tân Lập 2 và Phước Lập.
Hiện nay, huyện Tân Phước đã xây dựng được 1 mô hình nhóm nông dân sản xuất khóm của HTX Quyết Thắng đạt chứng nhận VietGAP lần 1 năm 2009 với quy mô 30 ha và đạt chứng nhận VietGAP lần 2 vào năm 2013 với quy mô 37 ha của HTX Quyết thắng. Đây là điều kiện để xây dựng thương hiệu dứa Tân Phước, giúp xây dứa ở địa phương này phát triển hiệu quả và bền vững.