Điện ảnh tự cứu mình

Nguyễn Thịnh 07/10/2015 23:35

Nhiều năm nay, người hâm mộ lẫn giới làm nghề đều cám cảnh trước việc điện ảnh Việt lép vế với phim ngoại khi ra rạp. Trong khi những bộ phim nội không bán nổi vé để thu hồi vốn thì các phim ngoại đều hút khách và thu lời lớn. 

Cảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Việc phim Việt Nam không cạnh tranh nổi với phim ngoại ngay trên sân nhà thì có nhiều lý do, nhưng tựu trung lại là do nội dung phim kém hấp dẫn khán giả. Phim Việt ngoài yếu tố thiếu công nghệ hiện đại phụ trợ như các phim “bom tấn” của nước ngoài, thì việc nội dung phim vẫn loay hoay với hài chọc cười cùng những khuôn mặt hài quá quen thuộc mà không có những kịch bản hay và mới lạ, thiếu đầu tư về bối cảnh cho phim… đã khiến khán giả quay lưng.

Mới đây, công chúng lẫn giới làm nghề sửng sốt với chuyện lỗ thảm hại về doanh thu lẫn sự đánh mất uy tín chuyên môn của bộ phim hài nhảm “Hy sinh đời trai”. Đáng nói hơn, đó là phim điện ảnh của một đạo diễn điện ảnh tên tuổi là Lưu Huỳnh, cha đẻ của những phim điện ảnh đình đám như “Áo lụa Hà Đông”, “Lấy chồng người ta”…

Để rồi, Lưu Huỳnh phải cay đắng thốt lên là do làm theo ý nhà sản xuất nên không làm theo ý mình được khiến phim dở và tuyên bố sẽ quay lại với phong cách làm phim của mình.

Câu chuyện của bộ phim “Hy sinh đời trai” chỉ là sự hé lộ kiểu giọt nước tràn ly của một sự thật trong kiểu làm phim hiện tại của chúng ta là lối làm phim thương mại hóa lấn át nghệ thuật, kiểu làm ăn xổi ở thì, không chịu đầu tư nhiều về kinh phí lẫn chuyên môn khiến phim điện ảnh rơi vào nhàm chán và nghèo nàn, đơn điệu.

Cũng mới đây, bộ phim điện ảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Victor Vũ thu hút và chinh phục được khán giả lẫn giới chuyên môn vì cái đẹp, xúc cảm trong phim và cách làm phim chỉn chu, kỹ lưỡng. Sự thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cho thấy rằng Việt Nam không thiếu, nếu không muốn nói là thừa tiềm năng để cho ra đời những bộ phim hay, từ bối cảnh đẹp cho đến nội dung câu chuyện hấp dẫn. Vấn đề còn lại là cách làm phim như thế nào để khai thác, phát huy được tiềm năng đó.

Từ bộ phim này, dường như chúng ta đã tìm ra câu trả lời đó là phải làm phim đa dạng, cẩn trọng, chuyên nghiệp với niềm đam mê sáng tạo không mệt mỏi thì mới có những bộ phim hay, lay động khán giả.

Lâu nay, nhiều nhà làm phim vì lý do lợi nhuận đã chỉ “thâm canh” trên thể loại phim hài, phim giải trí mà bỏ quên đi phim nghệ thuật với ngôn ngữ điện ảnh chuẩn mực. Do vậy, sự thành công của Victor Vũ như là sự đánh thức cho giới làm phim và đó cũng là một phương cách để điện ảnh chúng ta trỗi dậy và phát triển.

Đó là thay cho những cảnh hài và màn thoại lố lăng, hãy làm phim điện ảnh với ngôn ngữ điện ảnh chuẩn mực giàu hình ảnh đẹp và nhân văn. Chỉ có những bộ phim hay, phim có nội dung mới lạ và đa dạng thể loại mới giúp chúng ta cạnh tranh với phim ngoại.

Tuy nhiên, để một nền điện ảnh trỗi dậy và phát triển, cần nhiều yếu tố, trong đó có sự hậu thuẫn từ Nhà nước với những chính sách thiết thực. Nhưng bấy lâu nay, dường như việc làm phim phó thác cho tư nhân, từ khâu sản xuất đến quảng bá, phát hành nên nảy sinh mặt trái của cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó là cung cách làm ăn manh mún, thiếu chiến lược của tư nhân nên khó cạnh tranh với phim nước ngoài vốn được đầu tư nhiều và có nền công nghệ hiện đại cùng kinh nghiệm sản xuất, phát hành chuyên nghiệp. Do vậy, với việc ra đời của Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam với 50 thành viên hiện tại từ các nhà phát hành tư nhân Việt Nam và các nhà phát hành địa phương với mục đích tiêu chí hoạt động nhằm chống lại sự thôn tính từ các doanh nghiệp phát hành phim “cá mập” của nước ngoài, là một phương thức tự vệ, tự cứu mình.

Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch của Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam, thì trên thị trường chiếm lĩnh thị phần là hai nhà phát hành Hàn Quốc: CGV (27 cụm rạp) và Lotte Cinema (18 cụm rạp). Bên cạnh đó là hệ thống Platinium (từ Indonesia, Ấn Độ với 5 cụm rạp); khối tư nhân có Galaxy (5 cụm rạp), BHD (4 cụm rạp)...

Bà Bích Hạnh hy vọng Hiệp hội này có thể tập hợp được tiếng nói và sức mạnh của những người phát hành phim Việt với tinh thần dân tộc để có thể đoàn kết, phối hợp bảo vệ điện ảnh Việt Nam khỏi sự thâu tóm hoàn toàn của các tập đoàn nước ngoài… và đó là cách để cùng góp tiếng nói của người làm phim Việt trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển nền điện ảnh dân tộc.

Bà Bích Hạnh cũng tỏ ra lo ngại về việc cạnh tranh không lành mạnh của tập đoàn làm phim nước ngoài, chuyện làm sao để phát hành phim ở nông thôn, làm sao có thể có những luật lệ phù hợp với các hiệp định quốc tế nhưng vẫn có những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ được việc phát hành và phổ biến phim Việt .

Từ đó cho thấy rằng, đã đến lúc, những nhà làm phim Việt Nam phải tự cứu mình, không thể trông chờ vào ai khác.

Nguyễn Thịnh