Kết nối bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
Tại Hà Nội, trong 2 ngày 6, 7/10, Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á- Thái Bình Dương (ICHCAP) đã phối hợp tổ chức Hội nghị tiểu vùng Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể khu vực Đông Nam Á lần thứ 2 - 2015.
Hát Xoan.
Tại hội thảo những vấn đề “nóng” được các đại biểu đến từ 8 quốc gia gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Philippines quan tâm đó là việc nhận diện về thực trạng quản lý những nghệ nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể; lập kế hoạch hành động để phát triển hệ thống nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể; thiết lập mạng lưới hoạt động bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể giữa các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Kwon Huh – Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ICHCAP), điều đáng mừng là Chính phủ các nước đã tích cực thực hiện và đưa ra những sáng kiến về phương pháp bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, dự án chiến lược liên kết với du lịch và phát triển xã hội cũng đang được thực hiện ở rất nhiều quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng còn vô số những thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Trong đó, một trong những lý do được nhiều đại biểu cũng tỏ ra lo ngại chính là sự hăng hái bảo vệ. Theo bà Katherine Muller – Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam: “Nhiều lúc tôi rất lấy làm ngạc nhiên vì có những người chỉ đứng yên mà không tạo nên bất kỳ thay đổi nào, và vì thế chúng ta cứ giữ nguyên văn hóa như nó vốn có. Thật không may, chúng ta không thể đặt văn hóa trong chiếc lồng kính mà giữ nó mãi trong đó được. Các thế hệ trẻ chắc hẳn không hài lòng với việc chỉ lặp đi lặp lại truyền thống văn hóa theo cách mà cha ông họ đã thực hành.
Cũng theo đại diện của UNESCO tại Việt Nam thì trong trường hợp này, bảo vệ không giống với bảo tồn ở chỗ nó không biến di sản văn hóa phi vật thể thành một thứ gì đó bất biến hay đóng băng theo thời gian. Đặc biệt, việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể chính là việc chuyển giao kiến thức, kỹ năng và ý nghĩa.
Trước đó, kể từ năm 2012, UNESCO và các quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhận định thông tin giữa người, nhóm người nắm giữ di sản văn hoá phi vật thể đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể. Đặc biệt, ICHCAP đã thực hiện một số dự án đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống và thông tin nhằm phát triển hình ảnh của di sản văn hoá phi vật thể.
Qua dự án đã liên kết với trên 100 tổ chức khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thuộc nhiều lĩnh vực liên quan đến quản lý thông tin. Cũng tại Hội nghị tiểu vùng khu vực Đông Nam Á lần thứ nhất về Bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể năm 2012, 11 quốc gia Đông Nam Á cùng tham dự và chia sẻ về thực trạng và những thách thức ở mỗi quốc gia và đã đạt được đồng thuận đẩy mạnh hợp tác bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể.
Nhưng từ sau hội nghị lần thứ nhất đến nay dường như những bất cập vẫn đang hiện hiện và khó tìm ra phương án khắc phục. Chẳng hạn những mục tiêu hướng đến, nhiều quốc gia chưa đạt được, trong đó có Việt Nam.
Bao gồm: Di sản văn hóa phi vật thể mang lại thu nhập và tạo ra việc làm bền vững cho nhiều người; Di sản văn hóa phi vật thể trở thành yếu tố căn bản để duy trì bền vững sinh kế cho các nhóm người và cộng đồng sở tại; Di sản văn hóa phi vật thể, với vị thế là di sản sống, có thể là một nguồn sáng tạo quan trọng cho sự phát triển. Các cộng đồng và nhóm người không ngừng sáng tạo trước sự thay đổi; Di sản văn hóa phi vật thể là một tài nguyên chiến lược để thúc đẩy sự phát triển chuyển mình ở cả cấp độ địa phương lẫn toàn cầu…
Do đó, tại hội thảo lần này, tham luận của các chuyên gia di sản khu vực nhấn mạnh, trong thời gian tới bản thân các quốc gia cần có các chiến lược phát triển nhắm tới việc nâng cao hiểu biết văn hóa. Đặc biệt là nâng cao vấn đề hiểu biết về di sản văn hóa, trang bị cho giới trẻ các kỹ năng để sinh sống trong xã hội đa văn hóa.