Đưa người nghiện đi cai bắt buộc: Thiếu hướng dẫn, vướng cơ chế
Thủ tục rườm rà, thiếu văn bản hướng dẫn và không sát với thực tế khiến cho số đối tượng nghiện được đưa vào trung tâm cai nghiện rất ít. Đây là thực tế sau hơn một năm triển khai Nghị định 221 của Chính phủ về việc đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm.
Thủ tục rườm rà khiến việc cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Hồng Kiều).
Trung tâm vắng bóng học viên
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.” Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, nhiều trung tâm ở các địa phương đều rơi vào tình trạng vắng bóng học viên dù cho số lượng đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý tương đối lớn.
Là tuyến cơ sở cai nghiện cao nhất của tỉnh Thái Nguyên, thế nhưng 60 cán bộ đang hằng ngày phải đến Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động - Xã hội Thái Nguyên chỉ để quản lý 20 người nghiện, tức bằng 1/25 sức chứa của Trung tâm. Hầu hết các phòng ở đây đều bỏ trống và đóng cửa. Và đến cuối năm nay, rất có thể Trung tâm sẽ không còn học viên nào.
Theo ông Lê Đức Hùng - Giám đốc Trung tâm chữa bệnh-giáo dục -lao động - Xã hội Thái Nguyên, năm 2014 là năm Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, việc đưa người vào cai nghiện tự nguyện tăng lên, nhưng cai nghiện bắt buộc có chiều hướng giảm đi vì thực hiện theo quy định mới. Cụ thể, tính đến tháng 5-2015, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 5.600 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên 6 Trung tâm của tỉnh mới chỉ tiếp nhận 215 học viên cai nghiện.
Tương tự tại Bắc Ninh, với số tiền đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm Giáo dục dạy nghề, hướng thiện tỉnh Bắc Ninh, thế nhưng từ đầu năm đến nay, Trung tâm mới chỉ tiếp nhận được 13 học viên.
“Với công suất Trung tâm xây dựng là khoảng 600 học viên với 5 tòa nhà nhưng hiện chỉ có dùng được 1 tòa nhà, với 90 học viên…4/5 dãy nhà ở đây hiện đang trong tình trạng xuống cấp vì không có người ở” - ông Nguyễn Bá Chanh – Trưởng phòng tổ chức hành chính Trung tâm Giáo dục dạy nghề, hướng thiện tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Được biết, hiện cả nước có 123 trung tâm cai nghiện bắt buộc với biên chế hơn 7 nghìn cán bộ, lưu lượng tiếp nhận cai nghiện khoảng 60 nghìn người/năm với cơ sở vật chất hàng ngàn ha. Tuy nhiên, phần nhiều trong số này đang lãng phí cả về cơ sở vật chất và nhân lực vì thiếu vắng học viên cai nghiện, thậm chí có 14 trung tâm hiện không có người nghiện. Trong khi đó, thống kê năm 2015, tổng số người nghiện là 204 nghìn người, tăng gấp 3 lần sau 20 năm.
Khó hơn khởi tố vụ án hình sự
Nguyên nhân của thực trạng trên, theo các địa phương, do thẩm quyền đưa người đi cai nghiện bắt buộc thuộc UBND cấp huyện nhưng theo Nghị định 221 thì nay được quy định bởi luật và quyết định của tòa án cấp huyện với mục đích là bảo đảm quyền công dân, quyền con người và đồng bộ với Hiến pháp năm 2013. Song, khi áp dụng vào thực tế, Nghị định 221 có nhiều quy định không phù hợp thực tế như: Thời gian, quy trình lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện vào trung tâm quá dài (từ 37 ngày, trước đây 15 ngày).
Khi hoàn tất quy trình lập hồ sơ người nghiện đã bỏ trốn, khó triệu tập về cho tòa tuyên án; việc giao trách nhiệm cho gia đình quản lý người nghiện có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không hiệu quả; những đối tượng đã chấp hành việc cai nghiện, nhưng tái nghiện mà chưa qua biện pháp giáo dục tại phường, xã thì không thuộc đối tượng bị lập hồ sơ, trong khi đối tượng cai nghiện có hồ sơ quản lý có số lượng tương đối lớn...
Thực tế có không ít lãnh đạo các trung tâm cho rằng, quy định chung chung này khiến việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc trở nên khó khăn.
“Để lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện phải qua cơ quan y tế xét nghiệm, xác định dương tính với ma túy. Sau đó chuyển cho công an lập hồ sơ, chuyển sang Phòng Tư pháp thẩm định rồi đến Phòng LĐTB&XH và cuối cùng phải chờ phán quyết của Toà án. Thủ tục rườm rà song lại thiếu văn bản hướng dẫn nên bản thân các cơ quan thực hiện cũng không đồng nhất” – đại diện Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động-Xã hội Thái Nguyên cho biết.