Quản lý hóa chất và trách nhiệm của doanh nghiệp

Quốc Định 09/10/2015 09:53

Liệu nhà sản xuất và thậm chí nhà bán lẻ có kiểm soát được việc quản lý hóa chất trong chính chuỗi cung ứng của họ, nhằm bảo đảm độ chính xác của những thông tin hóa chất được đưa ra không?

Quản lý hóa chất và trách nhiệm của doanh nghiệp

Quản lý hóa chất trong chuỗi cung ứng sản phẩm vẫn là
thách thức với doanh nghiệp. Ảnh:
TL.

“Hiện nay, mọi người đều đang ngày càng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn tới mức độ an toàn hóa chất của các sản phẩm họ mua; họ có một công cụ rất hữu hiệu giúp việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn đó là Internet. Do đó, các nhà sản xuất cũng nắm bắt được xu hướng này và đã nỗ lực cung cấp thông tin về hóa chất tới khách hàng. Tuy nhiên, liệu nhà sản xuất và thậm chí nhà bán lẻ có kiểm soát được việc quản lý hóa chất trong chính chuỗi cung ứng của họ, nhằm bảo đảm độ chính xác của những thông tin hóa chất được đưa ra không?”. Đó là chia sẻ và câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp (TNXHDN) lần thứ 31, chủ đề “Làm thế nào để đảm bảo việc quản lý hóa chất trong chuỗi cung ứng” mới diễn ra tại TP HCM”.

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Phan Chung - Phó giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (SDforB), VCCI cho hay, trong quá trình phát triển và hướng tới mục tiêu bền vững trước đây, người ta thường nói nhiều tới vai trò của Chính phủ, người dân, các tổ chức nghiên cứu khoa học và tổ chức phi chính phủ…mà ít đề cập đến vai trò của doanh nghiệp.

Hiện nay, khi mà nhân loại đang khai thác 140 tỷ tấn tài nguyên nếu tiêu dùng ở các nước phát triển, 60% hệ sinh thái bị hủy hoại hoặc không được sử dụng bền vững, sẽ làm nhiệt độ trái đất tăng thêm 3 độ C hoặc hơn thế nữa vào cuối thế kỷ, do phát thải khí nhà kính tăng gấp đôi vào năm 2050, thì vai trò của doanh nghiệp càng trở lên rõ ràng- Bà Chung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, kinh doanh theo cách thông thường không phải là một lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Kinh doanh ngày nay phải đáp ứng các xu hướng bền vững. Chúng ta cần có sự thay đổi cơ bản trong vấn đề sản xuất, tiêu thụ, thương mại hàng hóa. Và hơn hết, mô hình kinh doanh mới phải thích hợp với thách thức và rủi ro của các vấn đề môi trường và xã hội vào chiến lược sản xuất. Đây không chỉ là vấn đề trách nhiệm mà còn là cơ hội kinh doanh tiềm năng.

Quốc Định