Cảnh giác 'bẫy' sang Nhật làm hộ lý
Theo một cán bộ Cục Quản lý lao động ngoài nước, việc đưa thực tập sinh nghề trợ lý hộ lý, điều dưỡng vào Nhật Bản 3 năm là không có. Người dân cần cảnh giác trước thông tin tuyển chọn đưa điều dưỡng hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh.
Học tập kỹ năng để chuẩn bị xuất khẩu lao động.
Ngày 8/10, trao đổi với báo chí, ông Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Nhật Bản – châu Âu và Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH) khẳng định: Hiện nghề trợ lý hộ lý, điều dưỡng không có tên trong hệ thống 71 ngành nghề và 130 loại hình công việc được Nhật Bản cho phép tiếp nhận dưới hình thức thực tập sinh kỹ năng thời gian 3 đến 5 năm. Vì vậy, việc đưa thực tập sinh nghề này vào Nhật Bản 3 năm là không có. Do đó mọi người cần cảnh giác trước thông tin tuyển chọn đưa điều dưỡng hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh.
PV: Tuy số lượng còn khiêm tốn nhưng việc đưa điều dưỡng sang làm việc tại Nhật Bản được xem là bước đột phá lớn để VN hướng tới XKLĐ. Xin ông cho biết kết quả sau gần 3 năm triển khai?
Ông Vũ Trường Giang: Được triển khai từ năm 2012, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (Cơ chế tiếp nhận điều dưỡng viên và hộ lý đủ tiêu chuẩn của Việt Nam sang Nhật Bản làm việc) Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) đã phối hợp với phía Nhật Bản tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 3 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số 510 ứng viên, trong đó khóa 1 có 150 người, khóa 2 có 180 người và khóa 3 là 180 người. Hiện đã có 290 ứng viên khóa 1 và khóa 2 đang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản.
Theo thông tin đánh giá từ phía tổ chức Phúc lợi xã hội quốc tế JICWELS (đơn vị đầu mối thuộc Bộ Y tế Phúc lợi xã hội Nhật Bản tham gia triển khai tiếp nhận) và qua khảo sát thực tế của các đoàn công tác tại các cơ sở tiếp nhận, ứng viên điều dưỡng hộ lý của ta được đào tạo và trang bị kiến thức tốt nên đã hòa nhập rất nhanh với cuộc sống và môi trường làm việc tại Nhật Bản. Đặc biệt là ưu thế về ngoại hình và phong tục tập quán gần gũi với người Nhật cũng như thái độ làm việc thân thiện, cởi mở của ứng viên đã được phía cơ sở tiếp nhận đánh giá rất cao.
Về thu nhập, các ứng viên của ta đều có thu nhập tốt và được các cơ sở tạo điều kiện để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt và làm việc lâu dài.
Được biết, mới đây Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã thông báo về chỉ tiêu tuyển chọn và đào tạo khóa 4 đưa điều dưỡng sang làm việc tại Nhật Bản. Ông có thể nói rõ hơn về chỉ tiêu cũng như quy trình tuyển chọn?
Đúng vậy. Vừa qua, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã thông báo với Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ tiêu tuyển chọn và đào tạo khóa 4 -2015 là 210 người. Theo đó, Cục sẽ phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, tổ chức đào tạo tiếng Nhật ARC Academy tổ chức tuyển chọn. Dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 11-2015. Ứng viên trúng tuyển sẽ tham gia khóa đào tạo 12 tháng tại Việt Nam, thời gian khai giảng vào khoảng giữa tháng 12-2015.
Về quy trình tuyển chọn vẫn giống như các khóa khác để tham gia ứng tuyển đối với hộ lý là phải có trình độ cao đẳng trở lên; đối với điều dưỡng viên là có 2 năm kinh nghiệm làm việc (gồm cả 9 tháng tập sự) và có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp. Những lao động đã có chứng chỉ năng lực tiếng Nhật N3 sẽ được giới thiệu cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng, hộ lý để làm việc.
Những người được lựa chọn sẽ sang Nhật Bản vừa học vừa làm việc với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng và tối đa 4 năm đối với những ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần). Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp chứng chỉ quốc gia Nhật Bản và được phép ở lại làm dài hạn với tư cách là điều dưỡng viên và hộ lý chính thức.
Thời gian gần đây có nhiều tổ chức “tung” thông tin có giấy phép tuyển chọn đưa điều dưỡng hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh trợ lý điều dưỡng, hộ lý. Thông tin này có chính xác không thưa ông?
Liên quan tới vấn đề này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và được phía bạn cho biết, hiện nghề trợ lý hộ lý, điều dưỡng không có tên trong hệ thống 71 ngành nghề và 130 loại hình công việc được Nhật Bản cho phép tiếp nhận dưới hình thức thực tập sinh kỹ năng thời gian 3 đến 5 năm. Vì vậy, việc đưa thực tập sinh nghề này vào Nhật Bản 3 năm là không thể.
Đối với khả năng tiếp nhận dưới 1 năm, mặc dù luật của Nhật Bản không có quy định cấm nhưng cho tới thời điểm hiện nay chưa có thực tập sinh nước ngoài nghề trợ lý hộ lý, điều dưỡng được tiếp nhận vào Nhật Bản. Như vậy, mặc dù phía Nhật Bản có nhu cầu tiếp cận nhân lực nước ngoài ngành điều dưỡng, hộ lý nhưng đây là một ngành đặc thù, có liên quan tới sức khỏe con người nên việc xem xét hồ sơ xin tiếp nhận không dễ dàng.
Trân trọng cảm ơn ông!