Nữ nhà văn Belarus giành Giải Nobel Văn học 2015
Nữ nhà báo kiêm nhà văn 67 tuổi người Belarus Svetlana Alexievich, tác giả của cuốn “Voices From Chernobyl”, đã giành Giải thưởng Nobel Văn học năm nay cùng sự vinh danh từ Hội đồng trao giải vì các tác phẩm của bà là “một tượng đài của lòng quả cảm và nỗi thống khổ của thời đại”.
Nữ nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich đã giành Giải Nobel Văn học 2015.
Svetlana Alexievich sinh ngày 31/5/1948 ở thị trấn Ivano-Frankivsk, Ukraine. Người cha mang quốc tịch Belarus của bà đã trở về nước sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, và làm nghề giáo viên. Sau khi tốt nghiệp Khoa báo chí Trường ĐH Minsk trong khoảng 1967-1972, Alexiavich làm song song 2 công việc là giáo viên và nhà báo.
Do quan điểm đặc biệt, sau khi tốt nghiệp bà đã tới làm việc cho một tờ báo địa phương ở Brest, gần biên giới với Ba Lan. Sau này Alexiavich trở về Minsk và bắt đầu làm cho tờ Sel’ Skaja Gazeta.
Trong nhiều năm liền, bà đã thu thập nhiều tư liệu cho cuốn sách đầu tiên của mình có tên “War’s Unwomanly Face” (Gương mặt không hợp với phụ nữ của chiến tranh), dựa trên các cuộc phỏng vấn với hàng trăm người phụ nữ từng tham gia Thế chiến II.
Chính tác phẩm đầu tay này đã tạo sự khởi đầu cho một loạt cuốn sách nổi tiếng của bà về sau này, như “Voices of Utopia” (Tiếng nói về những điều không tưởng) hay “Voices from Chernobyl” (Tiếng nói từ Chernobyl). Bằng cách tiếp cận hết sức khác biệt – luôn thể hiện tiếng nói của con người – Alexievich đã đào sâu vào mô tả sự chuyển mình của một kỷ nguyên một cách chân thực.
Bà đã thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn các nhân chứng từng sống sót qua Thế chiến II, nhân chứng chứng kiến quá trình sụp đổ của Liên Xô cũng như thảm họa hạt nhân ở Chernobyl. Giới độc giả từng nhiều lần ca ngợi bà bởi những tác phẩm mang tính tư liệu hình thành từ chất liệu có được trong các cuộc phỏng vấn ấy.
Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển quyết định chọn Aleksijevitj cho Giải Nobel Văn học 2015 vì “lối diễn đạt phức điệu”. Theo họ, bà là một tấm gương về “nỗi thống khổ và sự quả cảm trong thời đại ngày nay”.
Trước đó, bà Alexiavich từng là cái tên dẫn đầu trong danh sách những ứng viên nặng ký cho Giải Nobel Văn học, trong đó có cả nhà văn Nhật Bản Murakami. Là người từng chứng kiến những xung đột chiến sự ở Đông Âu sau khi Liên Xô sụp đổ, Svetlana Alexievich được coi là thước phim tư liệu sống với những tác phẩm gây chấn động.
Nhiều người cho rằng sự nghiệp văn học và lối viết của Alexievich chịu ảnh hưởng nhiều từ nhà văn Sofia Fedorchenko (1888-1959), người từng viết nhiều tác phẩm về trải nghiệm của những người lính từng tham gia Thế chiến I, và nhà văn người Belarus Ales Adamovich (1927-1994).
Bằng việc đoạt Giải thưởng Nobel Văn học năm nay, bà Svetlana Alexievich trở thành người phụ nữ thứ 14 giành giải thưởng này kể từ khi nó được vinh danh đầu tiên năm 1901. Người phụ nữ giành giải trước đó - nhà văn người Canada Alice Munro - đã giành giải vào năm 2013.