Đường đi cho hạt gạo

Thanh Giang 10/10/2015 07:43

Trong cuộc trao đổi với báo Đại Đoàn Kết tại thời điểm vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), GS Võ Tòng Xuân  dự báo, gạo Việt sẽ phải đối diện với viễn cảnh “màu xám”. Nếu không có sự thay đổi đáng kể cùng những bước đi phù hợp thì ngành lúa gạo sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ. 

Lượng gạo dồi dào nhưng chất lượng chưa cao. (Ảnh: TL)

Loay hoay xây dựng thương hiệu

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau 30 năm đổi mới, một trong những thành tựu lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là sự phát triển vượt bậc của ngành lúa gạo. Lúa gạo góp sức lớn trong xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất…

Kết quả đáng biểu dương đối với ngành lúa gạo, đã có thời điểm ngành này mon men dành vị trí “ứng cử viên số 1 của thế giới”. Vậy mà vài năm trở lại đây, gạo Việt bị tụt hạng. Không chỉ hạn chế về chất lượng gạo xuất khẩu, sản lượng vào thị trường cũng giảm đáng kể.

Đặc biệt, trong năm 2015 cùng với sự đi xuống của nhiều mặt hàng nông sản gạo Việt giảm sụt về giá trị lẫn sản lượng xuất khẩu. Nguyên nhân của tình trạng này được giới chuyên gia trong ngành lý giải, do Thái Lan có đẩy ra thị trường một lượng lớn hàng tồn kho vì 2 năm trước Chính phủ Thái Lan thực hiện kế hoạch mua gạo giá cao hỗ trợ nông dân. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng gia tăng tính cạnh tranh khi không ngừng chứng kiến sự góp mặt của một số quốc gia nổi lên về xuất khẩu gạo.

Thực tế cho thấy, hai nguyên nhân trên hoàn toàn không đáng ngại vì thương trường không tránh khỏi cạnh tranh gay gắt. Song nguyên nhân chủ quan cố hữu dài hạn là mấy chục năm nay gạo Việt Nam chưa chú trọng nâng tầm chất lượng và đang bị thương lái xáo trộn thành một mớ bòng bong. Kết quả, gạo Việt không bao giờ tiếp cận được “ngôi vị quán quân” mặc dù nguồn nguyên liệu rất lớn.

Điển hình, gạo 50404 của Việt Nam được các nước nhập khẩu nhận định là một loại gạo ngon nhưng nghịch lý ở chỗ, nông dân không có giống thuần chủng. Trong khi mấy chục năm nay gạo Việt cứ loay hoay xây dựng thương hiệu thì gạo Campuchia, Myanmar… “dậy sóng” trên thị trường các nước khó tính như: Mỹ, EU với thương hiệu gạo thơm. Campuchia, Myanmar biết làm thương hiệu từ khâu chọn giống, vùng nguyên liệu cho đến trang thiết bị chế biến hiện đại tạo ra những sản phẩm ngon, sạch, giá cả hợp lý.

Bằng chứng, các nước nêu trên triển khai sản xuất bằng từ giống dài ngày, năng suất thấp (khoảng 2,5 - 3 tấn/ha), còn ta chỉ muốn trồng giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng sao cũng được.

Gạo Việt Nam rất dồi dào nhưng chất lượng thấp, cho nên không thể điều tiết thị trường, thậm chí còn rơi vào tình trạng ế ẩm trong hoạt động xuất khẩu. Nhược điểm trên thể hiện rõ khi gần đây Indonesia, Thái Lan, Philippines… bị hạn hán nặng ảnh hưởng lớn đến sản lượng thu hoạch.

Lúc này gạo Việt Nam mới có cơ hội trúng thầu bán gạo cho Indonesia 1 triệu tấn, trước đó Việt Nam cũng trúng thầu bán 450.000 tấn gạo cho Philippines. Rõ ràng, thiếu sự chỉnh chu về chất lượng cao vì thế gạo Việt rơi vào thế bị động theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”.

Ngành lúa gạo Việt Nam luôn trong tình trạng
bị động trước diễn biến của thị trường. Ảnh: Quốc Định.

Khó tránh tình trạng ế ẩm

Nhìn vào thực trạng của hạt gạo, GS Võ Tòng Xuân bày tỏ quan ngại : Gạo Việt có thể “sống khỏe” được hay không khi kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng? “Nhìn vào đường đi của gạo Việt thấy toàn màu xám. Sắp tới, gạo Việt khó chiếm lĩnh thị trường thế giới, bởi vì ngay tại sân nhà mặt hàng này cũng đứng trước nguy cơ bị “vô hiệu hóa” trước các đối thủ sừng sỏ khác”, GS Xuân nhận định.

Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) sẽ thành lập cuối năm 2015 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2016, đảm bảo gạo Thái Lan, Campuchia, Indonesia … sẽ ồ ạt chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Gạo Việt lúc đó khó đỡ và không tránh được tình trạng ế ẩm.

Cùng với AEC, dự báo hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng không có lợi gì cho gạo Việt. Chắc chắn thời điểm cả hai hiệp định cùng chính thức có hiệu lực thì áp lực lên hạt gạo sẽ tăng lên gấp đôi, nếu như Việt Nam không có kế sách thay đổi ngay từ bây giờ. Vấn đề đặt ra hiện nay, nhất thiết phải tiến hành cuộc “cách mạng” đổi mới phương thức sản xuất theo “kiểu lão nông tri điền”.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần xác định một vài giống lúa theo chuẩn quốc gia rồi công bố tiêu chuẩn. Từ đó mới tính đến chuyện sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng VietGap, GlobalGap… Song song với giải pháp chọn giống, nhà nước phải thiết xây dựng vùng nguyên liệu gắn nông dân với doanh nghiệp, nông dân với hợp tác xã (có ứng dụng khoa học công nghệ cao), hợp tác xã với doanh nghiệp. Tất cả sự liên kết này đều mục đích tạo ra mắt xích chắc chắn nhằm hạn chế tối đa tránh tình trạng mạnh ai nấy làm.

Nếu áp dụng đúng quy trình sản xuất hiện đại có gắn kết thì giá thành sản xuất 1kg gạo chỉ ở mức 1.600 – 1.800 đồng/kg, thay vì 3.500 đồng đến 4.000 đồng/kg như hiện nay. Ngoài ra, phải đào tạo cho nông dân, doanh nghiệp về kiến thức về AEC, TPP để nông dân biết rõ quy ước từ các hiệp định thương mại.

Theo GS Võ Tòng Xuân, nếu như Việt Nam không có sự thay đổi về mô hình sản xuất - chế biến thì nên để doanh nghiệp nước ngoài xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Chỉ khi nào doanh nghiệp FDI vào làm thương hiệu cho hạt gạo, lúc đó doanh nghiệp và nhà nước mới tỉnh giấc để đầu tư cho sản xuất.

Lý giải về hiệu quả làm thương hiệu cho hạt gạo từ doanh nghiệp nước ngoài, GS. Xuân cho hay, năm 1993 đã có công ty Mỹ mạnh dạn hợp tác với Vinafood 2 cải tiến nhà máy xay xát gạo ở Trà Nóc (Cần Thơ) theo hướng hiện đại. Năm 1994, công ty này đã đóng thành những bao 5kg, 10kg… đối với gạo IR64 để xuất đi nước ngoài. Sản phẩm gạo IR64 với bao bì A. R. I (gạo Mỹ) được chào bán giá 350 USD/tạ, còn doanh nghiệp Việt Nam chỉ bán được giá 185.000 – 200.000/tạ.

Nguyên nhân dẫn đến thành công của công ty Mỹ xuất phát từ việc họ mua lúa ướt giá cao, sau đó đem về Trà Nóc sấy và xay xát theo đúng chuẩn cho ra 66 - 68% hạt gạo nguyên. Còn gạo do chính tay doanh nghiệp Việt làm thì chỉ cho ra 50% hạt gạo nguyên.

Thanh Giang