Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội: Những điều mới mẻ
Sáng nay (10/10), Hội Nhà văn Hà Nội chính thức trao giải của Hội năm 2015. Thông tin về giải thưởng đã được nhiều người biết cách đó ít ngày, nhưng cả với người trong cuộc lẫn những người yêu văn chương nghệ thuật, việc xét giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội đang ngày càng có nhiều sự mới mẻ.
Bìa tiểu thuyết 'Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương.
Trước hết, nhìn trong danh sách 6 tác phẩm, công trình đoạt giải, có tới 5/6 danh mục đạt số phiếu tuyệt đối của 9 thành viên hội đồng. Điều ấy đã chứng tỏ sự thống nhất cao, đồng thuận trong việc đánh giá về chất lượng các tác phẩm.
Được biết, ban đầu ở lĩnh vực Văn xuôi, “Mình và họ” (Nguyễn Bình Phương) và “Phố vẫn gió” (Lê Minh Hà) là 2 tác phẩm được đánh giá cao. Nhưng sau đó “Mình và họ” đã đạt số phiếu tuyệt đối.
Ra mắt năm 2014, tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới phía Bắc của nhà văn Nguyễn Bình Phương ngay lập tức được chú ý trên văn đàn. Có người bảo đây là cuốn tiểu thuyết không dễ đọc, nhưng quả thực, “Mình và họ” là cuốn sách bán chạy thời gian qua.
“Mình và họ” viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (1979). Lồng ghép trong đó là những câu chuyện về số phận con người, là thái độ sống của thế hệ hôm nay. Cuốn tiểu thuyết giúp bạn đọc có một cuộc phiêu lưu về vùng biên ải, đồng thời cũng là hành trình tìm về quá khứ bi hùng vừa là cách thức để con người định vị lại mình trong cuộc sống hiện tại. Giống như cách tự đặt câu hỏi ngỏ: Mình là ai? Mình và họ có gì giống và khác nhau?...
Xuyên suốt tác phẩm, chiến tranh và hiện tại, quá khứ và hòa bình, thực và ảo... đan xen nhau. Tất nhiên, tiểu thuyết cũng chỉ là một lát cắt về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, viết về một giai đoạn của cuộc chiến, lấy chất liệu từ những thương binh và tù binh của ta bị địch bắt giữ.
Tác giả bắt tay viết từ năm 2007 cho đến năm 2010 mới hoàn thiện. Khi nhà văn Nguyễn Bình Phương cho ra mắt cuốn sách ấy, dư luận băn khoăn rằng đã có những cách hiểu chệch đi, rồi có những quan điểm bảo đó là sự “cào bằng lịch sử”. Thế nên ông cũng đã có những cảnh báo về hiện tượng có một vài cá nhân đã cố tình cắt xén, trích dẫn méo mó những đối thoại trong đó. Song bản lĩnh của người lính cầm bút đã cho tác giả một niềm tin rằng: rất ít người lại có thể hiểu lầm về những điều ấy.
Năm nay, Giải thưởng tác giả trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội được trao cho tập thơ “Những người vũ công memphis”- tác giả Đào Quốc Minh. Đây cũng là tác phẩm chưa nhận được số phiếu tán thành tuyệt đối (chỉ đạt 8/9 phiếu) của Hội đồng xét giải. Ở Hội nghị viết văn trẻ lần 2 vừa rồi, cái tên Đào Quốc Minh được nhắc tới như là một “hiện tượng lạ”. Đào Quốc Minh sinh năm 1986, tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế. Ngoại đạo với văn chương, nhưng đến nay tác giả này trẻ đã cho ra mắt 5 tập thơ, với gần 1.000 trang.
Điều đáng nói, từ mùa giải 2014, Hội đồng xét giải đã mạnh dạn chấp nhận tư duy của người trẻ. Khi ấy nhà văn- nhà phê bình Đoàn Ánh Dương (SN 1984) đã nói lời cảm ơn Hội Nhà văn Hà Nội đã trao giải thưởng này. Cuốn “Không gian văn học đương đại” của Đoàn Ánh Dương (ở hạng mục Phê bình lý luận văn học) lên án chủ nghĩa gia trưởng của Việt Nam, thể hiện những góc nhìn mới với văn học đương thời.
Dương bảo năm qua, có những tác phẩm phê bình văn học lớn hơn tác phẩm của mình như cuốn “Thơ như là mỹ học của cái khác” của Đỗ Lai Thúy, hay cuốn “Nhà văn như Thị Nở” của Phạm Xuân Nguyên. Nhưng Hội đã chọn trao giải cho tác phẩm của Dương tức là thể hiện sự chấp nhận những góc nhìn mới, những quan điểm mới và những cái mới của văn học tương lai. Theo Đoàn Ánh Dương thì đây không phải giải thưởng cho cá nhân anh, mà là sự tôn vinh cả một thế hệ những nhà phê bình trẻ hôm nay.
Vì vậy, nếu Hội đồng xét giải đánh giá rằng ở mùa giải năm 2015 có nhiều tác phẩm mới mẻ trong tư duy và nghệ thuật, thì bạn đọc cũng đồng tình cho rằng việc xét giải của Hội Nhà văn Hà Nội đã và đang thực sự có một sự đột phá, mới mẻ trong cách nhìn nhận, đánh giá về tác phẩm văn chương và đóng góp của văn chương vào cuộc sống hôm nay.