Chứng minh loạn luân để... phá thai!?
Dự thảo Luật Dân số được xây dựng để thay thế Pháp lệnh Dân số đang được cơ quan soạn thảo đưa ra lấy ý kiến xã hội. Trong đó đề xuất cho phép phá thai theo nguyện vọng nếu tuổi thai dưới 12 tuần, trừ trường hợp phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe phụ nữ. Riêng những trường hợp thai trên 12 tuần tuổi thì người muốn phá thai phải chứng minh được sản phẩm đó là do loạn luân, hay bị hiếp dâm.
Ảnh minh họa.
Ở đây có những vấn đề đặt ra cần phải xem xét kỹ, nếu không khi dự thảo luật được thông qua sẽ trở thành “bất khả thi” trong thực tế. Nếu như quy định dưới 12 tuần tuổi được phá theo nguyện vọng không thể đảm bảo chuyện người phá thai không nhằm mục đích lựa chọn giới tính.
Bởi lẽ, nếu như trước đây sau 12 tuần tuổi mới có thể xác định được giới tính thai nhi bằng siêu âm. Thì hiện nay với sự tiến bộ vượt bậc của y học, có thể xác định được giới tính thai nhi chưa đủ 12 tuần tuổi bằng nhiều phương pháp khác, xét nghiệm khác như chọc nước ối, nhau thai...
Và đương nhiên khi đã xác định được giới tính của thai nhi lúc chưa đủ 12 tuần tuổi, chiếu theo quy định của dự thảo luật, người mang thai có quyền phá theo nguyện vọng. Và cũng chẳng có ai dại gì khi đi phá thai lại khai rằng tôi muốn bỏ vì nó là con gái (hoặc con trai) mà tôi thì đang cần điều ngược lại.
Theo cơ quan soạn thảo luật thì làm thế nào để xác định đúng, không bị lạm dụng chuyện phá thai là trách nhiệm của cơ sở phá thai và cơ quan quản lý. Điều này xem ra cũng không khả thi bởi cơ sở phá thai khó có thể “đọc” được ý nghĩ trong đầu của người phá thai, nếu họ không khai thật mục đích của mình.
Trở lại câu chuyện thai trên 12 tuần tuổi vẫn được phép phá nếu chứng minh được là loạn luân hay bị hiếp dâm. Dư luận cho rằng, người đi phá thai sẽ khó mở lời, hoặc “trưng” ra chứng cứ chứng minh do loạn luân hay bị hiếp dâm, bởi đây là vấn đề hết sức nhạy cảm. Chính cơ quan soạn thảo khi đưa ra quy định trên cũng nghi ngại những người không may dính vào các trường hợp này không muốn khai mà muốn giấu.Ví dụ loạn luân giữa cha và con gái, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể... thì không ai muốn đưa ra vì xấu hổ.
Bên cạnh đó, việc chứng minh cũng không hề dễ dàng, thậm chí khi chứng minh được đó là loạn luân hay bị hiếp dâm thì thai đã quá to không thể phá. Chẳng hạn, một phụ nữ muốn phá thai lúc nó 13 tuần tuổi, song phải chờ các cơ quan chứng năng xác minh đó có phải là loạn luân hay bị hiếp dâm không thì khi xác minh xong có thể thai đã 16, 17 tuần tuổi, thậm chí to hơn nữa dẫn đến không thể phá được.
Dư luận cho rằng, quy định này khó có thể đi vào cuộc sống. Đó là còn chưa kể đến việc cơ quan nào chịu trách nhiệm giám định, kết luận việc này cũng chưa được đề cập tới trong dự thảo luật, mà phải chờ văn bản hướng dẫn dưới luật.
Theo thống kê, số ca nạo phá thai của nước ta đã giảm mạnh kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Nếu như năm 1992 số những ca nạo phá thai lên đến 1,33 triệu, thì năm 2014 chỉ còn hơn 0,3 triệu (giảm tới 77%). Điều đó chứng tỏ không cần phải có những quy định “cứng” như dự thảo luật, vẫn có thể giảm số ca nạo phá thai.