Nhóm Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia giành Giải Nobel Hòa bình 2015
Ngày 9/10, Ủy ban Giải Nobel Na Uy đã quyết định trao Giải thưởng Nobel Hòa bình 2015 cho nhóm Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia vì những đóng góp mang tính quyết định của họ trong việc xây dựng nền dân chủ ở Tunisia trong bối cảnh sau “Cách mạng Hoa nhài” hồi năm 2011.
Các thành viên của Bộ Tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia. (Nguồn: AFP).
Nhóm Bộ tứ được hình thành từ mùa hè năm 2013, khi tiến trình dân chủ hóa đang trên bờ vực sụp đổ bởi hàng loạt các vụ ám sát mang mục đích chính trị và bất ổn xã hội.
Thời điểm đó, nhóm này đã thiết lập một tiến trình hòa bình mới trong bối cảnh Tunisia đang đứng trên bờ vực một cuộc nội chiến. Nhờ đó mà Tunisia mới có thể bắt đầu thành lập một hệ thống chính quyền đảm bảo được quyền cơ bản cho người dân, bình đẳng giới, bình đẳng tôn giáo…
Nhóm Bộ tứ Đối thoại Quốc gia bao gồm 4 tổ chức xã hội chủ chốt ở Tunisia: Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia (UGTT), Liên hiệp các ngành Công nghiệp, Thương mại và Thủ công Tunisia (UTICA), Liên minh Nhân quyền Tunisia (LTDH) và Hội Luật sư Tunisia.
Các tổ chức này đại diện cho các lĩnh vực và giá trị khác nhau trong xã hội Tunisia gồm: Điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội, các nguyên tắc của luật pháp và nhân quyền. Dựa trên điều căn bản đó, nhóm Bộ tứ đã đóng vai trò như một nhà trung gian hòa giải và hướng mọi nguồn lực tới quá trình dân chủ hóa ở Tunisia. Bởi vậy, Giải Nobel Hòa bình 2015 được trao cho nhóm Bộ tứ, chứ không chỉ riêng từng tổ chức riêng biệt.
Phong trào “Mùa xuân Ả rập” bắt nguồn từ Tunisia trong khoảng 2010-2011, sau đó nhanh chóng lan rộng đến nhiều quốc gia ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Ở nhiều quốc gia, tiến trình dân chủ và các quyền căn bản của con người đã bị chững lại và thậm chí là có bước thoái lui. Tuy nhiên, Tunisia lại được chứng kiến một tiến trình chuyển đổi dân chủ dựa trên sự tôn trọng nhân quyền.
Một nhân tố quan trọng đóng góp quá trình cải cách hòa bình ở Tunisia, các cuộc bầu cử dân chủ hồi mùa thu năm ngoái ở nước này chính là nỗ lực của nhóm Bộ Tứ. Nhóm này cũng dọn đường cho các cuộc đối thoại hòa bình giữa người dân, các đảng phái chính trị và chính quyền Tunisia; đồng thời giúp tìm ra các giải pháp dựa trên sự đồng thuận của các bên đối với hàng loạt các vấn đề tôn giáo, chính trị đầy thách thức. Chính những nỗ lực này đã góp phần giảm tình trạng bạo lực lan rộng khắp nước.
Những sự kiện diễn ra ở Tunisia kể từ sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ben Ali hồi tháng 1-2011 được cho là hết sức đặc biệt. Đầu tiên, nó cho thấy rằng người Hồi giáo và các phong trào chính trị hoàn toàn có thể bỏ qua khác biệt để chung tay đạt được kết quả tốt đẹp vì lợi ích quốc gia. Tunisia cũng là một tấm gương, cho thấy giá trị thực sự của đối thoại trong bối cảnh xung đột. Thứ hai, quá trình chuyển tiếp ở Tunisia đã cho thấy vai trò quan trọng của các thể chế và tổ chức xã hội đối với nền dân chủ của một quốc gia.
Hiện nay, Tunisia vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức về chính trị, kinh tế và an ninh. Hội đồng Nobel Na Uy hy vọng rằng sự vinh danh đối với họ năm nay sẽ đóng góp phần nào cho việc đảm bảo nền dân chủ ở nước này, và khơi dậy nguồn cảm hứng cho tất cả những người đang thúc đẩy hòa bình và dân chủ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và phần còn lại của thế giới. Và trên tất cả, Giải Nobel Hòa bình 2015 là một sự cổ vũ đối với toàn thể người dân Tunisia, những người dù đối mặt với nhiều thách thức vẫn luôn nỗ lực vì sự đoàn kết dân tộc.
Trước đó, đã có nhiều lời đồn đoán về người chiến thắng ở Giải Nobel Hòa bình lần thứ 88, trong đó các ứng cử viên hàng đầu gồm có Thủ tướng Đức Algela Merkel, Giáo hoàng Francis và cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden.