Quà biếu
Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thì việc nộp lại quà tặng là một vấn đề lớn. Đây không chỉ ngăn chặn tham nhũng, ngăn chặn lòng tham, mà còn thể hiện sự tu dưỡng, làm trong sạch bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, lành mạnh hóa xã hội. Việc tặng quà, nhận quà đều đã được luật pháp quy định. Tuy nhiên, lâu nay việc thực hiện thật không dễ dàng. Người dân, doanh nghiệp đã rất khổ sở vì những món quà, chiếc phong bì “bôi trơn”.
Sơ kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) 9 tháng đầu năm 2015, Thanh tra Chính phủ từng nhận định tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, các biểu hiện chạy chọt, lót tay, nhũng nhiễu vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên, con số có đến 11/19 bộ ngành, địa phương đã báo cáo là tham nhũng ít hoặc không nghiêm trọng và chỉ có 22 người nộp lại quà biếu với số tiền 89 triệu đồng làm người ta băn khoăn.
Còn nhớ, trước đó, tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN (2006-2011) cơ quan chức năng cũng đã thông báo chỉ có 451 cán bộ, công chức đã nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức với tổng giá trị gần 1,8 tỷ đồng.
Luật PCTN đã dành Điều 40 quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị không được sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước làm quà tặng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình; Nghiêm cấm lợi dụng việc tặng quà, nhận quà tặng để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi; Chính phủ quy định chi tiết việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức”.
Còn theo Quyết định 64/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng, nhận quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức quy định: Cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp và nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng. Trường hợp báo cáo và nộp lại quà tặng chậm so với thời hạn nêu trên thì người nhận quà tặng phải giải trình rõ lý do.
Báo cáo phải thể hiện bằng văn bản với nội dung: Loại và giá trị của quà tặng, thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng, tên chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; Cơ quan, đơn vị phải lập báo cáo về việc thu, nộp, xử lý quà tặng theo định kỳ hàng quý, hàng năm gửi cơ quan cấp trên trực tiếp và công khai trong cơ quan, đơn vị mình.
Pháp luật đã quy định như vậy. Phải chăng vấn đề thực hiện pháp luật, tuân theo pháp luật PCTN đã khá tốt để rồi, 5 năm chỉ có 451 cán bộ công chức nộp lại quà tặng với số tiền trị giá gần 1,8 tỉ đồng; hay 9 tháng đầu năm 2015, chỉ có 22 người nộp lại quà tặng với trị giá 89 triệu đồng? Ngay như dịp Tết 2015, như báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy các cơ quan bộ, ngang bộ, các tỉnh thành và tập đoàn kinh tế nhà nước... không phát hiện ra trường hợp nào tặng quà, nhận quà trái quy định. Tuy nhiên, như nhiều người băn khoăn, việc nộp lại quà tặng là quá ít, không đánh giá đúng thực trạng của vấn đề này.
Như để minh chứng cho vấn đề trên, theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh về công tác PCTN 9 tháng đầu năm 2015, Bệnh viện huyện Bình Chánh đã nộp lại số tiền 433 triệu đồng quà tặng. Đây cũng lại là quà tặng thật. Đó đều là những khoản hoa hồng, quà tặng từ các công ty cung cấp máy móc, trang thiết bị, thuốc men cho bệnh viện, hoặc từ các bệnh nhân được công khai.
Tuy nhiên, đây lại cũng chỉ là đơn vị duy nhất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nộp lại tiền quà tặng. Một bệnh viện huyện như Bình Chánh còn như thế, còn biết bao bệnh viện tuyến huyện, tuyến Trung ương, các cơ quan, cá nhân từ trung ương đến địa phương trong cả nước? Nếu tất cả các cơ quan, cá nhân đều nộp lại quà tặng, công khai như vậy thì số lượng sẽ lớn đến mức nào, hiệu quả của công tác PCTN, lành mạnh xã hội đạt được sẽ vô cùng to lớn.
Và rồi, như báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, việc tặng quà, nhận quà tặng vẫn còn ngấm ngầm diễn ra, khó phát hiện...Đây cũng là một thực trạng không chỉ ở TP Hồ Chí Minh. Với con số ít người nộp lại quà tặng như Thanh tra công bố, hay không phát hiện người nhận quà trái quy định làm ai cũng thấy băn khoăn, nghi ngờ. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhận định những con số này không phản ánh đúng thực trạng.
Ông thẳng thắn nêu rõ: “Tình trạng lợi dụng các dịp lễ, Tết, những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc để biếu xén vẫn diễn ra phổ biến. Hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân và doanh nghiệp chưa giảm”. Và trên thực tế, như con số các cuộc khảo sát cho thấy, tình trạng phong bì bôi trơn của các doanh nghiệp, người dân vẫn là chuyện thường ngày, thậm chí người ta coi đây như là một thứ luật bất thành văn, chuyện đương nhiên.
Phong bì bôi trơn, phong bì quà biếu, quà tặng quá mức, trái quy định đều là những hình thức hối lộ và nhận hối lộ. Người dân, các doanh nghiệp đều mong muốn chấm dứt tình trạng này. Ngay cả không ít các “quan”, nhiều công chức, viên chức đều mong chấm dứt tình trạng này. Vấn đề phải làm mạnh, làm chặt, làm công bằng. Không thể chỉ có đơn vị, cá nhân này nộp, nhưng đơn vị, cá nhân khác không nộp. Đơn vị, cá nhân không nộp mà không bị xử lý thì pháp luật bị khinh nhờn, đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến đơn vị cá nhân thực hiện nghiêm.
Phải coi đơn vị thực hiện nghiêm như Bệnh viện huyện Bình Chánh, 22 cá nhân trong 9 tháng đầu năm 2015, hay 451 cá nhân trong 5 năm 2006-2011 là những tập thể, cá nhân điển hình. Không thể để việc làm của họ như hòn sỏi rơi tõm xuống ao bèo, thậm chí còn bị coi là “dở hơi”.
Chuyện từng có vị lãnh đạo Hà Nội nộp lại tiền quà tặng, quà biếu trong một dịp Tết, nhưng tiếc thay, những nghĩa cử, hành động này chỉ như giọt nước rơi, không được tiếp tục hóa thành một trận mưa, những trận mưa để tưới đẫm mảnh đất khô cằn vì lòng tham. Phải chăng, ngay chính pháp luật cũng còn quy định quá cứng nhắc, nặng hành chính, nhiêu khê để rồi chính những người trong cuộc khó thực hiện?
Không nhận quà tặng, nộp lại quà tặng, nói không với phong bì để làm trong sạch hóa chính mỗi cá nhân, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, lành mạnh hóa xã hội... Đến bao giờ?