Đẩy mạnh mô hình tư vấn tâm lý trong trường học
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Tình trạng nói tục, chửi thề; Thiếu tôn trọng thầy cô giáo, người lớn tuổi, vấn nạn bạo hành học đường diễn biến phức tạp...
Ảnh minh họa.
Sáng 9/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Xây dựng mô hình tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định vai trò của mô hình tâm lý trong nhà trường là rất quan trọng. Với lứa tuổi phổ thông đang hình thành nhân cách và phát triển, nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa tâm lí kịp thời thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc như chán học, bỏ học, bạo lực học đường, tệ nạn XH…
Một bộ phận học sinh có lối sống chưa lành mạnh
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, hiện nay vẫn còn một bộ phận học sinh (HS) chưa có ý thức rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức và xây dựng lối sống lành mạnh, có những hành vi bạo lực, vị kỉ, thái độ thờ ơ trước nỗi đau của người khác; Tình trạng nói tục, chửi thề; Thiếu tôn trọng thầy cô giáo, người lớn tuổi, vấn nạn bạo hành học đường diễn biến phức tạp, tỷ lệ thanh niên, thiếu niên vi phạm pháp luật, phạm tội nghiêm trọng đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ về độ tuổi.
Về nguyên nhân gây ra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng có tác động của mặt trái cơ chế thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành nhân cách và đạo đức, lối sống HS. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương và các đoàn thể trong giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng còn thiếu chặt chẽ và thường xuyên.
Đặc biệt lứa tuổi HS phổ thông là lứa tuổi mà nhân cách các em đang trong quá trình hình thành và phát triển, tâm lí chưa ổn định, có thể phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua. Các vấn đề tâm lý, các khó khăn trong cuộc sống như căng thẳng trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, gia đình, sự lúng túng trong định hướng nghề nghiệp… Nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa tâm lí kịp thời thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc (chán học, bỏ học, bạo lực học đường, tệ nạn XH…).
Về vấn đề vấn này, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hải Phòng góp ý: Chúng ta phải thống nhất nhận thức rằng mô hình tư vấn tâm lý trong nhà trường có quan trọng không, có cần thiết không, có phải làm không. Chúng tôi thấy rằng rất cần. Nếu chúng ta làm tốt sẽ có lối sống tốt phong cách tốt, giảm được tệ nạn xã hội, an sinh, đẩy mạnh hội nhập..
Về nhân lực, có những vấn đề cần chuyên sâu, mỗi trường nên thành lập một Ban tư vấn học đường, nếu chưa có Ban tư vấn riêng biệt nên ưu tiên cho các môn như Giáo dục công dân, Sinh học, Địa lý kiêm nhiệm. Với nhóm này có rất nhiều nội dung cần truyền tải cho HS. Có những cái đĩa về vấn đề an toàn giao thông, sinh sản vị thành niên, tổ chức các chuyên đề, giải quyết tình huống trực tiếp... cho HS sẽ rất tốt. Hi vọng có nhân lực biên chế riêng thì hơi khó.
Hiệu suất làm việc của thầy cô hiện nay là chưa hết công suất nên mặt nhân lực chúng ta có thể tính đến kiêm nhiệm. Tất nhiên phải là các thầy cô giáo từng trải hiểu biết, có những thầy cô có chuyên môn hướng dẫn, hoặc tham quan các mô hình tư vấn tâm lý...
Ông Nguyễn Tài Dũng - Phó trưởng phòng Công tác HSSV, Sở GD&ĐT TP HCM cũng chia sẻ: Bộ GD&ĐT cần sớm có nghiên cứu để ban hành các văn bản qui phạm pháp luật về các chế độ, chính sách cho giáo viên tư vấn, cũng như hướng dẫn hoạt động tư vấn trường học trong tất cả các cấp học. Hiện nay dựa trên tình hình thực tế, TP.HCM đã có 152 giáo viên tư vấn chuyên trách trong các đơn vị giáo dục, 907 giáo viên tư vấn kiêm nhiệm…
Cần có sự phối hợp tốt
Tại Trường THCS Lý Phong (TP HCM), Ban giám hiệu đã có những biện pháp để thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho HS. Bà Trần Thị Kim Ngân - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong khẳng định, muốn HS có sự phát triển tốt cần có sự chung sức của tất cả các đoàn thể, chứ không chỉ từ một phía đơn lẻ:
Trường tôi nằm ở địa bàn phức tạp, cho nên tác động đến HS nhiều về công tác giáo dục đạo đức. HS của nhà trường đa số là con 1 cho nên phụ huynh rất chiều con, đụng tới là có chuyện, đứng về phía nhà trường là rất khó khăn trong việc giáo dục HS. Hơn nữa nhà trường tự chủ tài chính, đầu vào có dưới chuẩn. Ngay từ đầu vào đã có vấn đề về học bạ, đạo đức… Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Chúng tôi nhờ chuyên gia tư vấn tâm lý hỗ trợ độc lập tác động đến gia đình, giáo viên, HS, các thành phần khác trong trường. Ngay cả bảo vệ, lao công chúng tôi cũng nhờ chuyên gia tâm lý đến nói chuyện... để tất cả ban ngành đoàn thể trong trường cùng nhau giáo dục các em.
“Ngay từ khi HS vào lớp 6, chúng tôi đưa ra một số quy định về nội quy ứng xử giữa phụ huynh với nhà trường, với giáo viên. Chúng tôi làm việc với phụ huynh từ đầu năm về việc chăm lo con em mình như thế nào. Với đặc trưng của 13 bộ môn các em phải tiếp xúc với đặc trưng của 13 bộ môn khác nhau, 13 thầy cô, 13 tâm sinh lý khác nhau nên cách tiếp xúc cũng khác với cấp 1 khi giáo viên chỉ cầm tay chỉ việc. Cấp 1 các em nắn nót từng chữ nhưng cấp 2 các em phải viết nhanh, cần sử dụng các giác quan để tập trung nên gặp nhiều khó khăn. Có em học tiểu học viết rất đẹp nhưng lên cấp hai viết xấu hơn, phụ huynh đã rất hụt hẫng than phiền đã đến gặp nhà trường, nhà trường đã phải phân tích cho các phụ huynh hiểu.
Ngay từ đầu Ban giám hiệu cũng sinh hoạt với giáo viên rằng, những tuần đầu các cô dạy chậm lại, không lấy điểm các em của những tuần đầu để các em làm quen với bộ môn cấp 2. Chúng tôi cũng yêu cầu phụ huynh ở nhà kiểm tra con em mình, chúng ta có quan tâm chăm sóc các con mới gặt hái được lực lượng tốt sau này phục vụ cho xã hội” – bà Ngân chia sẻ.
Cũng khẳng định tầm quan trọng của sự phối hợp trong sự hình thành và phát triển nhân cách trẻ, PGS.TS Nguyễn Dục Quang - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết: Chúng tôi cũng đã nghiên cứu về mô hình gia đình phối hợp với nhà trường với tổ chức xã hội. Đây vẫn là vấn đề mang tính thời sự. Là nội dung quan trọng trong công tác quản lý của của các cấp quản lý giáo dục HS mà nhà trường giữ vai trò chủ đạo.
Gia đình là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là môi trường đầu tiên hình thành phẩm chất các phẩm chất đạo đức cho con người, là nơi trao truyền tình yêu thương con người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình, nhà trường cần coi trọng những ảnh hưởng của xã hội. Bởi trên thực tế cho thấy, gia đình – nhà trường – xã hội luôn là cấu trúc cố kết có tác động rất lớn tới sự hình thành nhân cách HS. Từ đó các em nhận thức được điều nên làm, điều không nên làm…