Lao động Việt Nam ở Algeria dần quay lại làm việc

N.Q. 11/10/2015 08:15

Theo tin mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện  trong số 55 công nhân do Công ty SIMCO Sông Đà đưa đi làm việc tại Algeria đã có 15 công nhân quay trở lại làm việc.

Lao động Việt Nam ở Algeria dần quay lại làm việc

Nguồn: TTXVN.

Thông tin về vụ việc lao động Việt Nam ở Algeria bị đánh tuần qua đang được dư luận quan tâm.

Theo tin mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện trong số 55 công nhân do Công ty SIMCO Sông Đà đưa đi làm việc tại Algeria đã có 15 công nhân quay trở lại làm việc. Riêng 2 người bị đánh đang làm thủ tục về nước.

Những lao động còn lại nếu muốn về nước doanh nghiệp cũng sẽ làm thủ tục để đưa về. Khi thanh lý hợp đồng công ty sẽ xác định cụ thể lỗi từ phía nào để tính toán chi phí.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ông Đỗ Văn Hải- Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động số 3 (SIMCO Sông Đà) đã trực tiếp sang Algeria và gửi báo cáo tình hình về Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Ông Hải đã tới công ty TNHH Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) gặp 2 nạn nhân bị đánh là anh Đậu Hoàng Anh và anh Đào Ngọc Cường. Sức khỏe cả hai người đang hồi phục. Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Hải đã đề nghị đưa hai lao động đi khám sức khỏe và làm thủ tục đưa họ về nước.

Về nguyên nhân 2 lao động này bị đánh, theo ông Phạm Viết Hương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, là do phát sinh từ việc không thỏa thuận được cách tính lương làm việc giữa chủ sử dụng lao động và công nhân.

Hiện việc thỏa thuận này đang được đại diện Công ty SIMCO Sông Đà đàm phán với chủ sử dụng lao động nhằm giải quyết sớm nhất những vướng mắc, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho người lao động, không để xảy ra tình trạng như vừa qua.

Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam đã có buổi làm việc với các bên để giải quyết vụ việc này. Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện Công ty SIMCO Sông Đà, chủ sử dụng lao động là Công ty TNHH Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) cùng 2 lao động bị đánh Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường.

Tại buổi làm việc, Đại sứ quán Việt Nam yêu cầu chủ sử dụng lao động cam kết không được đánh đập, đảm bảo an toàn và tính mạng cho các công nhân. Các bên đã bàn phương án đưa lao động sang làm việc tại các công trường khác, đàm phán lại định mức phù hợp có thể chấp nhận được.

Đại sứ quán Việt Nam cũng gửi Công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Algeria đề nghị can thiệp, yêu cầu Công ty TNHH Đông Nhất Giang Tô chấm dứt ngay hành động bạo lực với lao động Việt Nam.

N.Q.