Một tiếng nói chân thành, sắc sảo

Dạ Yến 11/10/2015 08:15

* Để xứng đáng là người Mặt trận như nhân dân mong mỏi là không đơn giản“Phải dùng người tốt vào việc tốt. Đây là cái gốc của mọi công việc, thành công hay thất bại ở vùng dân tộc, đều do cán bộ và đảng viên- người đại diện cho dân tộc họ tốt hay kém”, ông Lù Văn Que nhấn mạnh.

Một tiếng nói  chân thành, sắc sảo

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Lù Văn Que.

Trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể cũ nằm trên phố Vạn Bảo, Hà Nội có một ông già người dân tộc Thái, dù đã bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn âm thầm cống hiến sức lực cho công tác dân tộc, công tác Mặt trận. 75 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi nghề, đồng bào dân tộc và người Mặt trận không ai lạ gì ông.

Tiếng nói phản biện chân thành, sắc sảo của ông luôn để lại ấn tượng với không chỉ người trong cuộc, với cánh phóng viên báo chí mà cả với dư luận nhân dân.

Ông là Lù Văn Que- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, hiện là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

“Tôi là người dân tộc”

Ở tuổi 75, tiếng nói phản biện của ông Lù Văn Que vẫn chân thành sắc sảo, như tuổi già và sự khốc liệt của thời gian chưa từng chạm đến ông. Hàng ngày, trên con phố yên tĩnh Vạn Bảo, Hà Nội, người ta vẫn thường thấy một ông già tóc bạc đi về, lúc đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lúc lại ngược xuôi về các tỉnh miền núi, tất cả vì công tác dân tộc, đồng bào dân tộc. Đó là tâm nguyện cũng là công việc quan trọng nhất của cuộc đời ông.

Mỗi lần gặp ông Lù Văn Que chúng tôi luôn cảm thấy ấm lòng vì sự chân chất, hiền lành của một người dân tộc. Dù ở đâu, gặp ai, trong bất cứ diễn đàn nào, bao giờ ông cũng mở đầu bằng một câu nói giản dị: Tôi là người dân tộc, các bác ạ!

Từ Quỳnh Nhai, Sơn La về Hà Nội sống mấy chục năm rồi nhưng ông vẫn giữ cái nếp của người dân tộc Thái. Phòng khách của nhà ông, một căn phòng nhỏ giản dị như bao gia đình công nhân viên chức bình thường từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Ngoài ban công, ông vẫn nuôi mấy con gà trống, mấy con chim, sáng sáng chiều chiều để “chúng gáy cho thỏa nỗi nhớ rừng nhớ núi”. Bây giờ nhà chật chội, cậu con trai ra ở riêng đành phải đem gà của bố sang nhà mới, căn nhà của hai vợ chồng già như trống trải hơn. Cũng bởi ông luôn tự nhủ, là người dân tộc thì phải giữ cái hồn của người dân tộc, đi ra ngoài làm việc thì nói tiếng Kinh nhưng đã bước chân về đến nhà là hai vợ chồng chỉ nói với nhau bằng tiếng Thái.

“Cả đời tôi gắn bó với công tác dân tộc thôi”, đó là điều ông luôn tự nhủ và cho rằng cuộc đời đã dành cho ông nhiều may mắn, may mắn nhân đôi khi ông vừa là người dân tộc, được làm công tác dân tộc. Và việc ông trở thành người Mặt trận như là một cơ duyên, tự khắc đến.

“Vì trong công tác của Mặt trận có công tác dân tộc. Mặt trận là mái nhà chung của các dân tộc, các tầng lớp nhân dân nên tôi, một người dân tộc luôn coi công tác dân tộc là vinh dự và trách nhiệm của cuộc đời thì việc trở về Mặt trận, thành người Mặt trận cũng là lẽ thường”, ông Lù Văn Que chia sẻ.

Từ năm 14 tuổi ông Que đã theo cách mạng. Hàng chục năm gắn bó với cơ sở, hơn ai hết ông thấu hiểu công tác dân tộc cũng như công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Theo ông Que, việc của Mặt trận ở khu dân cư có tới hàng chục đầu việc, từ việc chia buồn, hòa giải cho đến việc giám sát. Công việc của người làm Mặt trận khi về tới khu dân cư là trao đổi bàn bạc chứ không phải bằng phương pháp cấp trên làm việc với cấp dưới. Kinh nghiệm của người làm Mặt trận là sự tích lũy vốn sống từ cuộc đời của chính họ.

Vì thế phải là người đủ đức tài, đến với dân, biết thuyết phục và tập hợp dân, nắm chắc lòng người để biết họ nghĩ gì, mừng gì, lo gì, muốn gì, rồi biết gỡ từng việc cụ thể, hợp với từng đối tượng, việc tốt thì nhân lên, việc khó cùng bàn, việc xấu phải phân tích và đấu tranh, phải gương mẫu và làm được các việc ích lợi cho đất nước để dân tin theo...Có như vậy, người dân mới vào tổ chức, mới có đại đoàn kết toàn dân để tạo ra sức mạnh chung.

Đổi mới tư duy về công tác dân tộc

Trở thành người Mặt trận không khó nhưng để xứng đáng là người Mặt trận như nhân dân mong mỏi không hề đơn giản. Hơn 15 năm qua, ông Lù Văn Que không chỉ thực hiện vai trò tích cực của một người Mặt trận trong cương vị là một thành viên của Hội đồng tư vấn Dân tộc của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam mà còn là một ủy viên của Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam. Ở cương vị nào cũng vậy, mỗi điều ông nói, mỗi hành động ông làm đều mang nặng nỗi lòng dành cho đồng bào dân tộc.

Công tác Mặt trận đang bước vào một giai đoạn mới, trong giai đoạn này, điều ông Que luôn trăn trở là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đổi mới cả nhận thức, nội dung và phương pháp công tác dân tộc. Việc đổi mới đó phải xuất phát từ ý Đảng và lòng dân, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng, theo đúng quan điểm, đường lối và nguyên tắc, kinh nghiệm đổi mới đất nước do Đảng ta đề ra; theo Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Nghị quyết Đại hội VIII và Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam …

Đoàn kết là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhưng truyền thống đó không phải lúc nào cũng tốt đẹp bởi vì vẫn còn những nguyên nhân gây mất đoàn kết dân tộc, trong đó đặc biệt là do các thế lực thù địch luôn có những âm mưu và hành động phá hoại khối đại đoàn kết. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải góp phần tìm cách khắc phục, giải quyết những nguyên nhân gây mất đoàn kết dân tộc.

Đó là những lý do để ông Lù Văn Que đã dành rất nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, nghiên cứu và có những đề xuất, giải pháp, góp phần cho sự ra đời đề án: Đổi mới công tác dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì chỉ có đổi mới thì mới có đoàn kết thực sự.

Theo ông Que, cái khó là làm sao để dân tin, dân theo Đảng đến cùng, công tác dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là phải tiếp tục khẳng định rõ, lấy dân làm gốc, nghe dân nói, làm dân tin, tất cả vì dân và phải nắm dân tâm, nâng dân trí, lo dân sinh, dân chủ, dân an. Để làm được những việc này, người Mặt trận ngày nay càng phải là những người có đức tài, có cái tâm nhiệt tình, trong sáng.

Thấu hiểu lòng dân

Mặt trận đã và đang tổ chức góp ý cho Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ 12 của Đảng, trong kỳ cuộc nào cũng vậy, tên ông luôn được xướng lên ở danh sách đầu tiên những người đăng ký đóng góp ý kiến.Tiếng nói phản biện chân thành sắc sảo của ông luôn để lại những ấn tượng với không chỉ người trong cuộc, với cánh phóng viên báo chí mà cả với dư luận nhân dân.

Công việc của dân tộc là công việc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhưng theo ông Que, công việc đó trước hết phải là người dân tộc. Vì vậy, trong yêu cầu đổi mới sự lãnh đạo của Đảng cần có lý luận – tư duy mới về dân tộc. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc cần có Luật Dân tộc Việt Nam. Và việc làm có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng cho từng dân tộc có một số cán bộ cốt cán.

“Phải dùng người tốt vào việc tốt. Đây là cái gốc của mọi công việc, thành công hay thất bại ở vùng dân tộc, đều do cán bộ và đảng viên- người đại diện cho dân tộc họ tốt hay kém”, ông Lù Văn Que nhấn mạnh.

Điều mà ông Lù Văn Que tâm đắc nhất sau hàng chục năm làm việc và gắn bó với đồng bào dân tộc, là việc quan trọng của Đảng, của Mặt trận thì phải nắm chắc lòng dân từng giây, từng phút, xây được tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ trong lòng dân, để đồng bào các dân tộc (cả đa số và thiểu số) thấy thiếu nó không sống được, biến nó thành ý thức tự nguyện đoàn kết, khi đó mới có sức mạnh đại đoàn kết thực sự từ lòng người.

Trí thức thường đi kèm với trí tuệ và phản biện. Nhưng ngày nay có không ít các trí giả không bao giờ phản biện bất cứ điều gì. Thật đáng mừng Mặt trận vẫn có những nhân sĩ trí thức như ông Lù Văn Que dù biết rằng “trung ngôn nghịch nhĩ”.

Năm tháng trôi qua, không biết đã có bao nhiêu bài phỏng vấn về ông, cũng không nhớ đã có bao nhiêu bài viết do chính ông gửi đến Đại Đoàn Kết, chỉ biết rằng, cánh phóng viên Mặt trận chúng tôi luôn thấy vui mừng khi vẫn được gặp gỡ, trò chuyện, tay nắm chặt tay với các cụ, các vị trong các hội đồng tư vấn, trong đoàn chủ tịch của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam như ông già người Thái- Lù Văn Que. Ông chính là một viên ngọc quý trong khối tài sản vô giá của Mái nhà chung Mặt trận.

Dạ Yến