Hội chứng fan cuồng hay những hố tử thần của văn hóa
Niềm vui đỗ đại học, nhận bằng tiến sĩ, hay nỗi buồn vì trượt đại học có là gì so với việc ngất, gào khóc khi gặp được thần tượng? Những cảm xúc bị đẩy lên quá giới hạn, trở thành mất kiểm soát là biểu hiện của sự hâm mộ đến mất lí trí, đang dần tạo nên những “hố tử thần” của văn hoá.
Các fan gào khóc khi nhìn thấy T-Ara xuất hiện ở sân bay Nội Bài.
Quay cuồng vì thần tượng
Mới đây, hàng trăm fan nữ đã gào thét, đập cửa xe đòi gặp thần tượng - nam diễn viên Hàn Quốc Kang Tae Oh ở sân bay Nội Bài (Hà Nội), sau khi chờ đợi suốt hơn 4 tiếng đồng hồ. Trước đó ít lâu, tại sự kiện âm nhạc Music Bank in Hanoi với sự tham gia của 7 nhóm nhạc nổi tiếng đến từ Hàn Quốc đã gây nên một “cơn bão” trong lòng fan Kpop và cũng tạo nên một cơn bão thật sự với các bậc phụ huynh và những người quan tâm tới giáo dục, đạo đức, văn hóa của giới trẻ.
Một lần nữa, trước những ca sĩ đến từ xứ sở Kim chi, fan Việt đã bày tỏ sự yêu mến cuồng nhiệt và cả sự thuần phục. Vỡ òa xúc động, sung sướng, những thần tượng bằng xương bằng thịt đã khiến rất nhiều bạn trẻ khóc lặng đi ngay từ khi các nhóm nhạc xuất hiện tại sân bay. Đến khi xem thần tượng của mình biểu diễn trên sân khấu, một làn sóng la hét, khóc nức nở, đùn đẩy nhau để đến gần ca sĩ lại tái diễn khiến cho buổi biểu diễn trở thành một làn sóng cuồng dại của những “tín đồ” Kpop.
Đây chỉ là một trong vô vàn các cuộc biểu thị lòng hâm mộ nhiệt tình đến mức thái quá của không ít bạn trẻ.
Những năm gần đây, cùng với việc phát triển mạnh mẽ của âm nhạc, điện ảnh Hàn Quốc thì các nhóm nhạc, diễn viên xứ kim chi sang Việt Nam ngày càng nhiều lên. Cơ hội gặp thần tượng của các bạn trẻ cũng nhiều lên. Và lần nào cũng vậy, y như rằng những hành động hâm mộ thái quá đến mức vô văn hóa như màn ôm nhau khóc lóc, la hét đến ngất đi, thậm chí phản cảm đến mức ôm hôn chiếc ghế thần tượng vừa ngồi khiến người ta chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Đến khi tình trạng này kéo dài thì người ta phải suy nghĩ. Không chỉ các fan nữ dễ bị xúc động và kích động, các fan nam cũng gào khóc khi được nhìn thấy những cô gái của nhóm T-ara năm 2012.
Cũng tháng 3 năm đó, các fan của Super Junior đã làm nên một cảnh tượng hãi hùng khi đuổi theo xe chở nhóm nhạc này trên đường cao tốc ra sân bay sau khi kết thúc đêm nhạc tại Hà Nội. Nam diễn viên Hàn Quốc Kim Huyn Joong khi sang Việt Nam năm 2013 cũng đã bị fan đeo bám, chặn cả đầu xe chỉ để được nhìn thấy anh rõ hơn. Còn chuyện giật tóc, cướp mũ, cấu áo, cào cấu thần tượng của fan Việt đã bị báo chí nước ngoài đưa tin rầm rộ.
Kinh hoàng nhất phải kể đến buổi biểu diễn của Super Junior tại MTV Exit Vietnam ở Mỹ Đình cách đây 5 năm. Hàng ngàn người đã tìm mọi cách để tiến gần hơn đến sân khấu, dù là phải chen lấn, dẫm đạp lên nhau, kết quả là sau buổi diễn tại sân vận động Mỹ Đình, có 40 fan Việt ngất xỉu do thiếu ô xi và quá mệt và rất nhiều người khác người cũng bầm tím vì chen chúc tại buổi diễn.
Đỉnh điểm của sự cuồng dại là một nhóm các em tuổi teen quỳ xuống hôn ghế anh chàng Bi-Rain đã ngồi khi lưu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội khiến dư luận buồn bã, thậm chí phẫn nộ.
Thiếu sức đề kháng
Đành rằng cần có cái nhìn cảm thông và chia sẻ. Đành rằng người trẻ có quyền thần tượng. Song, sự thần tượng một cách thiên lệch sang lĩnh vực giải trí, mà lại thần tượng một cách cuồng dại đang tạo nên mối đau đầu của không ít bậc phụ huynh, làm “nhiễu loạn” xã hội. Nó cho thấy sự thụ động và yếu ớt trong nhiều người Việt trẻ tuổi.
Hơn nữa, làm theo, sống theo thần tượng đó là đi theo những gì diễn ra trong phim, trên sân khấu chứ không phải là một cuộc sống thực. Lâu dần, trở thành vay mượn cuộc sống của người khác, sống trên mây, quên mất nỗ lực khám phá những tiềm năng của chính bản thân mình. Đó là những tác hại có thể nhìn thấy ngay được.
Công bằng mà nói, lối ăn mặc, quần áo, đầu tóc, thời trang của Hàn Quốc rất đẹp, học theo cách ăn mặc, cách sống của họ chẳng có gì là xấu. Chỉ đáng tiếc ở chỗ nó đã nhanh chóng “hạ gục” một bộ phận giới trẻ Việt Nam, biến họ thành tín đồ vô điều kiện mà không có sự tiếp biến, không có một chút kháng cự nào.
Có thời người ta từng mê mẩn phim hài nhảm Hồng Kông, say mê với phim dã sử Trung Quốc, giờ lại đắm đuối với phim truyền hình và ca nhạc Hàn Quốc. So với phương Tây thì sự ảnh hưởng của các nước châu Á đến chúng ta có phần mạnh mẽ hơn. Có ý kiến cho rằng: Đừng nói đó là sự gần gũi về địa lý và văn hóa mà là sự tiếp thu một cách không chọn lọc.
Hay nói cách khác, bản lĩnh và cả bản sắc của văn hóa Việt đang bị đe dọa không hề nhỏ ở những người trẻ. Rồi một lúc nào đó, khi đã trưởng thành, những fan cuồng kia có thể mỉm cười nhẹ nhàng khi nhớ về một thời tuổi trẻ điên rồ của mình. Song, chắc chắn không ít cuộc đời đã rẽ sang những hướng khác.
Nên chăng, chúng ta cũng cần có những chiến lược điều chỉnh sao cho những làn sóng ấy bớt tác động đến người Việt trẻ một cách tiêu cực và mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, tại các nhà trường cũng nên có những buổi ngoại khóa về thần tượng. Ngay bản thân các gia đình cũng phải đồng hành cùng con cái trong vấn đề này, đừng cho rằng thần tượng chỉ là việc riêng của con, để đến khi việc bị đẩy lên quá đà mới quay ra trách móc con cái. Và để “giảm nhiệt” của hồi chuông báo động này, đã đến lúc cả xã hội cần bắt tay vào cuộc chứ đừng chỉ đứng ngoài quy kết. Bởi, đầu tư cho văn hóa, cho nhân cách là sự đầu tư lâu dài.
Đừng để lỗ hổng này ngày càng lớn, trở thành những “hố tử thần” trong văn hoá!