Tình người ở chợ song sắt

Đoàn Xá 11/10/2015 09:45

Nằm ở ngoại ô thành phố, nhiều năm qua, khu chợ khá độc đáo bởi người mua và kẻ bán bị ngăn cách với nhau bằng những song sắt dài luôn nhộn nhịp, đặc biệt là quãng thời gian giữa trưa. Hơn nữa, dù có song sắt chắn ngang nhưng chợ luôn đầy ắp tình người, tiếng cười lẫn sự thân thiện chứ không chộn rộn bán mua, mặc cả như nhiều khu chợ khác. Đó là chợ tạm ở đường số 7, khu công nghiệp Tân Tạo (phường Tân Tạo, Bình Tân, TP HCM).

Tình người ở chợ song sắt

Kẻ bán, người mua trao đổi qua song sắt.

Giữa trưa nắng, chúng tôi tìm tới khu chợ với hàng trăm thanh sắt sơn màu xanh, song song chỉa tua tủa lên trời khi mà người mua, kẻ bán đông đúc.

Anh Hòa, 37 tuổi, một người bán bắp (ngô) luộc ở đây cho biết, khu chợ này thuộc dạng tự phát, chỉ hoạt động chừng 2 đến 3 giờ đồng hồ mà thôi. Cụ thể, khoảng từ 11h đến 13h là khách hàng đông nhất.

Khi ấy, những công nhân đang làm việc trong khu công nghiệp được nghỉ trưa. Có người thì nằm ngủ một chút. Có người cần thêm nhu cầu ăn uống, vật dụng thì họ tìm ra khu chợ này. Do đặc thù đang trong giờ làm nên công nhân chỉ có thể đi lại trong khu công nghiệp, vì vậy người bán đứng đợi sẵn bên ngoài song sắt hàng rào.

“Mặc dù buổi trưa, công nhân đều được nhà máy cho ăn cơm theo suất cố định nhưng nhiều người làm việc suốt ngày, vẫn đói. Vì vậy thường ra mua bắp để ăn thêm. Lại nữa, nhiều lúc tăng ca đến tối, phải ăn cái bắp cho chắc bụng để có sức”, người đàn ông quê dưới miệt Tiểu Cần (Trà Vinh) cười hồn hậu giải thích.

Thế nên, mỗi ngày anh Hòa cũng bán được từ 30 đến 45 chiếc bắp ở khu chợ này. Và, giá bán ở đây cũng khá rẻ, chỉ 2-3 ngàn đồng/cái do người bán và kẻ mua đều hiểu, công nhân thì không thể có nhiều tiền, nếu giá quá mắc, sẽ không có ai mua.

Dọc tuyến đường số 7 là một dãy song sắt sơn màu xanh xám của khu công nghiệp để bảo vệ tài sản công ty. Thanh sắt cao chừng 3,5 mét và khoảng cách mỗi thanh là 30 cm. Vì vậy, việc mua bán hàng hóa giữa người bên ngoài và bên trong song sắt diễn ra khá thuận lợi. Ở bên ngoài, trên vỉa hè những xe nước mía, xe hủ tiếu gõ, xe nước giải khát, xe bán cơm, bún thịt nướng cũng tất bật đợi đón khách. Bên trong, công nhân cần gì chỉ việc đưa tiền là có thể mua được.

Chị Nguyễn Thị Hải, 23 tuổi, một công nhân da giầy ở đây cho biết: Thường, buổi trưa ở công ty có sẵn suất ăn cho từng người nhưng chị vẫn ra chợ song sắt này để mua chai nước, bịch trái cây hay một vài thứ đồ cần thiết khác. Hàng hóa bán ở đây giá cũng khá rẻ và phù hợp với công nhân. Bên cạnh đó, do đặc thù công việc, thời gian nghỉ trưa khá ngắn, chỉ chừng hơn một giờ đồng hồ lại còn phải ăn uống, vệ sinh nên không có thời gian để đi bất cứ đâu, ngoài khu chợ nằm phía ngoài hàng rào kia.

Có lẽ vì thế mà khu chợ sát bên song sắt này là một lựa chọn rất phù hợp với tâm lý và điều kiện của đa số công nhân ở đây.

Mặc dù đây là chợ tự phát, nằm trên vỉa hè của tuyến đường số 7 nhưng vào lúc cao điểm, số người bán có khi lên đến hàng trăm người, với đủ thứ mặt hàng khác nhau. Còn người mua, dĩ nhiên là khá đông đúc, do công nhân ở khu công nghiệp Tân Tạo này có lúc lên đến hàng chục ngàn người.

Theo chị Hạnh bán cà phê, nước ngọt thì mặc dù mua bán qua song sắt nhưng việc giao hàng và trả tiền rất đơn giản bởi mọi người luôn tin tưởng lẫn nhau. Không có chuyện kẻ bên trong, người bên ngoài song sắt ăn quỵt, bán hàng gian dối. “Nhiều lúc, gặp khách hàng quen, tôi còn bán thiếu cho ly cà phê hay chai nước cũng chả sao, cùng là dân lao động cả mà”- chị Hạnh cho biết thêm.

Do đã thành thói quen, không chỉ những mặt hàng cần thiết dùng cho quãng thời gian nghỉ trưa mà ngay cả quần áo, mỹ phẩm, giày dép cũng được bày bán để phục vụ những người có nhu cầu bởi nhiều khi làm tăng ca, về tới nhà đã tối khuya không có nhiều thời gian ra chợ chọn lựa đồ đạc. Tranh thủ thời gian nghỉ trưa để mua những thứ mình cần thiết cũng là nhu cầu của nhiều công nhân, nhất là phụ nữ.

Thật vui là cạnh hàng rào sắt này có khá nhiều cây, bóng mát xum xuê nên nhiều khách hàng mua nước, hủ tiếu, mì xào, bún nước lèo có thể ngồi trong hàng rào sắt, ăn uống xong mới trả tiền cũng không sao. Dường như những song sắt kia không ngăn cản được tình người của những phận đời nhỏ bé, ngụ cư ở đây. Đó chính là lý do nhiều năm qua, khu chợ độc đáo này vẫn tồn tại, và khá nhộn nhịp ở vùng ngoại ô này.

Đoàn Xá