'Sức mạnh mềm' của các tôn giáo

Ths Nguyễn Văn Thanh     Trưởng ban Tôn giáo Ủy ban TW MTTQ Việt Nam 12/10/2015 09:10

“Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo...” là một trong những nội dung được đề cập trong phần “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” của Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Để bổ sung, phát triển và hoàn thiện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo, cần có cách nhìn nhận khách quan, toàn diện về vai trò của tôn giáo trong thời đại ngày nay.

'Sức mạnh mềm' của các tôn giáo

Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình
và lãnh đạo các tôn giáo tại Hội nghị trù bị phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giải quyết những vấn đề mang tính chất toàn cầu

Thế giới ngày nay đang trong quá trình vận động, biến đổi rất nhanh chóng về mọi phương diện. Tôn giáo, với tư cách là một loại hình ý thức xã hội, một thực thể xã hội cũng không nằm ngoài sự vận động, biến đổi chung đó. Trong quá trình vận động, phát triển, mỗi quốc gia đang từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến tôn giáo cho phù hợp với xu thế vận động chung.

Điểm đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây là hệ thống luật pháp đó đều chú ý khuyến khích sự đoàn kết, khoan dung giữa các tôn giáo, đồng thời có chính sách để phát huy các giá trị tốt đẹp của tôn giáo (không chỉ là giá trị văn hóa, đạo đức) và vai trò của các tôn giáo với tư cách là một nguồn lực để phát triển xã hội, hoặc nhìn nhận các tôn giáo (chân chính) là nguồn sức mạnh mềm của quốc gia.

Thực tiễn đời sống tôn giáo ở nước ta cũng như trên thế giới và kết quả nghiên cứu về vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội cho thấy, tôn giáo không chỉ có vai trò xây dựng đối với xã hội thông qua các giá trị văn hoá, đạo đức của nó, mà tôn giáo còn có thể đóng góp những giá trị tốt đẹp khác đối với ổn định xã hội, đoàn kết dân tộc và phát triển bền vững.

Tôn giáo cũng là một kênh quan trọng để thúc đẩy mở rộng đối ngoại nhân dân; tham gia giải quyết các vấn đề có tính chất toàn cầu như: Bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống chiến tranh, bá quyền, bạo lực, nghèo đói... Tôn giáo cũng là một kênh quan trọng để chúng ta tăng cường đoàn kết, tập hợp đồng bào ta đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài. Tôn giáo của người Việt Nam cũng là một kênh quan trọng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hoá tốt đẹp của Việt Nam ra nước ngoài.

Xã hội hoá một số hoạt động

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi cần sớm phát triển tư duy lý luận về tôn giáo và công tác tôn giáo, khắc phục những thành kiến, mặc cảm và nhận thức giản đơn, giáo điều về tôn giáo trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; trên cơ sở đó xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về tôn giáo, công tác tôn giáo phải đảm bảo phát huy được vai trò, các nguồn lực và sức mạnh mềm của tín ngưỡng, tôn giáo để đoàn kết, khoan dung trong xã hội; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đó, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng cần bổ sung cách nhìn nhận vai trò của các tôn giáo trong xã hội một cách tích cực hơn và đầy đủ hơn, đặc biệt cần nhìn nhận vai trò “sức mạnh mềm”, cần có chủ trương phát huy nguồn lực, các giá trị tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó bổ sung, phát triển thêm các quan điểm mới của Đảng ta về tôn giáo và công tác tôn giáo.

Cần khẳng định quan điểm: “Khuyến khích các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tham gia xã hội hoá các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề và từ thiện nhân đạo... phù hợp với chức năng, nguyên tắc tổ chức của mỗi tôn giáo và quy định của pháp luật”.

Trên cơ sở quan điểm đó, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan sẽ có các quy định cụ thể, rõ ràng và nhất quán để khuyến khích các tổ chức tôn giáo hợp pháp tham gia xã hội hoá các hoạt động y tế, giáo dục, nhân đạo từ thiện có định hướng.

Về Giáo dục, cần tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hợp pháp tham gia xã hội hóa không chỉ ở bậc học mầm non cần mà mở rộng ở những cấp học khác và dạy nghề… theo đúng nội dung, chương trình, nhân sự và sự quản lý của các cơ quan chức năng nhà nước, đồng thời các tổ chức tôn giáo phải đảm bảo nguyên tắc: “không truyền bá tôn giáo” khi tham gia các hoạt động này.

Về Y tế, cần tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập các bệnh viện để khám chữa bệnh cho nhân dân, cho người nghèo, nếu các tổ chức tôn giáo đảm bảo được các cơ sở vật chất, nhân sự và các yêu cầu khác về quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đây là nhu cầu và là tâm tư nguyện vọng của chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã được trình bày, phản ánh với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nếu có chính sách, pháp luật cụ thể để phát huy, sẽ góp phần phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân, của các tôn giáo tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tránh các dư luận và tâm tư trong một bộ phận chức sắc, nhà tu hành tôn giáo cho rằng có sự phân biệt đối xử với tôn giáo, nhìn nhận vai trò của các tôn giáo ở trong nước không bằng “nhà tư bản nước ngoài”… vì các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đã được Nhà nước tạo điều kiện cho mở trường lớp (kể cả trình độ đại học), mở bệnh viện… theo quy định của pháp luật liên quan.

Khẳng định tư cách pháp nhân

Dự thảo Báo cáo Chính trị cũng cần khẳng định quan điểm mới đã được thể hiện và ghi rõ trong Hiến pháp năm 2013 khi nhìn nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người, là quyền của mọi người chứ không chỉ là quyền công dân như cách hiểu trước đây. Đảng, Nhà nước ta có trách nhiệm bảo đảm và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, kể cả người nước ngoài đang làm ăn, sinh sống, học tập và cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng cho người nước ngoài đang học tập, làm ăn, sinh sống hợp pháp tại Việt Nam cũng là một nhân tố góp phần thúc đẩy việc thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học - công nghệ, tri thức, phương pháp quản lý và phát triển kinh tế của đất nước.

Đặc biệt, Dự thảo Báo cáo Chính trị cần bổ sung quan điểm nhìn nhận các tổ chức tôn giáo (đã được Nhà nước công nhận) là một loại pháp nhân (có thể là pháp nhân phi thương mại hoặc loại pháp nhân đặc thù). Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tôn giáo hợp pháp trong đời sống xã hội, là điều kiện để phát huy tốt vai trò nguồn lực và sức mạnh mềm của các tôn giáo tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia ứng phó với các vấn đề có tính chất toàn cầu như: Xoá đói giảm nghèo; đoàn kết và ổn định xã hội; bảo vệ môi trường...

Hệ thống chính sách, pháp luật cũng cần ưu tiên lấy các xu thế tích cực, tiến bộ trong tôn giáo để khắc phục, hạn chế và đẩy lùi tư tưởng tôn giáo cực đoan hoặc lợi dụng tôn giáo vào các hoạt động khủng bố, ly khai, chiến tranh và bạo lực... trong một nhóm nhỏ cực đoan hay lực lượng xấu.

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng cần bổ sung cách nhìn nhận vai trò của các tôn giáo trong xã hội một cách tích cực hơn và đầy đủ hơn, đặc biệt cần nhìn nhận vai trò “sức mạnh mềm”, cần có chủ trương phát huy nguồn lực, các giá trị tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó bổ sung, phát triển thêm các quan điểm mới của Đảng ta về tôn giáo và công tác tôn giáo.

Ths Nguyễn Văn Thanh     Trưởng ban Tôn giáo Ủy ban TW MTTQ Việt Nam