Chung tay phát huy tiềm năng du lịch vùng Việt Bắc
Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VII năm 2015 do tỉnh Hà Giang đăng cai tổ chức vừa bế mạc đã để lại dấu ấn trong lòng du khách và người dân các tỉnh Việt Bắc.
Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người miền núi cao luôn hấp dẫn du khách.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải đánh giá, đây là sự kiện văn hóa du lịch có ý nghĩa lớn cả về chính trị, xã hội và kinh tế. Qua đây, đồng bào các dân tộc Việt Bắc, du khách trong và ngoài nước được thưởng thức những giá trị di sản văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc; đồng thời đây là cơ hội tốt để các tỉnh quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng du lịch, truyền thống văn hóa tỉnh mình, tạo mối liên kết trong vùng để cùng phát triển bền vững.
Năm nay, Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc. Bà con các tỉnh Việt Bắc và du khách trong nước cũng như nước ngoài có dịp khám phá, tìm hiểu sâu hơn các sản phẩm du lịch, các món ăn độc đáo của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, các hoạt động thể thao mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, tung còn… cũng được giới thiệu phục vụ du khách. Đặc biệt, tại huyện Bắc Mê (Hà Giang) diễn ra Hội đua mảng độc đáo trên lòng hồ thuộc lưu vực sông Gâm.
Nhân dịp này, BTC chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VII năm 2015 tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc (gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên), giai đoạn 2009 – 2015, phương hướng giai đoạn 2015 – 2020 nhằm đánh giá lại quá trình tổ chức trong 6 năm qua để rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng chiến lược quảng bá, phát triển du lịch trong vùng.
Theo báo cáo của BTC, sau 6 năm tổ chức, Chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc” đã đem lại những thành công nhất định, hoạt động hợp tác phát triển trong vùng có nhiều đổi mới về nội dung, có chiều sâu hơn, trong đó tập trung vào các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được các tỉnh trong khu vực đặc biệt chú trọng, góp phần thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư đến tham gia liên kết, phát triển du lịch tại các tỉnh.
Qua các năm, chương trình hợp tác du lịch của các tỉnh khu vực Việt Bắc ngày càng có chiều sâu, đáp ứng nhu cầu của các tỉnh thành viên, đặc biệt là các lĩnh vực: phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực. Các tỉnh thành viên đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, mục tiêu phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của vùng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nhận định: Các tỉnh Việt Bắc đã triển khai nhiều nội dung hợp tác phát triển kinh tế song phương, đa phương nhằm khai thác, phát huy thế mạnh của mỗi tỉnh, tạo điều kiện cho sự phát triển chung của khu vực; cụ thể hóa các chương trình liên kết, lĩnh vực hợp tác phát triển du lịch luôn được ưu tiên triển khai trên cơ sở những đặc điểm tương đồng trong lịch sử, văn hóa và tiềm năng tài nguyên du lịch, nhằm hình thành một khu vực phát triển, hoàn thiện về hạ tầng du lịch, đa dạng về sản phẩm, chuẩn hóa về chất lượng dịch vụ, nhân lực có tính ổn định và bền vững…
Theo thống kê, trong năm 2014, tổng lượng khách đến với 6 tỉnh vùng Việt Bắc đạt trên 6,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt trên 400 nghìn lượt. Cơ sở vật chất chuyên ngành du lịch, dịch vụ bước đầu phát triển; tính đến hết năm 2014, trên địa bàn 6 tỉnh có 1.100 cơ sở lưu trú, trong đó có 250 cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1-4 sao… Tuy nhiên, hoạt động du lịch của 6 tỉnh trong khu vực vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, cơ sở hạ tầng du lịch còn kém; chưa tạo đột phá trong liên kết phát triển du lịch; các công cụ quảng bá xúc tiến du lịch chưa được chú trọng…
Nhìn nhận lại một chặng đường đã đi qua cũng đồng thời để rút kinh nghiệm cho những chương trình sắp tới, chính bởi vậy, nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn đã được đưa ra. Đại diện các tỉnh và các công ty lữ hành đóng góp nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch trong thời gian tới, tập trung vào một số nội dung: cần thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, đầu tư chiến lược, quản lý hợp tác về phát triển du lịch; nên mở rộng không gian hợp tác liên kết trong phát triển du lịch một cách toàn diện; tăng cường quảng bá du lịch bằng trang web chung; xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong phát triển du lịch; xây dựng logo, thể hiện bản sắc của 6 tỉnh; nên thành lập nhóm hướng dẫn viên địa phương…