Tìm lại chính mình
Vì sao chúng ta lại tự hại mình, mang cuốc, thuổng đào đất dưới chân mình. Vì sao chúng ta có cả bầu trời bốn mùa mưa nắng, mảnh đất mầu mỡ dưới chân, sao ta lại bỏ phí, để rồi chính ta lại quay lưng với ta?
Không ít người đã quay tìm lại các sản phầm từ đồng quê. Ảnh: Hoàng Long.
Liên tục trong thời gian gần đây, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện nhiều vụ dùng chất cấm trong chăn nuôi. Các lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, Hải quan cũng phát hiện nhiều thực phẩm bẩn, ôi thiu lưu hành trên thị trường nội địa, có khi là tuồn vào từ nước ngoài. Các bà nội trợ tần ngần đứng trước ngồn ngộn các loại thực phẩm, hoa quả nhìn thì tươi ngon mà không biết ăn gì, mua gì.
Với người nông dân, cây lúa, cây ngô, cây khoai, con lợn, con gà, con cá... bao đời nay đã gắn bó, thân thiết. Vật nuôi đã gắn với quá trình tiến hóa của con người. Chẳng cần phải qua những lớp sinh học hướng dẫn, người ta vẫn biết con vật nuôi, cây trồng của mình phát triển như thế nào.
Ngày nay, với việc chạy theo lợi nhuận, năng suất, việc áp dụng kỹ thuật công nghiệp, một thời gian dài người ta chạy theo khối lượng, số lượng sản phẩm. Từ việc thay đổi, lai giống, cho đến kỹ thuật nuôi trồng. Cây, con đều không còn là sự phát triển tự nhiên mà là phải phải triển tuân theo ý con người. Trước con gà chỉ lớn khoảng 1-2 kg, nay con gà phải 5-7 kg. Con lợn ngày trước một năm mới lớn đến 50-70 kg. Nay con lợn 3-5 tháng đã có khối lượng 70-80 kg, thậm chí hàng tạ.
Lại bàn về chất lượng, trước kia con lợn nạc phải có quá trình nuôi dài, qua vận động, thức ăn chất lượng. Còn nay, người ta dùng thức ăn công nghiệp, thậm chí dùng chất hóa học bị cấm-salbutamol-chất tạo nạc trộn vào thức ăn nuôi lợn. Còn gà, như thanh tra mới phát hiện, lại có chất vàng ô- tạo màu sắc đẹp cho con gà, thịt gà...
Ai chẳng biết rằng chất lượng cây trồng, vật nuôi tự nhiên khác hẳn với chất lượng cây trồng, vật nuôi “ép” bằng hóa chất. Cái cây, trái cây, con vật được sinh ra, trưởng thành, lớn lên hấp thu khí trời đất đủ thời gian, đủ dinh dưỡng tự nhiên, sẽ phải khác hẳn với cây trái, con vật lớn ép, chín ép từ tác động của con người, hóa chất. Đó chưa kể những hóa chất cấm như chất bảo quản hoa quả, kích thích chín sớm, hay chất tạo nạc ở lợn, chất tạo màu ở gà gần như không tự đào thải khỏi hoa quả, tự đào thải khỏi cơ thể vật nuôi. Tất cả lại quay lại đổ vào chính con người, để rồi gây ra các loại bệnh, bệnh trọng như ung thư.
Có lẽ chưa bao giờ sản vật cây trồng, vật nuôi nhiều như ngày nay. Vào bất cứ khu chợ nào ở các thị thành, đều chất chồng các hàng hoa quả đủ loại, các dãy bán thịt lợn, thịt bò, cua cá...Những sản phẩm ai cũng biết đã được tạo ra từ bàn tay sáng tạo của con người. Nhìn những quầy đu đủ, chuối...vàng ươm, những sạp thịt lợn, gà tươi roi rói, chủ yếu là thịt nạc. Với người nông dân thì đây đúng là cả giấc mơ.
Bởi với buồng chuối chín cây, ít khi chuối chín cả buồng một lúc như thế kia? Nuôi con lợn, phải hàng năm, phải đầu tư lắm mới có được thịt nạc thế kia. Thế nhưng, chính từ việc nhìn những sản phẩm như thế kia, người ta lại càng hết sức băn khoăn. Biết mua gì đây? Ăn gì đây? Quả táo, quả lê mua đã mấy tháng, vẫn tươi trên bàn. Miếng thịt lợn nhìn ngon, cân sườn nhìn ngon, mua về thả vào nước sôi, bao nhiêu bọt bèo, bọt đen nổi lên, ngầu đục. Chẳng lẽ lại không ăn?
Vậy là đến chính người Việt ta cũng đã quay lưng, nói chi đến cạnh tranh, trưng bày, hô hào về sản phẩm mình trước quốc tế. Không ít người đã quay tìm lại các sản phẩm từ đồng quê, đặt mua hoa quả ngay từ còn xanh, vật nuôi từ quê hương. Thời gian đã chứng minh cái “ta” hơn cái “công nghiệp” kia.
Nhiều chục năm trước đây, khi mà việc nuôi trồng gần như tuân theo tự nhiên, chất lượng sản phẩm không có gì phải bàn. Dù sản phẩm có ít hơn, nhưng chất lượng tinh hơn. Với những sản phẩm ấy, ngày nay, chúng ta có quyền cạnh tranh cùng sản phẩm của bất cứ nơi đâu. Người Nga, người Nhật, người Mỹ... khi đến Việt Nam từng đã mê mẩn trước những hoa quả tự nhiên, những con gà, con cá... đồng quê của Việt Nam.
Vì sao chúng ta lại tự hại mình, mang cuốc, thuổng đào đất dưới chân mình. Vì sao chúng ta có cả bầu trời bốn mùa mưa nắng, mảnh đất mầu mỡ dưới chân, sao ta lại bỏ phí, để rồi chính ta lại quay lưng với ta? Trách nhiệm của ai? Đã đến lúc cần phải tìm về với chính mình, về với cái “ta”. Phải bắt đầu từ gốc, từ người trồng trọt chăn nuôi. Và không chỉ từ một vài đơn vị, hộ gia đình mà rất cần cả xã, cả huyện, cả tỉnh, cả nước cùng thay đổi. Trách nhiệm trước hết phải từ những người quản lý.
Từ quan niệm đến cách làm. Hạn chế đến mức thấp nhất lợi dụng chất hóa học, nói không với chất cấm, tuân theo tự nhiên để có được những sản phẩm chất lượng tự nhiên nhất, chất lượng hoàn hảo nhất với số lượng có thể. Đến một lúc nào đó, người của ta đi chợ, đi siêu thị không còn chút băn khoăn, cùng với việc ngẩng cao đầu giới thiệu hàng của mình với khách quốc tế.